Trâu đội hoa có thể nghe hiểu tiếng của chủ nhân

Nhiều du khách thích thú cưỡi trâu phất cờ lau như hình ảnh anh hùng Đinh Bộ Lĩnh chơi trận giả thuở xưa. Ảnh: Phương Vy.
Nhiều du khách thích thú cưỡi trâu phất cờ lau như hình ảnh anh hùng Đinh Bộ Lĩnh chơi trận giả thuở xưa. Ảnh: Phương Vy.
Sáng sớm mỗi ngày, cụ Vi lại tắm rửa con trâu thật sạch sẽ rồi dẫn ra khu di tích cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) để du khách cưỡi trên lưng chụp ảnh. Con trâu gắn bó với gia đình 9 năm nên có thể nghe, hiểu tiếng của chủ nhân.

Gần đây, nhiều du khách khi đến tham quan khu di tích Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) thích thú với hình ảnh con trâu đầu đội hoa, lưng mặc áo đỏ đứng làm mẫu chụp ảnh. Chủ nhân của con trâu đặc biệt này là cụ Trần Hữu Vi (83 tuổi) ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư.

Cứ 8h sáng mỗi ngày, cụ Vi lại dắt trâu ra cố đô Hoa Lư. Công việc của cụ Vi là mời khách chụp ảnh lưu niệm và hướng dẫn cho khách trèo lên lưng cưỡi trâu an toàn. Với công việc này, mỗi ngày cụ có thể kiếm được 50.000-100.000 đồng.

Để thu hút sự chú ý của du khách, cụ Vi nghĩ ra cách trang trí cho trâu thật bắt mắt, hàng ngày tắm rửa cho con vật thật sạch sẽ. Cụ còn kiếm bông lau dại mọc hoang dưới chân núi kết thành hai ngọn cờ, khi cưỡi trâu chụp ảnh, du khách giơ cờ lau lên cao như hình ảnh tập trận giả của vua Đinh Tiên Hoàng thuở nhỏ.

“Con trâu của ông lão rất đẹp và hiền lành. Hướng dẫn viên của chúng tôi nói, thuở nhỏ người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh của đất nước các bạn thường cưỡi trên lưng trâu chơi đánh trận giả. Tôi cũng muốn thử cảm giác ngồi trên lưng trâu như vậy”, chị Anna Smith, du khách đến từ nước Pháp thích thú nói rồi trèo lên lưng trâu để được chụp vài bức ảnh lưu niệm.

Con trâu đã gắn bó với gia đình cụ Vi 9 năm nên có thể nghe, hiểu tiếng chủ. Trước đây trâu thường đi cày ruộng thuê cho bà con trong vùng. Khi tuổi cao sức yếu, không thể làm công việc đồng áng, phần vì không muốn bán con trâu đã gắn bó nhiều năm với mình nên cụ muốn tìm việc khác cho nó.

“Trong một lần dẫn trâu đi ăn cỏ, tôi gặp đoàn khách du lịch nước ngoài. Họ tỏ vẻ thích thú khi nhìn thấy con trâu của tôi nên tiến đến gần ngỏ ý xin chụp ảnh. Sau nhiều lần như vậy tôi mới nghĩ ra nghề đưa trâu đi làm mẫu ảnh”, cụ Vi chia sẻ.

Mỗi lần chụp ảnh, khách thường cho cụ Vi 5-10 nghìn đồng tiền công cắt cỏ cho trâu ăn. “Ngày đầu cho trâu đi làm mẫu ảnh, tôi kiếm được hơn 100.000 đồng về mua gạo. Từ đó đến nay, con trâu trở thành trụ cột kinh tế của gia đình”, cụ Vi nói thêm.

Trâu đội hoa có thể nghe hiểu tiếng của chủ nhân ảnh 1

Được huấn luyện nhiều năm nên con trâu của cụ Vi rất nghe lời ông chủ. Ảnh: Phương Vy.

Kể về gia đình, cụ Vi cho biết sinh được 5 người con nhưng tất cả đều làm nông nghiệp, cuộc sống rất khó khăn. “Giờ tôi vẫn còn sức khỏe nên không muốn dựa dẫm con cái nhiều. Công việc này cũng không nặng nhọc lắm, coi như là tôi dắt trâu đi tập thể dục cho khỏe thôi”, cụ Vi hài hước nói.

Hàng tháng vợ chồng cụ đều nhận được trợ cấp của nhà nước cho người cao niên, tuy nhiên số tiền ấy chỉ đủ mua gạo. Còn tiền con trâu kiếm được hai cụ mua thêm thức ăn, thuốc thang, dư giả thì dành dụm phòng lúc ốm đau. Ban đầu chỉ có mình cụ Vi làm nghề này, sau đó vài người thấy cụ kiếm được khoản tiền kha khá nên làm theo. Tuy nhiên, không phải ai cũng đông khách như cụ.

“Cụ Vi tính hiền lành, không bao giờ chèo kéo khách chụp ảnh, cũng không đòi tiền nên lúc nào cũng đông khách. Chụp ảnh xong ai cho đồng nào cụ quý đồng ấy. Người 5 nghìn, 10 nghìn, còn du khách nước ngoài cho cụ 1-2 đôla là chuyện bình thường”, một hướng dẫn viên ở khu di tích Cố đô Hoa lư cho hay.

Hàng ngày, cụ Vi thường dậy từ rất sớm đi cắt cỏ dự trữ cho trâu ăn cả ngày, sau đó tắm rửa cho trâu thật sạch sẽ rồi mới dắt đi làm. Dù cho trâu đứng cả ngày trong khu di tích nhưng cụ Vi chưa bao giờ để trâu phóng uế làm mất vệ sinh. Cứ ít phút cụ lại dắt trâu đi vệ sinh, nếu trâu lỡ phóng uế bậy ra đường sá, cụ lại cặm cụi dọn dẹp thật sạch sẽ, không để ai nhắc nhở.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG