Trắng đêm cứu hộ ở mỏ đá lèn Cờ

Trắng đêm cứu hộ ở mỏ đá lèn Cờ
TP - Những người lính công binh, công nhân lái xe cơ giới, Công an tỉnh Nghệ An… bất chấp hiểm nguy, lao vào lèn Cờ tìm kiếm nạn nhân. Hai đêm liền, lực lượng cứu hộ thức trắng, có lúc vội vàng ăn bánh mỳ thay cơm rồi lại quần quật tìm kiếm.

> Phát hiện thi thể nạn nhân thứ 18 vụ sập mỏ đá
> Tổng Bí thư chia buồn về vụ sập mỏ đá

Tỉnh Nghệ An huy động lực lượng liên ngành gồm bộ đội, công an, nhân viên y tế... đến hiện trường làm nhiệm vụ khoan đá, nổ mìn, di chuyển vật cản, tìm kiếm và chuyển thi thể công nhân ra khỏi đống đổ nát. Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Phó giám đốc Công an Nghệ An, cho biết, trong 3 ngày (từ 1-4 đến 3-4) có hơn 260 cán bộ, chiến sỹ túc trực thường xuyên 24/24h tại mỏ đá lèn Cờ. “Cùng Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh điều đến khu vực xảy ra tai nạn 4 chó nghiệp vụ tìm kiếm thi thể công nhân, góp phần đẩy nhanh tiến độ cuộc cứu hộ, cứu nạn”, ông Cầu nói.

Một số công ty tư nhân đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, ngay sau khi nhận được yêu cầu của lãnh đạo địa phương, đã điều đến lèn Cờ hàng chục xe cơ giới tham gia đưa trên 700.000 tấn đá khỏi chân núi. Cty Đá Phủ Quỳ (đóng tại thị trấn Quỳ Hợp, Nghệ An) cử 3 máy xúc tới Nam Thành, làm việc suốt ngày đêm.

“Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị giao, chúng tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm bới đá tìm kiếm những người lâm nạn, đưa họ về với gia đình càng sớm càng tốt!”, một lái xe cơ giới thuộc Cty Đá Phủ Quỳ tâm sự.

Đưa nạn nhân cuối cùng ra khỏi khu vực lèn Cờ

11h30 ngày 3-4, lực lượng cứu hộ tỉnh Nghệ An, đưa thi thể anh Nguyễn Trọng Vũ (SN 1990, trú tại xóm Hợp Thành, xã Nam Thành, huyện Yên Thành) ra khỏi lèn Cờ. Đây là nạn nhân cuối cùng trong vụ lở núi khiến 18 công nhân thiệt mạng, 5 người bị thương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đình Chi cho biết, lực lượng cứu hộ phải mở đường vòng thay vì tiến thẳng vào chân núi, để tránh nguy cơ đá núi sạt lở.

Giữa điệp trùng đá núi, có những khối đá nặng hàng trăm tấn đổ xuống chân lèn Cờ. Bất chấp nguy cơ đá lở rình rập trên đầu, công binh Tỉnh đội Nghệ An áp sát chân núi, dùng cuốc, xà beng moi từng thớ đất, lật từng viên đá để tìm thi thể nạn nhân. Trong lúc đó, một tốp khác mang dây bảo hiểm treo người lơ lửng trên vách núi, cần mẫn khoan từng lỗ để thợ kỹ thuật nhồi thuốc nổ.

Chứng kiến cảnh lính công binh chênh vênh ở độ cao hàng chục mét, trên đầu là phiến đá nặng hàng ngàn tấn đang bị rạn nứt, lung lay, nhiều người quan sát thót tim.

“Các khối đá khổng lồ nằm phía trên lèn Cờ đã mất sự kết dính, độ dốc lớn; nếu va đập mạnh, đá núi rung chuyển sẽ uy hiếp tính mạng của lính công binh đang khoan đá bên dưới”, một người dân lo lắng.

Một tình nguyện viên đến cứu hộ tại mỏ đá kể: “Thời tiết 3 ngày qua khá thuận lợi, trời không đổ mưa, nhưng các khối đá chồng chất rơi xuống chân lèn khiến việc tìm kiếm gặp nhiều trở ngại. Sau khi các xe cơ giới giải phóng được một phần đá núi, chúng tôi dùng cuốc, xà beng, thậm chí dùng tay để moi từng thớ đất.

Thường ngày, mỗi lần nhìn thấy tai nạn, nhìn người chết, tôi đã khiếp sợ, nhưng bi kịch lèn Cờ quá lớn và khi chứng kiến nỗi đau của những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, nỗi sợ tan biến. Chẳng ai bảo ai, tất cả đều xắn tay vào cuộc”.

7h20’ ngày 1-4, đá núi đổ sập, chôn vùi 18 công nhân. Mấy phút sau, lực lượng cứu hộ đã có mặt tại hiện trường. Giữa khung cảnh hỗn loạn, còi xe cứu thương hú inh ỏi, các bác sỹ, y tá Bệnh viện huyện Yên Thành cấp tốc đưa những người bị thương đi cấp cứu.

Ngay sau đó, lực lượng cứu hộ bắt tay vào việc. Việc đào bới, kiếm tìm nạn nhân diễn ra, không ngừng nghỉ. Những nắm cơm được mang đến, các công binh qua bữa ngay trên sườn núi cheo leo; lái xe cơ giới thì điểm tâm ngay trên ca bin.

Cách chân núi vài chục mét, cảnh sát cơ động và các chiến sỹ làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự phải dùng bánh mỳ lót dạ...

Ngày 3-4, ông Vũ Như Văn, quyền Cục trưởng Cục An toàn Lao động (Bộ LĐ-TB&XH), nói rằng có nhiều vụ tai nạn chết người liên quan đến khai thác đá, năm nay, sự cố sập mỏ đá ngày 1-4 ở huyện Yên Thành (Nghệ An) là lớn nhất. Có nhiều nguyên nhân gây chết người trong quá trình khai thác đá như: nổ mìn, cạy đá rơi vào người, sập mỏ đá...

Theo Cục An toàn Lao động, trong năm 2010, có 390 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) khiến 429 thợ khai thác mỏ và xây dựng bị nạn; trong đó, 122 người chết và 151 người bị thương nặng. Thợ khai thác mỏ và xây dựng dẫn đầu số vụ chết người trong 7 lĩnh vực có số người chết nhiều nhất.

Theo số liệu báo cáo của các địa phương, chi phí phát sinh do TNLĐ trong năm 2010 (tiền thuốc men, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và người bị thương…) là 133,6 tỷ đồng; thiệt hại về tài sản 3,9 tỷ đồng; tổng số ngày nghỉ (kể cả nghỉ chế độ) do TNLĐ là 75.454 ngày. Phong Cầm

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG