Tranh cãi về chất lượng rau Hoàng Mai: Vì ai?

Tranh cãi về chất lượng rau Hoàng Mai: Vì ai?
TP - Tranh cãi chưa dứt giữa 2 đơn vị y tế và bảo vệ thực vật về chất lượng vùng rau Hoàng Mai chỉ vì bên nào cũng bảo mình đúng và vì lợi ích người tiêu dùng.
Tranh cãi về chất lượng rau Hoàng Mai: Vì ai? ảnh 1
Viện Hóa học Việt Nam lấy mẫu phân tích nước sông Tô Lịch được bà con quận Hoàng Mai dùng để tưới cho rau

Như phản ánh trên Tiền Phong, mấu chốt của cuộc tranh cãi rau Hoàng Mai là chuyện có hay không tình trạng sử dụng nhóm thuốc bảo vệ thực vật chứa gốc clo độc hại và bị cấm sử dụng từ gần 20 năm nay.

Việc ngẫu nhiên phát hiện nhóm thuốc BVTV chứa clo cho thấy thực tế nhiều khi không diễn ra đúng như mong muốn, không đúng như suy nghĩ đơn thuần của cơ quan quản lý.

Bên BVTV khăng khăng các mẫu rau mà các quan chức Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (FA) lấy là trên các ruộng rau chưa thu hoạch nên tồn dư thuốc BVTV trên rau vượt mức cho phép là khó tránh khỏi.

Cứ cho là lấy không đúng chỗ, không đúng thời điểm, phải chăng vẫn có hiện tượng sử dụng nhóm  thuốc BVTV bị cấm kia nếu xét nghiệm của bên y tế không sai. “Lấy lý do bị cấm gần 20 năm để phủ định là thiếu sức thuyết phục” - Một quan chức FA nói.

Ngày 5/4/2006, bất ngờ kiểm tra một cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV tại xã Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì) chính đoàn thanh tra của Chi cục BVTV Hà Nội phát hiện 11 loại hoá chất không được phép sử dụng trong nông nghiệp.

- Ngày 3/4, tức sau đợt lấy mẫu của FA 14 ngày, Sở NN&PTNT Hà Nội cho lấy 30 mẫu rau ở thôn Bằng B và không phát hiện ra các loại hoá chất mà Bộ Y tế phát hiện.

Trước đó, ngày 19/3 FA phối hợp với thanh tra Sở Y tế Hà Nội, Chi cục BVTV Hà Nội lấy 9 mẫu rau. Kết quả phân tích được công bố ngày 21/3.

- Ngoài việc tuân thủ các quy trình từ thời gian lấy mẫu, vận chuyển mẫu, bảo quản, xử lý mẫu, đến phương pháp thử, thực tế cho thấy, mẫu lấy buổi sáng có thể khác mẫu lấy buổi chiều.

Như vậy, kết quả xét nghiệm khác nhau mẫu rau của Sở NN&PTNT và Bộ Y tế lấy cách nhau 14 ngày là dễ hiểu.

Còn việc ngành BVTV sau đó mấy ngày xuống hiện trường khảo sát, lấy mẫu về phân tích và không phát hiện hóa chất độc hại, theo ông, cũng dễ hiểu. “Báo chí lên tiếng mạnh mẽ không thể không khiến người sử dụng hóa chất độc hại có phản ứng tự vệ” - Quan chức nói tiếp.

Trong báo cáo gửi UBND TP Hà Nội, Sở NN&PTNT cũng thừa nhận kết quả phân tích của Sở không tìm thấy một số loại hoá chất BVTV nằm ngoài danh mục được phép sử dụng  “có thể có nguyên nhân mới phát sinh”.

Trong số các mẫu rau FA lấy, một số mẫu mua ở chợ thôn Bằng B và một số mua tại ruộng của nông dân thôn Bằng B. Mẫu và chữ ký xác nhận của người bán mẫu được mang về phân tích tại labo Viện Dinh dưỡng Trung ương (NIN).

Đáng tiếc là FA không cho lưu lại các mẫu rau được đem phân tích và đây chính là điểm yếu được bên BVTV bám lấy. Tuy nhiên, trước khi phủ nhận kết quả xét nghiệm do FA công bố, tại sao Sở NN&PTNT không mời các nhà chuyên môn thuộc bên thứ ba đến thẩm định việc phân tích mẫu của NIN.

Nếu quả NIN có sai sót, vấn đề đáng lo ngại không kém nếu biết labo của NIN, vừa được công nhận đạt chuẩn quốc tế, là một trong những cơ sở phân tích uy tín nhất Việt Nam. Còn nếu không, người ta có quyền nghĩ đến sự cố chấp của Sở NN&PTNT Hà Nội, có quyền đặt câu hỏi phải chăng vì quá lo lắng đến thành tích của ngành mà đùn đẩy trách nhiệm.

Tại sao, Bộ Y tế vẫn chưa lên tiếng? Phải chăng vì Bộ ngại va chạm, hay không muốn công khai, hay cả hai?

Bưng bít thông tin, thiếu giám sát của quần chúng mà báo chí là đại diện, khiến nhiều nguy cơ tiềm ẩn về thực phẩm không bị đẩy lùi và ngăn chặn triệt để. Tranh cãi không dứt đang có chiều hướng chìm vào bốn bức tường cơ quan quản lý và, nếu vậy, là vì ai?

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.