Tranh luận về nâng vốn dự án quan trọng quốc gia lên 35 nghìn tỷ

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga
TPO - Ngày 21/2 tại phiên họp thứ 31, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Nhiều ý kiến quan tâm, đề cập đến tiêu chí phân loại và cơ sở nâng vốn dự án quan trọng quốc gia từ 10 nghìn tỷ đồng lên 35 nghìn tỷ đồng.

35 nghìn tỷ đồng, quá lớn !

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải, một số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 35.000 tỷ đồng và điều chỉnh theo tỷ lệ tương ứng đối với các dự án nhóm A, B, C là mức điều chỉnh quá cao, dẫn tới khó kiểm soát, đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành. Một số ý kiến cho rằng, có thể điều chỉnh tổng mức đầu tư phân loại dự án nhưng phải trên cơ sở đánh giá trên thực tế.

Về việc này, ông Hải cho biết, nhiều ý kiến trong ủy ban cho rằng, thực tế thời gian qua, chỉ số giá không có biến động lớn và việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định. Với quy định như luật hiện hành, mới chỉ có 2 dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội và không có vướng mắc.

Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn, sau gần 4 năm thực hiện Luật Đầu tư công, chỉ số CPI đã tăng khoảng 10%, quy mô thu ngân sách tăng khoảng 55%, chi ngân sách cho đầu tư phát triển tăng khoảng 120%, quy mô các dự án đầu tư công cũng lớn hơn.

Do vậy, để Luật sửa đổi lần này phù hợp với thực tiễn biến động giá cả, phân loại dự án phù hợp với quy mô ngân sách, đề nghị mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng thêm 50% so với quy định hiện hành, lên 15.000 tỷ đồng. Tương tự đối với các dự án nhóm A, B, C, đề nghị mức tăng 50% so với quy định hiện hành.

Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị giữ như quy định của luật hiện hành vì không cần thiết điều chỉnh và thực tế thực hiện không phát sinh vướng mắc. Cơ quan soạn thảo đề nghị điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia lên mức vốn 20.000 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, việc nâng vốn dự án quan trọng quốc gia cũng không sao, vì điều này phù hợp với tình hình thực tế. Song bà Ngân cho rằng, việc đề nghị nâng từ 10 nghìn tỷ lên 35 nghìn tỷ "là lớn quá". Trong khi thực tế với quy định mức vốn 10 nghìn tỷ phải trình ra Quốc hội, trong mấy năm qua cũng chỉ có 2 công trình, số dự án có số vốn trên 10 nghìn tỷ không nhiều.

“Phải kiểm điểm trách nhiệm”

Qua theo dõi nhiều khóa Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhìn nhận, vẫn còn tâm lý e ngại đưa dự án ra Quốc hội vì lo ngại nếu đưa ra Quốc hội thì thủ tục rườm rà, khó thông qua. Chính vì thế có những dự án được chia nhỏ để không phải thông qua Quốc hội. Bà Nga đề nghị hết sức cân nhắc việc tăng mức vốn của công trình dự án trọng điểm quốc gia.

Bộ Tư pháp cũng băn khoăn căn cứ nào điều chỉnh vốn từ 10 nghìn tỷ lên 35 nghìn tỷ đồng. Trong khi trên thực tế, vừa qua cũng chỉ có 2 dự án trình ra Quốc hội. “Phải hết sức cân nhắc điều này. Một số dự án không qua Quốc hội và chúng ta đã phải giải quyết hậu quả bằng những cách khác nhau. Nâng lên con số 35 nghìn tỷ đồng là quá lớn, theo tôi trước mắt nên giữ nguyên như hiện nay”, bà Nga đề nghị.

Chủ nhiệm Uỷ ban tư pháp Lê Thị Nga cũng lưu ý, nguy cơ tham nhũng các dự án đầu tư công khá lớn, còn thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng… nên khi sửa luật lần này phải lưu ý. Ngoài ra, bà cũng đề nghị quan tâm đến chất lượng công trình. Bởi thực tế cho thấy, chất lượng công trình dự án do tư nhân thực hiện tốt hơn, tiến độ nhanh hơn, trong khi đó dự án đầu tư công còn nhiều vấn đề, nhất là đối với các dự án đường giao thông.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị ban soạn thảo cần phân tích rõ, tiêu chí nào để nâng vốn dự án trọng điểm từ 10 nghìn tỷ lên 35 nghìn tỷ đồng? Theo ông, nếu dự án trình ra Quốc hội quyết trong thời gian 6 tháng cũng không có gì là lâu cả. Nếu được thì có thể ủy quyền cho Thường vụ Quốc hội quyết.

Do đời sống của Luật đầu tư công quá ngắn như vậy ông Bình cho rằng, phải kiểm điểm trách nhiệm, vì sao luật phải sửa khi chưa hết một vòng 5 năm. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, đời sống của luật quá ngắn, mới chỉ ngót 3 năm đã rục rịch sửa. Vì thế chỉ nên sửa những cái cốt yếu, vướng mắc trong thực tiễn, còn những cái không đáng sửa thì cũng “không nên nhân đà này sửa luôn”.

MỚI - NÓNG