Trăn trở từ đảo Ngọc

Một làng chài nghèo ở ấp Đá Chồng, xã Bãi Thơm. Hầu hết người dân đã bán đất và nay lại sống nhờ trên chính mảnh vườn mình đã bán.
Một làng chài nghèo ở ấp Đá Chồng, xã Bãi Thơm. Hầu hết người dân đã bán đất và nay lại sống nhờ trên chính mảnh vườn mình đã bán.
TP - Kể từ khi có chủ trương của Chính phủ về xây dựng “thiên đường du lịch” vào năm 2004, và mới đây là Đề án thành lập đặc khu, các dự án du lịch trên đảo Phú Quốc đã phát triển một cách nhanh chóng.

 Viễn cảnh về một đặc khu kinh tế phồn thịnh trên hòn đảo tây nam Tổ quốc đang mở ra. Tuy nhiên, những hệ lụy về mặt xã hội của sự phát triển đang là nỗi lo không chỉ với người dân.

Bài 1: Trong vòng xoáy của các dự án du lịch

Sau khi có Quyết định 178/2004  của Thủ tướng  Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đảo Phú Quốc thành hòn đảo du lịch - nghỉ dưỡng chất lượng cao, hàng trăm nhà đầu tư đã đổ xô vào Phú Quốc, xin làm dự án du lịch. Các dự án hầu như “phủ sóng” toàn đảo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chỉ mới có vài nhà đầu tư lớn đi vào hoạt động trong vài năm trở lại đây.

Cả xã chịu… treo

Bãi Thơm là một trong những xã nằm xa xôi, hẻo lánh nhất trên đảo Phú Quốc thuộc vùng bắc Đảo, cách thị trấn Dương Đông khoảng 30km, nhưng nơi đây lại sớm có nhà đầu tư đặt chân tới. Đầu tiên là Cty Đại Cát Hoàng Long với “đại dự án” du lịch sinh thái chất lượng cao quy mô 130 ha, triển khai từ năm 2005. 

Tiếp đến là Cty Thế Kỷ Xanh với diện tích 510 ha, với mục tiêu xây dựng một đô thị hiện đại kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Cũng tại xã Bãi Thơm, sau khi có định hướng quy hoạch casino của Chính phủ, Tập đoàn Rising Sun Group (Hong Kong - Ma Cao) cũng đã đặt vấn đề đầu tư. Nơi đây còn có một dự án tái định cư rộng 20ha, công bố từ năm 2010.

Tuy nhiên tất cả các dự án nói trên đều nằm bất động từ nhiều năm qua. Những người trực tiếp chịu ảnh hưởng của các dự án treo không ai khác chính là người dân đảo Ngọc.

Trăn trở từ đảo Ngọc ảnh 1

“Con đường đau khổ” ngang qua các dự án treo trên xã Bãi Thơm.

Chúng tôi tìm về xã Bãi Thơm trong một ngày mưa bão đầu tháng 8. Bước qua trụ sở UBND xã chưa đầy 10m là con đường đau khổ kéo dài gần cả 10km với bùn đất đỏ lầy lội. Trưởng ấp Bãi Thơm ông Nguyễn Văn Sáng cho biết: Toàn ấp có 218 hộ, 1.095 khẩu, sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản gần bờ. Cây trồng, vật nuôi không có gì đáng kể. Mà muốn trồng cây gì, muốn nuôi con gì cũng không được. Ngay cả nhà sập cũng không dám xây dựng lại vì… vướng quy hoạch. 

Do nằm trong quy hoạch nên dân cứ năm này qua năm khác mòn mỏi chờ bồi thường. Đáng chú ý là Cty Đãi Cát Hoàng Long đã “xé” nhỏ tiền bồi thường ra làm 4 đợt, và họ chỉ bồi thường có một đợt duy nhất vào năm 2009. 

Mới đây dự án này chính thức bị thu hồi. Cũng theo ông Sáng, cả ấp hiện có khoảng 60% dân đi làm thuê, làm mướn, chủ yếu làm cho các Cty, doanh nghiệp mới mở ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Khoảng 10% hộ dân không có đất, và gần 50% những người có đất đã bán lại cho dân từ đất liền ra đầu cơ.

Trong tâm trạng bức xúc, ông Từ Văn Bình – Trưởng ấp Đá chồng nói: Trên địa bàn ấp có 50 hộ “dính” vào dự án của Cty Thế Kỷ Xanh với diện tích 50 ha. Họ đến đo vẽ vời gì đó rồi công bố quy hoạch từ nhiều năm qua. Mặc dù chưa bồi thường nhưng người dân không được sửa chữa, cơi nới, cất nhà. Khoan cái giếng nước cũng không cho, vay vốn ngân hàng cũng không được, trong khi đất quy hoạch ai đâu dám mua. 

Tóm lại mọi hoạt động gần như bị “treo” hoàn toàn. Dự án casino thì chưa quy hoạch cụ thể nhưng dự kiến nằm ở ấp chúng tôi. Tóm lại trên địa bàn có dự án là dân mừng rồi. Thế nhưng cách đây 2 tháng, lãnh đạo huyện, xã xuống công bố… bỏ qui hoạch. 

Dân trong vùng dự án vô cùng bức xúc, họ chịu đựng, chờ đợi bao nhiêu năm qua để nhận tiền bồi thường; quyền lợi, cơ hội của họ bị tước đoạt, thiệt hại không ai nói tiếng nào. Tôi nói thẳng, mai mốt còn đến đây làm dự án nữa thì dân có chấp hành?

Trăn trở từ đảo Ngọc ảnh 2 Bà Nguyễn Thị Lệ, ngụ tại ấp Bãi Thơm, từ tỷ phú đất đai nay trở thành hộ nghèo, Nhà nước phải hỗ trợ xây nhà.

Dân bị cuốn vào cơn lốc đất đai

Vào khoảng năm 2000, khi quyết định 178 của Thủ tướng Chính phủ chưa ra đời, nhưng thông tin về chủ trương đã bị tung ra ngoài, và nhiều đại gia ra đảo săn đất đón đầu. Đất Phú Quốc bắt đầu nóng lên từ đó. Cũng chính vì chia chác đất trên đảo mà vài năm sau đó một “đại án” về tham nhũng đất đai đã kéo hàng loạt cán bộ trên đảo vào tù, trong đó có chủ tịch và một phó chủ tịch huyện.

Biến động đất đai làm cho cuộc sống người dân trên đảo vốn bình yên nay bị đảo lộn hoàn toàn. Đất ngày xưa cho không ai lấy bây giờ bán tiền tỷ, thậm chí vài chục tỷ mỗi công (1.000m2). Nhiều người dân trên đảo, thậm chí nhiều làng còn hơn cả “trúng số độc đắc” do bán đất hoặc được bồi thường từ dự án. 

Tuy nhiên không phải ai sau khi cầm tiền tỷ rồi cũng trở thành tỷ phú. Trường hợp bà Nguyễn Thị Lệ ngụ tại ấp Bãi Thơm, xã Bãi Thơm là một ví dụ. Năm 2007, bà Lệ bán lô đất gần 1ha ven biển được hơn 1 tỷ đồng. Sau khi bán đất bà chia cho mấy người con để lấy vốn làm ăn, còn mấy trăm triệu để dưỡng già. Có tiền, đứa thì mua ghe đi biển, đứa thì hùn mở tiệm sửa xe hon đa, đứa ôm tiền theo chồng vào đất liền…

Tuy nhiên do không biết quản lý, chi tiêu nên chưa đầy 2 năm sau, mấy đứa con trai làm ăn thất bại bỏ xứ lên Bình Dương làm công nhân. Đứa con gái ở Hà Tiên cũng sống nhờ tiền bán vé số hằng ngày từ người chồng. 

Trưởng ấp Bãi Thơm ông Nguyễn Văn Sáng cho biết: Từ một người có tiền tỷ trong tay nhưng không biết làm ăn, chi tiêu, bây giờ bà Lệ trở thành hộ nghèo, sống lay lắt nhờ con cái, nhưng con cái cũng nghèo. Nhà nước vừa xây cho bà Lệ một ngôi nhà theo diện hộ nghèo giá 70 triệu đồng.

Một trường hợp khác, ông Trần Văn Hạnh ở ấp 2, xã Cửa Cạn, ra đảo từ năm 1995. Ngoài việc khai khẩn, gia đình ông Hạnh còn bao chiếm được một lượng đất khá lớn với trên 10 ha. Thế nhưng, từ 2007, ông Hạnh lần lượt bán hết số đất mình có tổng cộng trên 3 tỷ đồng. 

Sau khi có tiền ông Hạnh bỏ hàng trăm triệu đồng mua xe ủi, xe cuốc nhưng không có kinh nghiệm nên làm ăn thất bại. Số tiền hơn 2 tỷ đồng còn lại được chi tiêu vô tội vạ. Bây giờ vợ chồng sống mỗi người một ngả, con cái đứa lấy vợ đứa lấy chồng nhưng chủ yếu đi làm thuê làm mướn.

Một cán bộ huyện đảo cho biết: Trong những năm qua, hầu hết người dân trên đảo Phú Quốc đều cắt đất bán để trang trải, chi tiêu. Nhiều người đã đổi đời, nhưng cũng không ít người đã trắng tay. Đã có sự phân hóa giàu nghèo mạnh mẽ trong cơ lốc biến động về đất đai trên đảo.

Nhiều người đã nhanh chóng thích ứng với cuộc sống mới, trở thành những đại gia giàu có. Nhưng tại những vùng  người dân trồng hồ tiêu, trồng điều; những làng chài ven biển trên đảo hầu hết đều đã bị mất đất vì dự án, mất đất vì bán tiêu xài, và cuộc sống đang khó khăn, nghèo khổ, tương lai mờ mịt.

Trưởng phòng kinh tế huyện Phú Quốc – ông Nguyễn Minh Trực cho biết: Diện tích cây tiêu từ 820 ha năm 1995, nay còn 467 ha. Tổng đàn bò từ trên 6.000 con nay cũng chỉ còn gần 3.500 con. Nguyên nhân giảm chủ yếu do bị tác động bởi các dự án và người dân bán đất. Diện tích đất nông nghiệp từ 12.000 ha nay còn trên 5.000 ha. 

Theo số liệu báo cáo của UBND huyện Phú Quốc, đến đầu tháng 8/2015, toàn đảo đã thu hút 203 dự án đầu tư với diện tích 7.914 ha; có 154 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, diện tích 5.627ha, vốn 106.998 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện chỉ mới có 22 dự án đi vào hoạt động, diện tích 1.286ha, vốn 25.811 tỷ đồng và 14 dự án đang triển khai xây dựng, diện tích 773ha, tổng vốn khoảng 11.883 tỷ đồng. 

MỚI - NÓNG