Trắng đêm lo động đất

Trắng đêm lo động đất
TP - Tối ngày 3-9, tại khu vực thị trấn Trà My và các xã lân cận xung quanh lòng hồ Thủy điện Sông Tranh 2 lại xảy ra nhiều đợt động đất, rung chấn từ lòng đất, kèm theo những tiếng nổ lớn khiến người dân một lần nữa hoang mang hoảng sợ. Hàng ngàn hộ dân sống trong nơm nớp lo sợ, đêm không dám ngủ trong nhà.

> Tiếp tục động đất ở khu vực Thủy điện Sông Tranh 2

Đốt đuốc ra đường

Sáng ngày 4-9, có mặt tại thị trấn Trà My (Bắc Trà My, Quảng Nam) tâm lý hoang mang lo sợ vẫn còn thể hiện trên nét mặt nhiều người dân và cán bộ lãnh đạo huyện.

Chợ Trà My, từ sáng sớm đã nghe người dân bàn tán xôn xao, hỏi han nhau tình hình nhà cửa, thiệt hại. Ai cũng lo lắng vì đây là trận động đất lớn nhất kể từ khi thủy điện Sông Tranh 2 tích nước, phát điện.

Ông Nguyễn Văn Minh, một hộ dân sống ở thị trấn Trà My, kể: “Khoảng 19h trận động đất đầu tiên xuất hiện, kéo dài khoảng 5 giây kèm theo tiếng nổ. Toàn bộ vật dụng trong nhà như bàn ghế, ấm chén, xe cộ và nhà cửa run lên bật bật.

Tôi và vợ ôm con chạy ra đường không dám vào nhà. Đến hơn 22 giờ trận cuối cùng xảy ra. Đến quá nửa đêm gia đình tôi mới dám vào nhà. Tôi không ngủ, ngồi canh cho vợ con, chỉ sợ nhà sập”.

Ông Đặng Phong, Chủ tịch huyện Bắc Trà My cho biết, tổng cộng có 5 lần rung chấn, động đất xảy ra trong đêm 3-9. Toàn bộ người dân vùng thị trấn và các xã xung quanh đều nghe rất rõ. Cảm nhận rung chấn, động đất lớn hơn nhiều lần so với các lần động đất trước đây.

Tại thị trấn Trà My, trận động đất lớn nhất vào lúc 20h47 phút làm toàn thị trấn cúp điện. Hàng trăm người dân kéo ra đường đốt đuốc với tâm lý lo sợ.

“Ngay trận động đất đầu tiên tôi và một số cán bộ huyện tức tốc chạy lên đập Sông Tranh 2 để kiểm tra hiện trường xem có dấu hiệu gì bất thường hay không để kịp thời thông báo với dân. Dân ai cũng hoảng loạn”, ông Phong nói

Tại khu vực chân đập Thủy điện Sông Tranh 2, người dân ở đây lại càng lo lắng vì phần lớn nhà cửa của các hộ tái định cư vốn đã xuống cấp trầm trọng nay bị nứt nẻ, toác tường sau trận động đất tối 3-9.

Anh Đinh Văn Dương (35 tuổi, sống tại thôn 4 Trà Tân), cho biết: “Tiếng nổ đùng đùng, nhà cửa rung lật bật, cả nhà tôi không dám ngủ ở nhà xây, phải xuống nhà sàn ngủ vì sợ sập. Trắng đêm không ai dám chợp mắt. Dân làng ai cũng sẵn sàng bỏ chạy nếu có động đất tiếp”.

Tại đập chính Sông Tranh 2 chiều ngày 4-9, toàn bộ công việc chống thấm mặt đập phía thượng nguồn đã hoàn thành. Một nhóm công nhân là người dân địa phương, đang gia cố bờ phải thân đập bên tuyến ĐT 616 bị sạt lở, cho biết: Người dân rất quan tâm đến đập Sông Tranh 2.

Dân mịt mù thông tin về sự cố rò rỉ, thêm động đất ngày càng mạnh nên ai cũng lo lắng. Hiện thủy điện đang ở mực nước chết, nên hành lang trong đập gần như khô ráo.

Bao giờ mới hết bất an ?

Sáng 4-9, ông Phạm Viết Tích, Phó GĐ Sở cho biết: “Sở sẽ kiến nghị việc được liên tục cập nhật số liệu quan trắc của Trạm quan trắc động đất ở TT- Huế và các trạm quan trắc của đập Sông Tranh 2 để được sớm cập nhật số liệu, theo dõi đánh giá và thông báo cho người dân địa phương được biết”.

Điều khiến chính quyền địa phương và người dân lo lắng nhất lúc này là hiện tượng động đất đang có xu hướng mạnh hơn trước. Nhất là gần một tuần nay, mưa lớn diễn ra ở vùng thượng nguồn Sông Tranh và khu vực Bắc Trà My.

Liên quan sự cố rò rỉ nước ở đập Sông Tranh 2, ông Đặng Phong cho biết: Đã bắt đầu mùa mưa lũ. Dù đập sông Tranh 2 được thông báo đã hoàn thành nhưng chất lượng tới đâu, huyện chưa thể nắm rõ.

“Cần tổ chức họp báo ngay tại Bắc Trà My, với sự có mặt của các bộ ban ngành, BQL dự án, các nhà khoa học trực tiếp nói với người dân về độ an toàn của đập, các thông số về khắc phục đập Sông Tranh 2. Họp báo ở Hà Nội rồi nói an toàn, trong khi ở đây vẫn động đất, mưa lũ đang cận kề, làm sao dân an tâm cho được !” - ông Phong kiến nghị.

Trước đó, mặc dù Viện Vật lý địa cầu đã đến khảo sát khu vực Sông Tranh 2, kiến nghị lắp đặt 5 trạm quan trắc động đất tại khu vực hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My, nhưng đến nay vẫn chưa lắp đặt. Huyện Bắc Trà My đã kiến nghị trực tiếp với Bộ KH&CN để sớm lắp đặt các trạm quan trắc động đất này. Các máy đo động đất ở đập Sông Tranh 2 của nhà máy chỉ đo được rung chấn, không đọc được kết quả.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Giá vàng nhẫn tròn trơn vượt 70 triệu đồng/lượng. (Ảnh: Như Ý).
Giá vàng đồng loạt vọt tăng
TPO - Sáng nay (29/3), giá vàng trong nước tăng tới 700.000 đồng/lượng, lên mức 81 triệu đồng/lượng vàng SJC, vàng nhẫn tròn trơn vượt 70 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới tiếp tục lập đỉnh cao mới, lên mức 2.232 USD/ounce.