Trao “cần câu thoát nghèo” ở những huyện nghèo nhất Việt Nam

Mô hình sản xuất lúa chất lượng do EVN đầu tư cho 53 hộ dân tại xã Mường Kim, huyện Than Uyên đã giúp người dân thay đổi cuộc sống, thoát nghèo
Mô hình sản xuất lúa chất lượng do EVN đầu tư cho 53 hộ dân tại xã Mường Kim, huyện Than Uyên đã giúp người dân thay đổi cuộc sống, thoát nghèo
TP - Không chỉ đầu tư đường giao thông, kéo điện lưới thắp sáng bản làng, suốt 6 năm qua, ngành điện đã kiên trì đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các mô hình trang trại chăn nuôi, trồng lúa năng suất, thậm chí đầu tư cả máy cày theo tiêu chí trao cả cần câu cơm cho người dân nghèo các huyện Tân Uyên, Thanh Uyên và Phong Thổ của tỉnh Lai Châu theo Nghị quyết 30a của Chính phủ để giúp bà con dân tộc nơi đây thay đổi cuộc sống.

Những hy sinh thầm lặng

Trao đổi với PV  ông Nguyễn Đức Vinh, Phó giám đốc Điện lực Tân Uyên cho biết, làm điện ở dưới đồng bằng khổ một, lên miền núi khổ gấp 10 lần. Nếu không thật sự yêu nghề, xác định trách nhiệm cống hiến và phục vụ vì người dân thì không thể trụ nổi. Khi về đây làm chúng tôi phải xác định đối đầu với 3 chữ Phải: Phải làm việc xa xôi; Phải đối mặt vất vả và Phải chấp nhận những rủi ro không lường trước.

Quản lý hơn 10 nghìn khách hàng trên địa bàn rộng gần 900 km2 nhưng cả điện lực chỉ có vỏn vẹn 44 nhân viên. Nhân lực ít, công việc ngập cổ nhưng đều đặn tháng nào từ lãnh đạo đến nhân viên ngành điện đều phải vượt hàng trăm km đường đồi núi để vào tận các xã, bản để làm những “việc không tên” như: khắc phục sự cố, sửa chữa, nâng cấp đường dây, chốt chỉ số điện… Việc nhân viên ngành điện mắc kẹt trong rừng, trong bản vài ba ngày vì mưa lũ là việc thường như cơm bữa.

Sau hơn 1,5 giờ đi ô tô chúng tôi có mặt tại bản Nậm Sỏ, cách trung tâm huyện Tân Uyên hơn 40 km đường rừng. Cả khu bản chỉ vài chục hộ dân nằm rải rác bám theo con đường rải nhựa nằm chót vót trên đỉnh núi. Sau hơn 5 năm được ngành điện đầu tư lưới điện, hỗ trợ xây trường tiểu học, thực hiện cấp con giống, vật tư nông nghiệp để thực hiện các mô hình nông trại, chăn nuôi tập trung, đời sống người dân đã thay đổi khá rõ.

Điện đã góp phần thay đổi đời sống người dân, tạo điều kiện cho người dân có cơ hội kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống… là đánh giá của anh Lò Văn Liên, bản Nậm Lanh, xã Nậm Sỏ (huyện Tân Uyên, Lai Châu). Từ khi điện lưới được kéo về tận bản cách đây hơn 3 năm, anh Liên và nhiều bà con trong bản đã mua sắm được máy xay xát gạo để làm dịch vụ. Việc kinh doanh thuận lợi nên sau vài năm, giờ nhà anh Liên đã có đủ tivi, tủ lạnh cùng nhiều thiết bị điện khác. “Trước khi chưa có điện, có đường giao thông, để thắp sáng và xay xát gạo, tôi phải vượt đường núi vài chục km ra đường quốc lộ mua dầu về chạy máy. Mỗi lần đi phải mất một ngày trời. Giờ có điện tôi không phải đi xa nữa. Việc xay xát gạo cho bà con trong bản và các bản khác đã thuận tiện hơn. Đời sống đã ổn định hơn trước rất nhiều”, anh Liên kể.

Vào bản Nậm Sò đã khó, đến được bản Nậm Khăn (xã Tà Mít), bản có 274 hộ dân, còn khó khăn gấp nhiều lần. Ngay cả những người thợ điện lâu năm, nhắc đến việc thi công đường dây, sửa chữa điện tại đây đều phải lắc đầu lè lưỡi. Chỉ riêng việc đầu tư đưa lưới điện vào bản riêng tiền đầu tư đường nông thôn, hạ tầng lưới điện để phục vụ việc ổn định đời sống cho mỗi hộ dân tái định cư ở đây, tính bình quân EVN phải đầu tư 2- 3 tỷ đồng/hộ.

“Làm điện ở miền núi, bất kể ngày đêm, mưa nắng gió rét, mỗi khi có sự cố xảy ra thợ điện đều phải sẵn sàng lên đường xử lý trong thời gian sớm nhất. Kéo dây, khắc phục sự cố đã vất vả, việc đi thu tiền điện cũng vất vả không kém. Như ở Nậm Khăn, đều đặn tháng hai lần, hai nhân viên ngành điện phải vượt hơn 60km đường rừng (mất hơn 3 giờ di chuyển) và phải chi 400 nghìn đồng để thuê thuyền đi 10 km mới vào đến nơi để chốt chỉ số điện. Có hộ mỗi tháng chỉ dùng 5.000 - 7.000 đồng tiền điện. Hộ cao nhất chỉ dùng từ 40 nghìn - 50 nghìn đồng/tháng. Vất vả là thế nhưng chúng tôi luôn tự hào vì đã đưa được điện lưới vào tận các bản vùng sâu vùng xa nhất của huyện”, ông Vinh cho biết.

