Tranh cãi quanh 53.500 tấn gạo

Tranh cãi quanh 53.500 tấn gạo
TP - Đến ngày 21/4, hơn 53.000 tấn gạo của một doanh nghiệp Kiên Giang vẫn chưa thể xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ do Hiệp hội buộc Cty không dỡ hàng ở Malaysia và chia 30 phần trăm khối lượng cho các doanh nghiệp khác. 
Tranh cãi quanh 53.500 tấn gạo ảnh 1

Gạo chất đến nóc kho của Cty Du lịch - Thương mại Kiên Giang chưa được xuất. Ảnh: Hồng Lĩnh

Qua điện thoại, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Huỳnh Minh Huệ giải thích: Sự việc của Cty Du lịch-Thương mại Kiên Giang đã được cuộc hội nghị mở rộng ngày 3/4/2009 của Hiệp hội giải quyết nhưng Cty không chịu.

Hiệp hội yêu cầu Cty không dỡ hàng tại Malaysia vì lo ngại sẽ ảnh hưởng đến hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung của Chính phủ (300.000 - 400.000 tấn/năm) do TCty Lương thực Miền Nam làm đầu mối. Còn việc chia 30 phần trăm trong 53.500 tấn để hài hòa với các đơn vị ở các tỉnh có nhiều lúa gạo.

“Nếu giải quyết cho Cty Du lịch-Thương mại Kiên Giang, nhiều nơi khác so bì thì làm sao đảm bảo lợi ích chung trong Hiệp hội”, ông Huệ nói.

Về việc ông Trương Thanh Phong vừa làm TGĐ TCty Lương thực Miền Nam vừa làm Chủ tịch Hiệp hội Lương thực mà dư luận bàn tán là sẽ xảy ra cục bộ, thiếu dân chủ trong Hiệp hội, ông Huệ trả lời:

“Không hoàn toàn là Hiệp hội đã làm tốt nhất, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe kể cả sự phản biện, đặt lợi ích quốc gia trên hết. Cho nên, Hiệp hội đã quyết định ngày 24/4, sẽ họp với các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo ĐBSCL và các địa phương để đặt thẳng vấn đề cho mọi người cùng bàn”.

Hiệp hội làm khó

Như Tiền Phong số ra ngày 16 và 17/4 thông tin, Cty Du lịch -Thương mại Kiên Giang bị Hiệp hội Lương thực ngăn cản việc xuất 53.500 tấn gạo và Thủ tướng Chính phủ phải trực tiếp chỉ đạo.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam hiện có 104 doanh nghiệp hội viên. Có quy định là các hợp đồng ký được với nước ngoài phải chia sẻ trong Hiệp hội để hỗ trợ nhau. Tuy nhiên, một số hội viên rất khó được xuất khẩu gạo. Một chủ doanh nghiệp chuyên kinh doanh chế biến và xuất khẩu gạo ở ĐBSCL, hội viên của Hiệp hội, thắc mắc: Cty của ông có năng lực chế biến và xuất khẩu khoảng triệu tấn một năm nhưng từ đầu năm 2009 đến nay, mới “được phép” xuất  1.000 tấn gạo. Một TGĐ doanh nghiệp ở Cần Thơ cũng cho biết: Doanh nghiệp của ông có bốn nhà máy chế biến với kho chứa 25.000 tấn, mỗi năm có thể xuất 70.000 tấn nhưng từ đầu năm đến nay mới được xuất... vài ngàn tấn.

Cty Du lịch - Thương mại Kiên Giang lại cho rằng, Hiệp hội Lương thực đang làm khó.

Ông Nguyễn Hùng Linh, TGĐ Cty Du lịch-Thương mại Kiên Giang, nói:

“Cty ký hợp đồng xuất khẩu gạo với thương nhân Singapore trên cơ sở giá FOB, giao hàng qua mạn tàu tại cảng Việt Nam là hết trách nhiệm. Còn người mua vận chuyển hàng đến đâu là ngoài hợp đồng và ngoài khả năng của Cty.

Sau khi ký hợp đồng, Cty đã triển khai thu mua lúa gạo của nông dân (hiện còn tồn kho 100.000 tấn) và tiến hành dệt bao bì, đóng gói giao hàng ra cảng nên cũng không thể chia 30 phần trăm số gạo hợp đồng cho doanh nghiệp khác”.

Đầu tháng 4, tại cảng Mỹ Thới (An Giang) có năm tàu và tại cảng TPHCM có sáu tàu vào chờ nhận gạo của Cty.

Ông Lê Nguyễn Hoàng Nam, Trưởng phòng Kinh doanh Cty, cho biết, bị phạt vì giao hàng chậm là quá rõ nhưng, nặng nề hơn, uy tín làm ăn của Cty xây dựng lâu nay có nguy cơ sứt mẻ nghiêm trọng.

Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ sẽ xem xét

Chiều 20/4, Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong có buổi làm việc với Cty Du lịch – Thương mại Kiên Giang.

Tại buổi làm việc này, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tiếp tục phản ánh những bất cập trong quản lý, điều hành của Hiệp hội Lương thực Việt Nam.

Đặc biệt, về vụ 53.500 tấn gạo của Cty Du lịch - Thương mại Kiên Giang hiện vẫn chưa thể xuất, Bộ trưởng Hoàng Văn Phong nói: “Đây là bức xúc của doanh nghiệp, với tư cách là thành viên Chính phủ, tôi sẽ báo cáo vụ này với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và các bộ, ngành liên quan. Chính phủ sẽ có tổ công tác đặc biệt xem xét vấn đề này nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”. 

MỚI - NÓNG