Tránh vỡ quỹ bảo hiểm, kiến nghị tăng tuổi nghỉ hưu?

Tránh vỡ quỹ bảo hiểm, kiến nghị tăng tuổi nghỉ hưu?
TP - Chiều 26/5, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trong đó, dự thảo luật đã bổ sung quy định về lộ trình tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội

Cơ bản thống nhất với Tờ trình Chính phủ về điều kiện hưởng lương hưu (Điều 53), Ủy ban các Vấn đề xã hội (cơ quan thẩm tra) cho biết: Để đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm hưu trí, dự thảo luật đã bổ sung quy định về lộ trình tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để được hưởng lương hưu của người lao động tại khoản 2 Điều 53 như sau: Từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ, 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của các nhóm đối tượng còn lại (trừ nhóm lực lượng vũ trang và người làm công tác cơ yếu) cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.

Vấn đề này hiện có hai loại ý kiến, thứ nhất: Tán thành với dự thảo luật quy định về lộ trình tăng thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo phương án này, phải đến năm 2031 (sau 15 năm) tuổi nghỉ hưu của nữ mới đạt 60 tuổi và đến năm 2022 (sau 6 năm) tuổi nghỉ hưu của nam mới đạt 62 tuổi. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị thực hiện Điều 187 của Bộ luật Lao động, nâng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác.

Cơ quan thẩm tra tán thành với loại ý kiến thứ hai và thấy rằng, cần điều chỉnh chính sách bảo hiểm hưu trí thông qua việc nâng thời gian tham gia BHXH đồng bộ với việc nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động.

“Tuổi nghỉ hưu thấp dẫn tới thời gian đóng BHXH ngắn, nhưng thời gian hưởng lương hưu dài do tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên. Hiện nay, Bộ luật Lao động đã cho phép điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với một số nhóm đối tượng, đồng thời, đối với một số ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, một số địa bàn sẽ được giảm tuổi nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn” - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết.

Theo báo cáo, Việt Nam đang trong thời kỳ “dân số vàng” với lực lượng lao động đã đạt tới 52,3 triệu người, nhưng đồng thời bước vào giai đoạn già hóa dân số. Năm 2012, tỷ lệ người cao tuổi trên 60 tuổi của Việt Nam là hơn 9 triệu người, chiếm hơn 10% dân số; tỷ lệ người cao tuổi trên 65 tuổi chiếm 7,1% dân số.
MỚI - NÓNG