Trẻ 1-14 tuổi bắt buộc phải tiêm phòng sởi

TP - Ngày 11/2, Bộ Y tế cho biết, tình hình bệnh sởi vẫn diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2015 đến nay, cả nước ghi nhận 123 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 25 tỉnh thành phố, trong đó có 35 ca xét nghiệm dương tính với bệnh này.

Trong thời gian qua, chiến dịch tiêm chủng mở rộng vắc-xin phòng bệnh sởi-rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi được triển khai tại nhiều trường tiểu học và trung học cơ sở. Tuy nhiên, có một số gia đình không đồng ý cho con tiêm phòng tại trường học theo chiến dịch. Trả lời về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, chiến dịch tiêm phòng vắc-xin sởi-rubella do Thủ tướng Chính phủ chỉ thị.

Theo đó, tất cả trẻ từ 1-14 tuổi dù tiêm hay chưa tiêm vắc-xin sởi-rubella đều bắt buộc phải tiêm trong chiến dịch này. Bên cạnh đó, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm cũng quy định tiêm chủng mở rộng là bắt buộc nhằm ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát.

Ông Phu cho biết thêm, nhiều bà mẹ không nhớ trẻ đã được tiêm đủ mũi tiêm phòng bệnh hay chưa nên việc tiêm thêm một mũi vắc-xin phòng sởi - rubella theo chiến dịch tiêm chủng mở rộng lần này là rất cần thiết để không cho dịch sởi bùng phát như năm 2014.

Trẻ 1-14 tuổi bắt buộc phải tiêm phòng sởi ảnh 1

Chăm sóc em bé mắc sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Ngọc Châu.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, phần lớn các trường hợp mắc sởi đều chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc-xin phòng bệnh, có trẻ mắc bệnh sởi khi mới 9 tháng -12 tháng tuổi. Đây là độ tuổi trẻ cần được đưa đi tiêm chủng phòng bệnh theo lịch đầy đủ nhưng chưa được tiêm chủng, tiêm đúng lịch song không cho trẻ đi tiêm vắc-xin tiêm chủng mở rộng. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, đối với các quốc gia có tỉ lệ tiêm vắc-xin sởi mũi 1 đạt trên 80% nên sử dụng vắc-xin phối hợp sởi-rubella trong tiêm chủng thường xuyên để đồng thời khống chế bệnh rubella, sởi và tăng cường hiệu quả của công tác tiêm chủng.

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lưu hành phổ biến ở trẻ em, bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra dịch vào những tháng đông - xuân. Bệnh sởi có tính lây truyền cao, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi đạt được hơn 95% tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu trong cộng đồng.

Tất cả những người chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vắc-xin sởi đều có cảm nhiễm với bệnh sởi. Đây là loại bệnh lành tính, nhưng có khả năng gây suy giảm miễn dịch rất nhanh nên trẻ mắc bệnh rất dễ mắc các căn bệnh kèm theo như khác như viêm phổi, tiêu chảy… và có thể diễn biến nặng hoặc tử vong do những căn bệnh cơ hội này.

Để tăng cường kiểm soát bệnh dịch, đặc biệt là phòng chống lây nhiễm sởi tại các bệnh viện, ngày 11/2, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) yêu cầu Sở Y tế các tỉnh thành phố, thủ trưởng y tế các ngành, giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt các yêu cầu: Tổ chức sàng lọc, phân luồng, phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ/mắc sởi ngay tại khu vực tiếp nhận ban đầu. Bố trí đơn vị thu nhận người bệnh sởi và nghi ngờ mắc sởi riêng biệt tại khoa Truyền nhiễm và các đơn vị cách ly của các khoa lâm sàng khác trước khi có chẩn đoán xác định sởi...

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, chiến dịch tiêm phòng vắc-xin sởi-rubella do Thủ tướng Chính phủ chỉ thị. Theo đó tất cả trẻ từ 1-14 tuổi dù tiêm hay chưa tiêm vắc-xin sởi-rubella đều bắt buộc phải tiêm trong chiến dịch này. Bên cạnh đó, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm cũng quy định tiêm chủng mở rộng là bắt buộc nhằm ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.