Trắng tay sau bão số 10: Người A Rem đòi trở lại hang đá

Một người A Rem đang đưa bao gạo còn lại ra phơi hi vọng còn dùng được trong mấy ngày tới.
Một người A Rem đang đưa bao gạo còn lại ra phơi hi vọng còn dùng được trong mấy ngày tới.
TP - Chứng kiến thành quả bao nhiêu năm gây dựng, bỗng chốc tan biến vì cơn bão quái ác, đồng bào A Rem (Quảng Bình) sợ hãi, muốn trở lại rừng sinh sống trong hang đá như tổ tiên của họ.

Sợ bão đến chết?

Cụ bà Y Býu (80 tuổi), người A Rem, xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch đột ngột qua đời trong thời khắc cơn bão hoành hành mạnh nhất trên vùng đất A Rem, khiến con cháu và dân bản tin rằng, cụ chết do quá sợ hãi chứ không hề có bệnh tật gì.

Một người cháu của cụ kể lại rằng: Mặc dù tuổi cao như cụ vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Nghe tin bão lớn, dưới sự hướng dẫn của lãnh đạo xã, con cháu dắt cụ sang trú bão ở trạm Y tế của xã. Ban đầu, cụ rất vui vẻ, chuyện trò với mọi người, vì dân bản tập trung về đây rất đông.

Khi cơn bão đổ bộ, gió giật liên hồi, cụ bắt đầu run rẩy, sợ hãi. Cụ nói với mọi người, đây là lần đầu tiên thấy gió to thế này, chắc chắn là thần rừng, thần núi nổi giận. Cụ ôm chặt người con trai và tắt thở lúc nào không ai hay.

Người A Rem, xưa sống hoang dã trong hang đá giữa bạt ngàn núi rừng Phong Nha - Kẻ Bàng. Đến năm 1959, họ được bộ đội Biên phòng tìm thấy và đưa về định cư ở Km39, giáp biên giới Việt lào. Mặc dù được Đảng, Nhà nước và cộng đồng quan tâm đặc biệt, nhưng người A Rem vẫn chậm hòa nhập so với các tộc người khác.

Khái niệm bão, đối với người A Rem chỉ là cái gì đó mơ hồ, vì mấy khi bão mạnh lên đến biên giới Việt - Lào. Câu chuyện về bà Býu, qua ánh mắt của già làng Đinh Lầu mới thấy hết người A Rem sợ bão đến độ nào. “Ở đây chết vì bệnh tật thì có nhưng chết vì bão như bà Y Býu thì chưa có bao giờ. Bà ấy chết khiếp, vì gió mạnh quá, tui đây gần hết đời người vẫn chưa thấy bao giờ. Ai đời, gió ầm ầm như bom đạn, cây cối thì xoay tít, nhà cửa thì đổ sập, vật dụng thì bay như con đại bàng bắt mồi. Ai cũng sợ, từ người già đến con nít, dù ngồi trong trạm y tế. Tiếng bão dập như tiếng bom rú, bà Y Býu chịu không thấu cái sợ bão mà qua đời”.

Nói về cái chết của bà Y Býu, ông Nguyễn Chí Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch, cho rằng: Ngày thường bà vẫn khỏe mạnh, có lẽ lần đầu thấy bão, do quá sợ hãi, mà bà bị lên huyết áp, hoặc lên cơn đau tim. Lúc đó ai cũng sợ nên không để ý, khiến bà tắt thở mà không ai biết.

Trắng tay sau bão số 10: Người A Rem đòi trở lại hang đá ảnh 1 Nhà cửa của người A Rem bị bão vò nát.

Nước mắt người A Rem

Ông Nguyễn Chí Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch thống kê: Toàn xã có 25 ngôi nhà bị tốc mái, trong đó có 10 căn nhà bị hư hỏng nặng, 2 căn nhà bị sập hoàn toàn. Có 9 con trâu, bò của bà con dân bản bị cơn bão dữ làm chết. Hơn 35 ha lúa rẫy của bà con đang chuẩn bị thu hoạch cũng bị gió bão làm cho mất trắng. Đặc biệt, rừng sưa đỏ, do người A Rem trồng cách đây gần 20 năm, họ vẫn xem là báu vật của dân bản đã bị bão làm gãy đổ hơn phân nửa.

Ông Sỹ tâm sự: “Người A Rem vốn rất quý công sức, của cải do tự tay của mình làm ra. Sau cơn bão, nhiều người ra thăm rẫy lúa, nhìn thấy cảnh cả nương lúa hôm trước còn lúc nhúc hạt vàng mà hôm sau đã bị cơn bão dữ đánh cho trơ cây, không còn một hạt thì cứ ngồi nhìn nương lúa mà khóc mãi”.

Ngay như Chủ tịch xã Đinh Lầu cũng khóc khi nhìn thấy hơn 1.000m2 lúa rẫy của mình nằm rạp trên đất, hạt thì vương vãi khắp nơi không thể thu hoạch được. Ông kể: “Lúa mình làm ra bằng công sức lao động mình quý. Bão đánh sạch mình buồn mình khóc, mình sợ con cái lấy gì mà ăn. Mình khóc vì thương dân bản của mình cũng trắng tay như mình. Lúa rẫy này nếu thu hoạch được, cả bản có cái ăn hơn 4 tháng, chừ thì cái bụng mất cái ăn 4 tháng rồi”.

Ông Đinh Lầu nói, dân bản ai cũng khóc vì nhà cửa, ruộng nương bị bão tàn phá. Chị Y Ne, Y Huân, Y Le… thăm rẫy xong khóc đến ngất, Bí thư Sỹ phải huy động thanh niên dìu về bản. “Người ta cứ nghĩ anh em A Rem hay ỷ lại, lười lao động nhưng không phải vậy. Ở đây ai cũng thích lao động, nhưng do thói quen, tập quán, học hành ít nên làm ăn không khoa học, năng suất không cao thôi” - ông Lầu nói.

Sau bão, nhiều người A Rem sợ đến mức muốn chạy trốn vào hang, sống cuộc đời hoang dã như tổ tiên của họ. Trong căn nhà sàn tốc hết mái, ông Đinh Lầu buồn rầu tâm sự: “Mình sợ đến mức muốn dắt con cái vào hang, may nhờ cán bộ xã, Bí thư Sỹ động viên ở lại chứ không khiếp lắm. Nhưng mà ở lại, 11 đứa con của mình không biết lấy gì ăn”.

Cụ Đinh Đầu cũng chung nỗi khiếp sợ bão, mấy lần dắt 5 đứa con lên xã trình bày muốn vào hang. Nói về ý định muốn trở lại hang của dân bản, ông Sỹ tự tin nói: “Người A Rem là vậy. Cứ lúc nào có biến cố lớn đối với dân bản là họ lại chạy vào hang. Trong gần 60 năm rời hang đá, nhiều lần người A Rem trở lại hang đá vì lí do dịch bệnh, thiên tại, địch họa. Nhưng nay thì đã khác, họ sẽ không làm vậy nữa. Vì quá sợ hãi, cộng với bao thành quả của mình gầy dựng bị bão cuốn mất, trong phút chốc dỗi hờn, họ nói vậy thôi. Mình nắm tâm lí, biết tâm lí, biết cách động viên thì sẽ không ai đi hết. Nhưng thực lòng mà nói, cuộc sống của người A Rem ngày thường đã rất khó khăn, sau cơn bão dữ lại càng khó khăn gấp bội. Hơn lúc nào hết, thông qua kênh thông tin báo chí, cũng mong sự chung tay của cộng đồng, những nhà hảo tâm trong cả nước ủng hộ giúp đỡ người A Rem vơi bớt những khó khăn ”.

Từ trung tâm xã Sơn Trạch, lên xã Tân Trạch, nơi tộc người A Rem định cư là 39km. Tuy nhiên, bão đã quật đổ hàng trăm cây cổ thụ cửa rừng Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng chắn ngang đường khiến giao thông ách tắc. Hiện công ty đường bộ đang điều hàng chục công nhân lên đây khắc phục nhưng cũng phải mất vài ngày nữa mới thông tuyến.

MỚI - NÓNG