Đánh giá nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII:

Trăn trở những 'món nợ' với dân, với nước

ĐBQH nêu ra nhiều “món nợ” với cử tri và nhân dân. Ảnh: Như Ý.
ĐBQH nêu ra nhiều “món nợ” với cử tri và nhân dân. Ảnh: Như Ý.
TP - Khẳng định những kết quả đạt được với nhiều đổi mới, tuy nhiên thảo luận đánh giá về công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội ngày 28/3, các đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập và những “món nợ” trước cử tri và nhân dân cả nước.

“Nghiệt ngã nhưng rất công bằng”

Đánh giá về công tác nhiệm kỳ, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng, Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ QH khóa XIII “như một bức tranh đẹp, lãng mạn, tuy nhiên sau mỗi lần rời nghị trường vẫn còn bao trăn trở, ưu tư vì còn nợ dân, nợ nước”. Nhiều mong đợi của dân, nhiều bức xúc của cuộc sống, nhiều trí tuệ và tâm huyết đã không được đưa vào các văn bản pháp luật. Theo ĐB Nam, đó chính là nguyên nhân của thực trạng luật khung, luật ống, luật nhiều nhưng nhân dân vẫn sốt ruột lo lắng vì bệnh “nhờn luật”.

Đánh giá trực tiếp vào chất lượng ĐB, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, kỹ năng hoạt động của một số ĐB còn hạn chế, chưa tích cực tham gia đóng góp ý kiến tại kỳ họp. “Một số ĐBQH chuẩn bị nội dung phát biểu chất lượng thấp, có ĐBQH có những phát ngôn chưa đúng chuẩn mực, có ĐBQH vi phạm pháp luật, gây mất niềm tin, sự kỳ vọng, tin tưởng của cử tri và nhân dân cả nước”, ĐB Học nói.

Tương tự, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cũng cho rằng, nhiều ĐBQH vẫn chưa làm tròn bổn phận, còn hời hợt, thiếu bản lĩnh. “Theo tôi, QH của nhiệm kỳ mới vẫn còn nặng nợ với cử tri, trong đó có vai trò của từng ĐBQH. Sự đánh giá của cử tri đôi lúc nghiệt ngã nhưng cũng rất công bằng. Tôi tin rằng trong nhiệm kỳ tới, số ĐB tái cử và ĐB mới chất lượng được nâng lên, bản lĩnh trí tuệ sẽ tốt hơn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới”, ông Nghĩa chia sẻ.

“Chính sách ở xa, quan nha ở gần”

Đề cập đến công tác làm luật, giám sát, nhiều ĐB cho rằng, công tác này còn nhiều hạn chế khi vẫn còn tình trạng luật vừa ra đã phải sửa, “giám sát ở phòng lạnh”, giám sát kiểu cưỡi ngựa xem hoa... “Một số cử tri nói với chúng tôi, chính sách thì ở xa, quan nha thì ở gần. Cho nên điều người dân mong muốn chính là hoạt động giám sát của QH, giúp họ có thể giải quyết được những bức xúc cụ thể, những phản ánh kiến nghị cụ thể”, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) phản ánh, đồng thời mong muốn hoạt động giám sát vừa vĩ mô nhưng cũng cần quan tâm đến những vấn đề cụ thể trong nhân dân.

ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) cho rằng, chất vấn là hoạt động giám sát hiệu quả nhất được cử tri và nhân dân quan tâm theo dõi. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất của chất vấn là phải truy được trách nhiệm, nhưng khâu này lại làm chưa tốt, hàng ngàn câu chất vấn về trách nhiệm, song rất ít được trả lời. Theo ĐB, có thể vì vậy mà hàng loạt các vụ việc, nào là phá rừng, làm biệt thự trái phép, nào ký túc xá vài trăm tỷ bỏ hoang, nhà máy gang thép nghìn tỷ thành đống sắt vụn…đằng sau những vụ việc đó vẫn là câu hỏi trách nhiệm mà cử tri muốn có được câu trả lời nhanh chóng, rõ ràng.

Dân chán cán bộ chỉn chu, trau chuốt

Đề cập đến vấn đề cán bộ, ĐB Lê Nam cho rằng, nhân dân cả nước đang rất quan tâm, theo dõi, ủng hộ từng bước đi, việc làm của đội ngũ lãnh đạo mới. ĐB Nam viện dẫn một ĐB cùng đoàn Thanh Hóa là Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng làm ví dụ.

“Nhân dân chán lắm rồi những cán bộ chỉn chu và trau chuốt với những ngôn từ tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao. Nhân dân và cán bộ, đảng viên cần những người lăn vào cuộc sống”. 

