Tranh nhau trông xe, thi nhau tăng giá

Tranh nhau trông xe, thi nhau tăng giá
TP - Từ ngày Hà Nội cấm trông giữ xe trên 262 tuyến phố, nhiều bãi đỗ xe tự phát mọc lên, chặt chém người gửi. Nhu cầu đỗ xe tăngđcao khiến nhà ở, dự án siêu thị, chung cư sẵn sàng thành nơi trông giữ xe.

>Ô tô, xe máy 'tấn công' sân trường

Gửi được xe vào bãi của chợ Đồng Xuân không phải dễ Ảnh: Trường Phong
Gửi được xe vào bãi của chợ Đồng Xuân không phải dễ Ảnh: Trường Phong.

Nhà nhà, người người nhận trông xe

Lượn vài vòng trước cổng bệnh vien Việt Đức trên đường Phủ Doãn (Hà Nội), mắt dáo dác giống vẻ đang tìm kiếm một nơi gửi xe, nam thanh niên ngoái lại bởi tiếng gọi: “Gửi xe không em”. Quay lại, thấy một người đàn ông nhanh nhảu chỉ vị trí cùng hướng dẫn: “Cho xe sang chỗ cái nhà đang xây kia, gặp cô áo vàng”.

Nhìn qua chỗ gửi xe, thấy chỉ là nền của tòa nhà đang hoàn thiện, cát ẩm, nước chảy lênh láng. Hỏi giá bao nhiêu, người đàn bà đáp: “10.000 đồng một lần, chỉ đến gần trưa thôi nhá”.

Phố Đinh Lễ, cứ thấy có người chạy xe máy chầm chậm là một vài người ùa ra: “Gửi lâu không? 1 tiếng à? 10.000 đồng nhé”.

Phố Bảo Khánh cấm trông giữ xe, nhiều người lượn đi lượn lại tìm chỗ gửi. Một nhân viên của khách sạn Bảo Khánh chào mời: “ Gửi xe hả? Có lâu không? 30 phút thôi à? 10.000 đồng/xe”.

Thỉnh thoảng, người đàn ông này nhận thêm một vài xe, để lẫn xe nhân viên của khách sạn.

Hai bãi trông giữ xe hai bên chợ Đồng Xuân đều quá tải. Sau chợ, nơi quây kín chuẩn bị xây dựng siêu thị thương mại dịch vụ Bắc Qua đã được ban quản lý biến thành bãi gửi xe. Mỗi ngày có hàng ngàn xe máy, ô tô gửi trong bãi với mức giá xe máy 10.000 đồng/ lượt, ô tô con 30.000 đồng/1h.

Một số chung cư cũng nhận trông giữ xe từ bên ngoài. Ngay sau khi Hà Nội cấm trông giữ xe, trên lối vào chung cư 39C Hai Bà Trưng liền xuất hiện tấm bảng Nhận trông xe máy, mức giá 5.000 đồng/ xe.

Tranh nhau trông xe, thi nhau tăng giá ảnh 2

Chỗ nào cũng tăng giá

Trên phố Đinh Lễ, đoạn trước cửa Trung tâm dịch vụ khách hàng của VNPT có một điểm trông giữ xe, thế nhưng lại phân biệt đối xử với khách hàng. Nhân viên bảo vệ hỏi vào bưu điện hay đi chơi. Mức giá dành cho người vào bưu điện sẽ là 5.000 đồng, những người đi chơi phải chịu gấp đôi. “Thắc mắc cái gì? Không gửi ở đây thì đi chỗ khác” - Người trông xe cáu khi bị hỏi về giá vé.

Xung quanh Cung thiếu nhi Hà Nội có tới ba, bốn điểm trông giữ xe, nhưng mức giá lại khác nhau. Trên vỉa hè phía đường Trần Nguyên Hãn, người trông xe ra giá 5.000 đồng, trong khi phía cổng vào trên đường Lý Thái Tổ, mức giá là 3.000 đồng.

Cuối đường Đinh Tiên Hoàng, mỗi tấm vé của Cty TNHH Hà Nội Bốn Mùa đều niêm yết mức giá 2.000 đồng, nhưng nhân viên đều thu 5.000 đồng/xe kèm lời dặn: “Đến 11h 30 thôi nhá”. Hết giờ “quy định”, những chiếc xe còn lại sẽ bị tính thêm một lượt vé mới.

Vé của Cty CP Đồng Xuân ghi rõ 2.000 đồng/ lượt nhưng đều bắt khách phải nộp 5.000 đồng. Phía ngoài chợ Đồng Xuân, điểm trông giữ xe còn nâng mức giá lên 15.000 đồng/xe máy.

Giảm 15% phương tiện sau một tháng đổi giờ

Đánh giá sau một tháng, liên ngành GTVT- Công an Hà Nội cho rằng, cả lưu lượng và thời gian đi lại trên đường của phương tiện đều giảm.

Nhiều lộ trình lưu thông giảm từ 10 đến 15 phút. Đặc biệt là lộ trình của phương tiện đi qua các tuyến phố Trần Phú (Hà Đông) - Quốc Tử Giám, Xuân Thủy - Nguyễn Thái Học, Giải Phóng - Trần Nhân Tông, Lạc Long Quân - Yên Phụ...

Tháng qua cũng xuất hiện các điểm ùn tắc mới tại một số vị trí, nút giao thông như Daewoo (Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh), Trường Chinh - Tôn Thất Tùng, Lê Duẩn - Khâm Thiên, đường La Thành... Cuộc họp đánh giá kết quả một tháng đổi giờ sẽ diễn ra sáng nay (14-3).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG