Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu

Tránh làm luật đẹp theo chuẩn quốc tế nhưng không đi vào cuộc sống

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu
TPO - “Tránh làm luật đẹp theo chuẩn quốc tế nhưng không đi vào cuộc sống. Phải tính toán lâu dài, ngay cả Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng rất cân nhắc giữa vấn đề môi trường và kinh tế”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt vấn đề khi cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Chiều 21/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, điều quan trọng khi ra đạo luật này là từng bước làm thay đổi nhận thức trong xã hội đối với vấn đề môi trường, chứ không chỉ đơn thuần là vấn đề quản lý.

Liên hệ đến một số quốc gia phát triển, đại biểu đề nghị cân nhắc giữa vấn đề môi trường và phát triển kinh tế. “Tránh làm luật đẹp theo chuẩn quốc tế nhưng không đi vào cuộc sống. Phải tính toán lâu dài, ngay cả Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng rất cân nhắc giữa vấn đề môi trường và kinh tế”, ông Bình nêu quan điểm.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, đây là dự án luật rất quan trọng, cần sửa đổi toàn diện để khắc phục bất cập mà luật hiện hành chưa cụ thể hóa được, đó là quan điểm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Trên thực tế cũng có nhiều vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn, chưa xử lý được, nhất là gần đây có những sự cố môi trường lớn diễn ra. Trong khi đó, luật hiện hành lại chỉ mang tính nguyên tắc, tính khả thi thấp, chưa rạch ròi trách nhiệm của nhà nước, cộng đồng, doanh nghiệp và người dân.

“Bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của nhà nước, nên phải thay đổi quan niệm, tư duy”, ông Lưu nhấn mạnh. “Đại dịch COVID-19 vừa qua, ở một số địa phương chỉ số môi trường lại rất tốt. Vì sao? Vì chất thải ít, xe cộ đi lại trên đường ít… Sau khi bàn hành luật này, toàn bộ công nghệ phải tính đến khi đầu tư dự án”, ông Lưu cho hay.

Tuy nhiên theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, luật này khi đi vào cuộc sống sẽ làm tăng chi phí môi trường đối với doanh nghiệp. Trong bối cảnh quy mô kinh tế, trình độ phát triển của Việt Nam hiện nay, ông Thanh đề nghị cân nhắc đến điều này.

Xuất phát từ thực tiễn, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đánh giá, đây sẽ là bộ luật ảnh hưởng đến đông đảo người dân, bởi mỗi kỳ Quốc hội, có khoảng 10% kiến nghị cử tri liên quan đến vấn đề môi trường. Liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại, bà Hải quan tâm đến chủ thể được quyền khởi kiện và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Theo Trưởng Ban Dân nguyện, dù luật có quy định, nhưng thực tế các chủ thể chưa khởi kiện, yêu cầu bồi thường lần nào. Vậy có nên mở rộng chủ thể, ví dụ như cá nhân có quyền khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại? Đáng lưu ý là quy định chủ thể bị thiệt hại phải có trách nhiệm chứng minh thiệt hại. Bà Hải cho rằng, điều này khó khả thi, bởi người bị thiệt hại thường yếu thế hơn so với bên gây thiệt hại, nên khó có thể chứng minh được việc này.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: kinh tế - xã hội - môi trường là ba trụ cột, trong đó môi trường là yếu tố rất quan trọng. Do vậy, phải giải quyết được bất cập, nhưng cần phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước.

“Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, nhưng không gây cản trở cho sự phát triển kinh tế. Tiêu chuẩn môi trường đặt ra phải khả thi. Đồng thời cần thể chế hóa quy định của Hiến pháp, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi người về vấn đề môi trường”, bà Ngân lưu ý.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.