Trắng tay sau hỏa hoạn

Trắng tay sau hỏa hoạn
TP - Sáng 16/9, đám cháy tại trung tâm thương mại Hải Dương mới được dập tắt hoàn toàn. Xung quanh tòa nhà, các ô cửa kính vỡ tan hoang, những mảnh kính vương vãi khắp nơi. Nhìn qua các ô cửa cháy xém, hàng hóa của tiểu thương gần như bị thiêu rụi.

> Thiêu rụi 500 quầy, thiệt hại 500 tỷ đồng
> Khói vẫn nghi ngút ở Trung tâm Thương mại Hải Dương

Tiểu thương Tăng Thế Viễn cho rằng công tác chữa cháy quá yếu kém
Tiểu thương Tăng Thế Viễn cho rằng công tác chữa cháy quá yếu kém.

“Ngừng ngày nào, chết ngày đó”

Bên ngoài hàng rào phong tỏa của công an, hàng chục tiểu thương túm tụm bàn tán, lo lắng. Chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh, chủ quầy hàng khóa, đồ sắt lớn nhất trung tâm thương mại, ngồi bệt trên vỉa hè, ánh mắt như người mất hồn nhìn về tòa nhà cháy. Có lẽ chị là tiểu thương bị thiệt hại lớn nhất, cả gian hàng rộng chừng 50m2 với lượng hàng hóa đủ loại khóa cửa, bản lề trị giá tới cả chục tỷ đồng giờ chỉ còn là đống sắt cháy đen. Gần 200 triệu để trong két sắt có lẽ cũng tan chảy.

“Chính quyền nói làm chợ tạm sớm nhất 3 tháng mới xong thì chúng tôi chỉ có nước nhảy cầu. Ngừng ngày nào chết ngày đó, đến tháng đào đâu ra tiền trả lãi. Cho chúng tôi dựng lều bán cũng được, sớm ngày nào hay ngày đó” - chị Trinh nói.

Trong căn lán dựng cạnh quảng trường Thống Nhất, ông Nguyễn Hồng Phúc cùng một số tiểu thương chụm đầu bàn thảo đơn kiến nghị chính quyền. Quầy hàng quần áo trên tầng 2 của ông Phúc trị giá hơn 600 triệu đồng đã đi tong. Ông Phúc cho hay, hầu như toàn bộ gia tài của tiểu thương đều nằm trong trung tâm. Tiền này không phải của bản thân họ, mà còn là tiền bạn bè, người thân hùn hạp. Không có bảo hiểm, tất cả đều mất sạch vốn liếng.

Mong sớm ổn định

Chiều 16/9, UBND TP Hải Dương và Sở LĐ-TB&XH tổ chức cuộc họp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của tiểu thương. Ông Nguyễn Văn Chung, chủ quầy quần áo cho hay, mong muốn chung của các tiểu thương là chính quyền bố trí chỗ kinh doanh tạm càng sớm càng tốt. Sau này, khi xây dựng lại trung tâm thương mại cũng cần bố trí cho các hộ tiểu thương vào vị trí tương xứng.

Đại tá Phạm Văn Loan, Phó giám đốc phụ trách Công an tỉnh Hải Dương, cho biết đã dập tắt hoàn toàn đám cháy tại trung tâm thương mại nhưng công an vẫn chưa thể tiến hành khám nghiệm hiện trường được vì tại đây vẫn còn rất nóng.

“Sắp tới, khi xây chợ tạm, chính quyền cần phải sâu sát, đừng để việc cấp chỗ ở chợ tạm trở thành quyền lực riêng cho ai đó kiếm chác” - ông Chung nói. Phần lớn các tiểu thương đều có chung nguyện vọng này. Họ cho rằng vụ cháy đã xảy ra, tài sản cũng đã cháy sạch, giờ cách “chữa cháy” tốt nhất là sớm ổn định kinh doanh trở lại.

Tiểu thương Trần Văn Quang cho hay bao nhiêu vốn liếng của họ dành dụm được đã đổ hết vào trung tâm thương mại. “Thế mà chỉ một đêm thành con nợ lớn”- ông Quang nói. Ông Quang lo lắng chính quyền nói sẽ khoanh nợ, giãn nợ, hỗ trợ cho vay vốn nhưng không biết có thực hiện được không? Bởi, tiểu thương đều đã trắng tay, nhà đất đã cầm hết rồi giờ vay bắt thế chấp thì họ lấy đâu ra tài sản?

Một số tiểu thương đề nghị chính quyền mau chóng làm rõ và có câu trả lời thỏa đáng cho người dân xem xét khi xảy ra cháy Ban quản lý trung tâm thương mại có ai ở đó, ai phải chịu trách nhiệm? Các tiểu thương cho rằng bảo vệ trung tâm cũng phải chịu trách nhiệm về vụ cháy, bởi họ không phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Chữa cháy quá yếu?

