Trắng rừng vì… titan

Trắng rừng vì… titan
TP - Trong ba năm, hoạt động khai thác titan khiến khu vực rừng ven biển huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) bị tàn phá nghiêm trọng. Rừng mất đi, dân làng biển đang đối mặt bão lũ và nạn cát bay cát lấp.

Biến dạng vì ti tan
> Đào trộm titan trong Bệnh viện Phong Quy Hòa

Hoạt động khai thác titan ồ ạt nhanh chóng hủy diệt những cánh rừng phi lao hàng chục năm tuổi.

Từ QL1A rẽ về phía biển khoảng 5km là khu vực rừng phi lao chắn sóng của hai xã Sen Thủy và Ngư Thủy Nam. Dọc đường, thỉnh thoảng lại bắt gặp từng tốp người kéo xe chở đầy gỗ. “Đống gỗ dương (phi lao) này mình và đứa con đi mót lại ở cánh rừng bị người ta đốt phá để khai thác titan. Còn nhiều lắm, mót chưa hết đâu” - chị Trần Thị Nga, người dân thôn Nam Tiến, xã Ngư Thủy Nam cho biết.

Sâu trong những cánh rừng phi lao chắn sóng và cát biển, nghe rõ tiếng động cơ máy khai thác titan hoạt động ầm ầm. Vòi rồng phun cát tạo thành những núi cát khổng lồ, khô khốc. Dòng nước đục ngầu thải ra, bốc mùi hôi thối khó chịu. Cứ khoảng 500 - 800m là có một cơ sở khai thác titan hoạt động. Anh Nguyễn Văn Lành, người dân Ngư Thủy Nam cho biết: Một cơ sở khai thác titan ở đây rộng chừng 10-15 ha, tương đương số ha rừng bị chặt phá. Người ta mang cưa máy vào rừng cắt ngang thân cây, sau đó thuê máy ủi công suất lớn nhổ bật cả gốc rễ. Thân cây được chở đi bán, còn gốc rễ được tập kết ở QL1A, chờ tiêu thụ.

Dân kêu cứu!

Theo người dân sống ven biển, phải 40-50 năm, cây phi lao mới có đường kính từ 10-20 cm, vững chãi chắn gió, chắn sóng cho dân nghèo ven biển. Thời tiết ngày càng khắc nghiệt, việc trồng rừng càng khó khăn gấp nhiều lần.

“Trước đây là những cánh rừng phi lao bạt ngàn, được trồng từ năm 1957, thành rừng che chắn gió cát từ biển Đông thổi vào. Nhưng nay chưa đến mùa bão lũ mà gió cát cứ thổi bay mù trời, nguy cơ cát phủ kín cả xóm làng, vườn tược đang đến rất gần”, ông Hà Văn Khương – cựu chiến binh thôn Trung Tân, xã Sen Thủy, lo lắng.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Sen Thủy cho biết: Xã kiến nghị lên huyện nhưng vẫn chưa có hồi âm. Hoạt động khai thác titan ồ ạt, tràn lan gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường sinh thái.

Theo tìm hiểu, trữ lượng titan tại các mỏ ở khu vực rừng lá chắn xã Sen Thủy và Ngư Thủy Nam không nhiều nên các đơn vị khai thác theo kiểu “tận thu”. UBND tỉnh Quảng Bình đã cấp phép cho ít nhất là 4 đơn vị khai thác titan trên địa bàn xã Sen Thủy. Hầu hết công ty này đều khai thác và chuẩn bị khai thác ở những nơi có rừng trồng từ 40-50 năm tuổi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG