Tranh luận về ô tô, máy điều hòa, bia hơi

Tranh luận về ô tô, máy điều hòa, bia hơi
TP - Đáng lưu ý, dự Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi quy định thêm máy bay, du thuyền (phục vụ cá nhân) vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Bên cạnh đó, bia hơi sẽ phải chịu thuế cao hơn (từ 40% hiện hành lên 50%).
Tranh luận về ô tô, máy điều hòa, bia hơi ảnh 1
Bia hơi sẽ phải chịu thuế TTĐB tới 50% (ảnh có tính chất minh họa). Ảnh: Phạm Yên

Dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi được trình ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng qua (26/8) đã gây nhiều tranh luận về đối tượng chịu thuế, mức thuế suất.

Tờ trình của Chính phủ cho rằng, luật hiện hành chưa bao quát hết các trường hợp thuộc diện cần điều tiết, vì vậy bổ sung thêm một số đối tượng chịu thuế: ô tô dưới 24 chỗ ngồi vừa chở người vừa chở hàng, các chế  phẩm từ lá thuốc lá (sản phẩm dùng để nhai, ngửi), xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175 phân khối trở lên, tàu bay và du thuyền (trừ tàu bay, du thuyền sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển và du lịch).

Ngoài ra, Chính phủ đề nghị mức thuế suất chung đối với mặt hàng bia các loại là 50%. Chính phủ cũng cho rằng, áp dụng mức thuế suất này đối với bia lon là tương đương với mức thuế suất hiện hành (75% cho trừ vỏ lon).

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, với việc áp dụng mức thuế suất 50% đối với bia chai số thu ngân sách về thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ giảm khoảng 1.500 tỷ đồng/năm, đối với bia hơi (tăng từ 40 lên 50%), sẽ có khó khăn nên Chính phủ đề nghị thời điểm áp dụng thuế từ 1/1/2010 để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị chuyển đổi cơ cấu sản xuất sang bia lon, bia chai.

Đối với ô tô, Ban soạn thảo đề nghị mức thuế suất phân biệt theo dung tích xi lanh (dung tích xi lanh lớn chịu mức thuế suất cao hơn), cụ thể đối với xe 6 - 9 chỗ ngồi: Dung tích từ 2.000 cc trở xuống mức 50%, trên 2.000cc đến 3.000cc (60%), trên 3.000 cc (70%).

Đối với loại xe từ 10 chỗ đến dưới 16 chỗ ngồi, giữ nguyên mức thuế suất hiện hành là 30%.

Đối với xe từ 16 chỗ đến dưới 24 chỗ ngồi: giữ nguyên mức thuế suất hiện hành là 15%. Mức thuế suất với ô tô 6 - 10 chỗ ngồi đã gây nhiều tranh luận. Ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng: “Mức tăng như dự thảo là quá đột biến”, ông đề nghị nên giảm 10% mỗi loại so với mức dự thảo.

Về đối tượng chịu thuế là máy bay, du thuyền, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nói: “Cả nước mới chỉ có một người mua được máy bay, chi phí để cho các phương tiện này vận hành được là rất lớn. Vậy ta nên khuyến khích tiêu dùng hay là đánh thuế để hạn chế?”.

Bảo vệ quan điểm phải đánh thuế đối với du thuyền, tàu bay, ông Tuấn cho biết, hiện đang tồn tại sự bất bình đẳng, đó là khi mua máy bay mới chỉ phải chịu thuế VAT 10% (không đánh thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt), trong khi đó, người mua chiếc xe Rolls-royce 18 tỷ đồng thì phải đóng các loại thuế tới 12 tỷ đồng!

“Nên khuyến khích du thuyền để kích thích du lịch là mũi nhọn của nước ta, vì vậy chưa nên đánh thuế” - Ông Hiền đề nghị.

Nên ưu đãi thuế với máy điều hòa, bia hơi

Nhiều nội dung của Tờ trình về Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đã được mổ xẻ tại phiên thảo luận. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi đặt câu hỏi: “Trước chỉ đánh thuế bia, nay quy định như dự luật là đánh thuế cả vỏ bia là vì sao?”.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn giải trình: Thực hiện cam kết gia nhập WTO, gộp các mặt hàng bia vào một mức thuế. “Thuế suất với bia là phù hợp, vì hiện mức mà Hiệp hội đề nghị là từ 40 - 45%. Với thuế suất này, thu từ bia hơi cũng chỉ tăng 200 tỷ đồng, nhưng thu từ bia chai lại giảm” - Ông Tuấn nói.

Một số ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc tăng thuế suất với bia tươi, bia hơi sẽ gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, và người tiêu dùng chủ yếu là người lao động.

“Bia hơi là mặt hàng người lao động dùng nhiều, không nên đánh thuế cao” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nói.

Theo ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế thì “không nên đưa bia hơi vào diện tăng thuế, vì đây là đồ uống có tính giải khát, chủ yếu cho người nghèo, người thu nhập thấp”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng đề nghị phải đánh thuế cao đối với hoạt động kinh doanh sân golf (dự thảo là 15%) , vì “sân golf chủ yếu phục vụ cho người có tiền, đại gia”.

Ngoài ra, nên quy định đánh thuế những loại dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp cao cấp đã bắt đầu hình thành ở nước ta.

Cũng theo ông Thuận, nên đánh thuế với các loại xe máy từ 125 cm3 trở lên, chứ không chỉ là xe từ 175 cm3 như dự luật quy định, vì hiện nay các xe 125 cm3 đều là xe xa xỉ! Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đề nghị nên cân nhắc bỏ máy điều hòa ra khỏi đối tượng chịu thuế.

“Điều hòa là thứ hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống gia đình, nên bỏ ra ngoài. Những hàng hóa như dàn âm thanh, ti vi giá tới cả trăm triệu đồng hiện cũng không phải chịu thuế” - Ông Vượng nói.

Phát biểu thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, khi điều chỉnh thuế cần hướng đến việc vực sức các doanh nghiệp mạnh lên khi vào sân chơi WTO, “không nên điều chỉnh vội vàng để doanh nghiệp thua ngay trên sân nhà”.

Chiều qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về Dự án luật cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài.

Tổng thu thuế tiêu thụ đặc biệt tăng qua các năm, năm 2003 là 11.046 tỷ đồng, năm 2004 là 14.861 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2003; năm 2005 là 18.326 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2004; năm 2006 là 20.835 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2005 và năm 2007 là 26.564 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2006.

 Theo tờ trình của Chính phủ

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.