Đổi thay đời sống

Không chỉ đầu tư kéo điện đến từng hộ dân, trong suốt 6 năm qua, EVN đã đầu tư xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi, trồng lúa năng suất để hướng dẫn bà con thoát nghèo, cải thiện đời sống. Chồng mất sớm vì bệnh, nhà một nách 3 con, việc đồng áng, chăm sóc bố mẹ chồng hơn 80 tuổi, trông chờ vào một mình chị Lò Thị Tươi (34 tuổi, xã Thân Thuộc, huyện Thanh Uyên). Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị Tươi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hỗ trợ tiền xây nhà mới, cấp máy cày, hướng dẫn thực hiện trồng lúa theo mô hình mới giúp chị Tươi. “Với chiếc máy cày do EVN cấp, giờ tôi chỉ mất nửa buổi là có thể làm xong công việc mà trước đây phải dành từ 2-3 ngày để làm”, chị Tươi cho biết.

Bên cạnh việc cấp điện, hướng dẫn các mô hình chăn nuôi mới, mô hình sản xuất lúa chất lượng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai với diện tích 10 ha tại xã Mường Kim đã thực sự góp phần thay đổi đời sống của 53 hộ dân trong bản. Theo ông Soi Văn Lốt, Trưởng bản Lướt (xã Mường Kim, huyện Than Uyên), trước đây, mỗi mùa lúa, gia đình ông phải bỏ một số tiền rất lớn để mua phân bón NPK, đạm, thuốc trừ sâu, lúa giống… để đầu tư khoảnh ruộng hơn 6 sào của gia đình. Năm được mùa thì sản lượng không cao, năm mất mùa, sâu bệnh nhiều thì cả gia đình lại rơi vào cảnh thiếu đói.

“Luẩn quẩn mãi với đói nghèo. Tuy nhiên, từ một năm nay, Tập đoàn Điện lực đã bỏ tiền hỗ trợ chúng tôi toàn bộ lúa giống mới, phân bón và phối hợp với Phòng nông nghiệp huyện hướng dẫn cách trồng lúa mới cho năng suất cao. Đời sống của người dân nhờ đó mà cải thiện rất nhiều. Nhờ có nguồn thu từ trồng lúa năng suất cao, gia đình tôi đã nuôi thêm 7 con lợn, hơn 30 con gà và giờ đã không còn là hộ nghèo, có xe máy để đi, cuộc sống đã thay đổi nhiều hơn trước”, ông Lốt cho biết.

Nhiều hiệu quả từ các mô hình mới

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, cùng với các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, các chính sách hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn 2009-2015 tại 3 huyện của tỉnh Lai Châu đã đến được với người dân và đạt được những hiệu quả nhất định góp phần vào thành công chung của công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Đối với phát triển mở rộng lưới điện nông thôn và cấp điện đến từng hộ dân của ba huyện Tân Uyên, Thanh Uyên và Phong Thổ có ý nghĩa xã hội rất to lớn, mang lại hiệu quả thiết thực cho địa phương và đã góp phần rất lớn trong việc cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt của nhân dân khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa của các huyện. Các công trình lưới điện đưa vào vận hành đã phát huy được hiệu quả, được nhân dân đánh giá cao, hoạt động sản xuất của người dân chuyển dần sang sản xuất hàng hóa, dịch vụ góp phần xóa đói, giảm nghèo và thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Trao “cần câu thoát nghèo” ở những huyện nghèo nhất Việt Nam ảnh 1

Chị Lò Thị Tươi (34 tuổi, xã Thân Thuộc, huyện Thanh Uyên) bên cạnh chiếc máy cày do EVN tặng để giải phóng sức lao động

Từ khi các công trình điện đưa vào sử dụng, nhờ được sử dụng các thiết bị điện con em đồng bào các dân tộc có đủ ánh sáng và các điều kiện khác để học tập, nên góp phần nâng cao cơ sở vật chất cho ngành giáo dục, tăng chất lượng dạy và học ở tất cả các cấp học tại các địa phương; Có điện đã tác động đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông nghiệp, đồng bào các dân tộc có thể yên tâm đầu tư máy móc chế biến, phát triển sản xuất các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, tăng thu nhập cho gia đình, xóa đói, giảm nghèo bền vững do đó đã góp phần to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là phát triển kinh tế theo định hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn, gắn với thực hiện Chương trình nông thôn mới mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang lãnh đạo chỉ đạo thực hiện.

Đặc biệt, với sự đầu tư hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp về chăn nuôi, trồng trọt đã giúp người dân tiếp cận với phương thức, kỹ thuật sản xuất mới thay thế cho các cách làm cũ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó với việc xây dựng thành công các mô hình, nhiều hộ dân đã tự triển khai nhân rộng mô hình cho các vụ tiếp theo.

Theo UBND tỉnh Lai Châu, cùng với các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước và các nội dung hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và sự nỗ lực vươn lên của các hộ nghèo, trong giai đoạn 2009 đến 2014 toàn tỉnh đã có 32.948 hộ thoát nghèo. Trong đó 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ có 16.098 hộ thoát nghèo. Trong giai đoạn 2009 - 2014 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm trung bình hằng năm 5,84%. Trong đó 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên và Phong Thổ 6,76% vượt chỉ tiêu nghị quyết 30a đề ra.

MỚI - NÓNG