Tại cuộc họp, phần lớn tiểu thương đều cho rằng công tác chữa cháy của lực lượng chức năng quá yếu. Bà Hoàng Thị Hải, kinh doanh quầy hàng mây tre đan, cho biết lúc phát hiện đám cháy bà ra trung tâm thương mại thấy lửa cháy lan ra khắp các tầng nên chỉ còn biết khóc ròng, không thấy xe cứu hỏa đâu. “Tôi hỏi mọi người đang đứng ở đó đã ai gọi cứu hỏa chưa, họ bảo gọi nhưng không ai nghe máy”-bà Hải nói.

Ông Nguyễn Tuấn Độ gay gắt cho rằng công tác cứu hỏa quá chậm, đám cháy xảy ra từ 1 giờ mà mãi đến 3 giờ 30 mới có xe cứu hỏa đến. “Tôi thấy 2 xe cứu hỏa đến phun được tí thì hết nước, phải đến nửa giờ sau khi có thêm các xe cứu hỏa khác tới thì mới khống chế được ngọn lửa” - ông Độ nói.

Ông Tăng Thế Viễn, chủ cửa hàng đồng hồ, máy tính bức xúc nói, trung tâm thương mại nằm biệt lập, xung quanh có đường vào thuận lợi, gần đó có hồ nước, điều kiện cứu hỏa rất tốt thế nhưng trung tâm vẫn cháy rụi. Theo ông Viễn, lúc ông nghe tin cháy, ra thấy lửa bên trong rừng rực, còn 2 xe cứu hỏa nằm thảm thương. Đến lúc có thêm xe tới dập được lửa thì đã cháy gần hết rồi. “Tôi muốn lao vào nhưng lao vào chỉ có chết. Tiền, hàng để hết trong đó, may mà tôi còn mang được vài trăm về chứ không chắc không có cả tiền ăn sáng” - ông Viễn nói.

Đã làm hết khả năng

Đại tá Nguyễn Đức Hiển, Phó giám đốc Công an tỉnh Hải Dương, cho biết phải tới 3 giờ 25 phút, lực lượng cảnh sát PCCC mới nhận được tin báo. Do đây là điểm cháy lớn nên đã huy động tất cả 6 xe cứu hỏa, 2 xe tiếp nước và 2 máy bơm tới hiện trường tham gia chữa cháy. Tuy nhiên, do điểm cháy rộng, tòa nhà như một cái vòm kín nên đám cháy lan rất nhanh, nên đã phải gọi thêm 4 đơn vị nữa tăng cường xe cứu hỏa tới hỗ trợ.

Theo ông Hiển, trong trung tâm có nhiều loại hàng hóa dễ cháy như vải vóc, nhựa, đệm mút, mây tre đan nên đã cháy rất nhanh. Về ý kiến tiểu thương cho rằng gọi cứu hỏa nhưng không thấy nghe, ông Hiển nói sẽ cho kiểm tra lại.

Ông Hiển thừa nhận phương tiện chữa cháy của tỉnh Hải Dương đã lạc hậu, trong 6 xe cứu hỏa thì chỉ có 2 chiếc còn tốt, 4 xe còn lại phải đại tu đi đại tu lại. “Có khi xe cứu hỏa đang chạy còn chết máy”-ông Hiển nói. Công an tỉnh Hải Dương đã đề nghị trang bị thêm các phương tiện cứu hỏa nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Về nguyên nhân vụ cháy, ông Hiển nói còn phải chờ khám nghiệm hiện trường, tổ chức điều tra, xác minh. Mặc dù đám cháy đã bị dập tắt hoàn toàn nhưng do vẫn còn những điểm âm ỉ cháy nên cảnh sát PCCC đang bơm nước làm mát. Sớm nhất thì trong ngày hôm nay (17/9) mới có thể khám nghiệm hiện trường phục vụ điều tra. “Sau vụ cháy, ngoài việc kiến nghị tỉnh đầu tư phương tiện, chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm về công tác PCCC”-ông Hiển nói.

Theo ông Hiển, tháng 2/2012, sau khi kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại trung tâm thương mại Hải Dương, Công an tỉnh đã có văn bản kiến nghị UBND TP Hải Dương chỉ đạo khắc phục những bất cập tại đây. Công an cũng đã xử phạt hành chính đối với trung tâm thương mại về công tác PCCC.

Bộ Xây dựng cảnh báo nguy cơ sụp đổ

Ngày 16/9, đoàn công tác của Bộ Xây dựng đã kiểm tra tại hiện trường vụ cháy. Theo đánh giá sơ bộ của đoàn kiểm tra, công trình có nguy cơ sụp đổ rất cao, vì vậy sẽ báo cáo Bộ Xây dựng chỉ định đơn vị tư vấn kiểm định đánh giá khả năng chịu lực còn lại của kết cấu công trình, có biện pháp xử lý ngay khi có kết quả kiểm định. Đoàn kiểm tra lưu ý, nếu công trình đổ, phạm vi ảnh hưởng có thể xa hàng trăm mét, ảnh hưởng đến các công trình xung quanh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.