ĐB Lê Nam

“Hơn lúc nào hết, nhân dân khao khát việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Nhân dân chán lắm rồi những cán bộ chỉn chu và trau chuốt với những ngôn từ tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao. Nhân dân và cán bộ, đảng viên cần những người lăn vào cuộc sống, những bí thư có đủ quyền hành, nhưng cũng đủ những ràng buộc về trách nhiệm, công khai và minh bạch, để những hy sinh, sáng tạo, cống hiến của họ đến được với nhân dân”, ĐB Nam phân tích vì sao ông Thăng được người dân ủng hộ.

Đề cập đến nỗi lo về tình trạng suy thoái đạo đức xã hội, ĐB Võ Thị Dung cho rằng, đạo đức giả đang ngày càng lấn át đạo đức thật, chủ nghĩa thực dụng ngày càng phổ biến trong một bộ phận xã hội. Bên cạnh đó, quốc nạn tham nhũng lớn, nhỏ, tham nhũng vặt đang ngày càng gia tăng, ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người. “Việc gì cũng phải “lót tay”, phải “chạy”, phải “lại quả”. Việc gì cũng phải có phong bì, gây nên một lối sống nguy hại cho xã hội”, ĐB Dung nhìn nhận.

Tiếc vì chưa ra được nghị quyết về Biển Đông

Mang bảy nỗi lo tới diễn đàn QH, ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) cho rằng, nỗi lo đầu tiên của cử tri là vấn đề về ngoại xâm khi biển đảo đang bị xâm chiếm. “Tuy không thể giải quyết những nỗi lo và mong ước của nhân dân trong một sớm một chiều, nhưng tôi tâm niệm và QH có thể làm được là hoạt động của QH phải mạnh mẽ hơn nữa, gắn chặt hơn nữa với nỗi lo, nguyện vọng chính đáng của nhân dân”, ĐB Dung kỳ vọng.

Trong bảy phút phát biểu, không khí hội trường yên lặng hơn khi ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đề cập đến hoạt động đối ngoại của QH. Theo ông Quốc, đây là lĩnh vực quan trọng, đa dạng với nhiều hoạt động lớn và cũng là vấn đề thiết thực nhất, trực tiếp nhất mà người dân quan tâm. “Làm sao cho biển không còn gợn sóng, làm sao cho chúng ta bảo vệ được chủ quyền của đất nước? Qua ý kiến của người dân thì người dân vẫn chưa hài lòng, nhiều phản ứng chúng tôi cho còn chậm”, ông Quốc đánh giá. 

Đề cập đến “khoản nợ” của QH, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho đó là thái độ, lời nói và hành động của QH trước vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo. ĐB dự báo năm 2016 sẽ là một năm thách thức căng thẳng trong vấn đề này. Cùng tâm trạng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Đình Long (Đắk Nông), người đã trải qua ba nhiệm kỳ QH cũng thể hiện sự tiếc nuối khi trong nhiệm kỳ này QH  không ra được một nghị quyết về biển Đông.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Đáng buồn khi ĐBQH vi phạm luật

Thật đáng buồn khi có những ĐBQH vi phạm pháp luật. Nguyên nhân đầu tiên là chúng ta chưa làm tốt công tác tuyên truyền do cử tri và nhân dân chưa sáng suốt trong lựa chọn những người xứng đáng để bầu vào QH, nên đã bầu hai ĐB tự ứng cử, không đại diện được cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Đây cũng là bài học sâu sắc đối với các ban chỉ đạo bầu cử và cử tri một số tỉnh thành, chưa xem xét lựa chọn để bầu vào những người xứng đáng đại diện cho ý chí nguyện vọng của mình, dẫn đến làm mất niềm tin, kỳ vọng của nhân dân đối với ĐBQH.

ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Chỉ người dân mới đánh giá đúng nhất

Nếu ai trải qua hai nhiệm kỳ QH thì thấy những thay đổi, tiến bộ rất tích cực qua mỗi nhiệm kỳ. Nhưng điều quan trọng hơn là chúng ta có theo kịp được sự phát triển của đất nước, với nhu cầu của đời sống và với nguyện vọng của dân không? Thước đo ấy mới là quan trọng. Nếu thước đo rằng nhiệm kỳ này chúng ta làm tới 100 luật, trong khi nhiệm kỳ trước chỉ bằng một nửa, điều đó rất đáng ghi nhận, nhưng luật có đi vào đời sống không? Chỉ có người dân là người vừa thụ hưởng thành quả của QH, vừa là người chịu đựng những hậu quả của những sai sót QH mới là người đánh giá tích cực nhất, đúng đắn nhất.

Thành Nam (ghi)

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.
Bản tin Hình sự: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ
Bản tin Hình sự: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ
TPO - TIN NÓNG ngày 25/4: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ; Tàng trữ 1 viên đạn súng quân dụng bị tuyên phạt 12 tháng tù; Ông Trần Quí Thanh bị tuyên phạt 8 năm tù; Triệu tập hai đối tượng liên quan vụ hành hung phóng viên; Một cựu chủ tịch xã bị bắt; Lừa đảo cấp chứng chỉ tiếng Anh mang tên tổ chức Cambridge International...