Trắng tay trong “canh bạc” gà

Trắng tay trong “canh bạc” gà
"Tôi mệt mỏi lắm rồi!”- Chị Phùng Khánh Ngân, chủ trang trại chăn nuôi gà ở xã Phú Mỹ Hưng (Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) uể oải nói với chúng tôi như vậy. Đấy cũng là tâm trạng chung của những người chăn nuôi gà hiện nay…
Trắng tay trong “canh bạc” gà ảnh 1
 Anh Mỹ lo lắng vì không có đầu ra cho đàn gà đã đến tuổi xuất chuồng của mình.                              ảnh: Đại Dương

Cuối năm ngoái, trong lúc đang hoan hỷ chuẩn bị đón Tết thì đùng một cái vợ chồng anh Mỹ (tức Trương Trọng Nghĩa) ở ấp Xóm Mới (An Nhơn Tây,  Củ Chi) được lệnh phải tiêu hủy toàn bộ 12.000 con gà đang đến tuổi xuất chuồng vì dịch cúm gia cầm bùng phát ở xã bên. “Vợ chồng tui choáng váng, một cái Tết không gà buồn tê tái” - Anh Mỹ tâm sự.

Mặc dù đã được thành phố hỗ trợ nhưng anh vẫn còn lỗ khoảng 180 triệu đồng. “Đến tháng 6 vừa rồi thấy im im, tui mới nuôi lại. Nhưng 8.000 con gà mới thả vô chuồng được ít hôm thì dịch lại rộ lên, giá gà tuột từ 25.000 đồng xuống còn 11.000 - 12.000 đồng/kg. Vợ chồng tui cũng “tuột gân máu” luôn!” – Anh Mỹ kể.

Trận “cuồng phong” cũ vừa qua, những hộ nuôi gà chưa kịp gượng dậy thì lại bị trận “cuồng phong” mới ập đến quất cho tơi tả. Hiện tại trong chuồng nhà anh Mỹ có 8.000 con đang đến tuổi xuất chuồng, nhưng hai vợ chồng cứ buồn thiu.

Anh Nguyễn Văn Tèo - Phó Chủ tịch UBND xã An Nhơn Tây - cho biết: Đến thời điểm này vẫn chưa phát hiện trường hợp nhiễm virus cúm gà nào ở địa phương, song dịch cúm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc chăn nuôi gà. Giá gà hiện chỉ còn 8 đến 9 nghìn, thậm chí 6 nghìn đồng/kg. Anh Mỹ buồn rầu bảo: “Mặc dù giá rất thấp nhưng muốn bán cũng khó vì không có người mua. Mà càng để lâu càng lỗ do giá thức ăn vẫn ở mức cao…”. Cùng với gà lớn, trong chuồng nhà anh Mỹ còn gần chục nghìn con gà choai choai, mỗi ngày chúng ăn hết 3 - 4 triệu đồng tiền cám.

Lại trắng tay

Ở Củ Chi, người ta không nói gà ăn cám mà nói…gà ăn đất. Chị Lâm Thị Gơn - Một chủ hộ chăn nuôi lớn ở cùng ấp Xóm Mới - tính toán: Chi phí đầu vào cho 1 kg thịt gà là 16.000 đồng, nếu giá đứng ở mức 18.000 đồng/kg trở lên thì gà ăn cám và người nuôi gà sống được, còn dưới mức đó thì… gà ăn mất đất. Chị Gơn kể: “Sau lần tiêu hủy 10.000 con gà hồi Tết năm rồi, tui phải bán 34 công đất (1 công = 3.400 m2) để đắp vào gà, còn lại mua chiếc xe tải để chở gà đi bán. Khi giá gà tụt giảm mạnh xuống còn 11.000 - 12.000 đồng/kg tui phải bán luôn chiếc xe để trang trải…”.

Anh Mỹ xác nhận: “Ở An Nhơn Tây này, chục người nuôi gà thì cả chục người đã phải bán đất vì thua lỗ”. Trong cơn bão cúm gà vừa qua, vợ chồng anh Mỹ đã phải thế chấp đến hai “bằng khoán” để lấy tiền mua giống, thức ăn và sửa sang chuồng trại. Anh Mỹ bảo: “Nuôi gà là cái nghề sinh sống của mình, với lại tiền đã đầu tư vào chuồng trại rất lớn nên không thể không nuôi”. Gà là canh bạc lớn và đến thời điểm hiện nay, nhiều người đã “cháy túi”, và đó cũng là lý do vì sao cho đến nay có rất nhiều người không thể “chơi” lại canh bạc này.

Ông Vũ Văn Sỹ - Uỷ viên Nông nghiệp xã Phú Mỹ Hưng - cho biết: Trước khi xảy ra dịch cúm cả xã có 12 trang trại chăn nuôi gia cầm với tổng đàn trên 92.000 con. Đến nay mới chỉ có 2 hộ trong số đó đủ sức tái chăn nuôi nhưng với qui mô nhỏ hơn. Chuyện của nửa năm về trước là vậy, đến thời điểm hiện nay, tình hình còn khó khăn hơn. Vừa đưa chúng tôi đi tham quan mấy trại gà trong vườn nhà, chị Gơn vừa thở dài lo lắng: “Nếu dịch cứ kéo dài kiểu này, tụi tui “sập tiệm” là cái chắc”. 

MỚI - NÓNG