Trẻ em chỉ là nạn nhân!

Trẻ em chỉ là nạn nhân!
TP - Sau sự việc đau lòng 5 nữ sinh rủ nhau tự tử tập thể, Tiền Phong liên hệ với PGS TS Võ Thị Minh Chí, Giám đốc TT Tâm lý học-Sinh lý học lứa tuổi, ĐH Sư phạm HN, tìm câu giải đáp.

Chỉ trong một thời gian ngắn, dư luận không khỏi đau lòng khi phải chứng kiến một số vụ tự tử mà nạn nhân đang còn ở tuổi học trò, vụ việc mới nhất là 5 nữ sinh Hải Dương tự tử tập thể. Chị có thể lý giải về điều này?

Về mặt tâm lý lứa tuổi, ở độ tuổi này chưa thể chịu trách nhiệm về bản thân, chưa tự định hướng được nên dễ phản ứng tiêu cực trước những tác động của cuộc sống nếu không được dạy dỗ, bảo ban, hướng dẫn đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, suy ra cho cùng, trẻ em chỉ là nạn nhân!

Vậy “thủ phạm” là ai, thưa chị?

Trước hết là cha mẹ và sự giáo dục của gia đình. Ngày nay cha mẹ đặt kỳ vọng quá cao vào vai con em mình. Nhiều bậc cha mẹ đòi hỏi con em mình phải thế này thế nọ mà không xuất phát từ thực tế, từ khả năng thực sự của con mình.

Nếu con cái không đạt yêu cầu của cha mẹ, bị coi là bất hiếu, bị mắng nhiếc. Về mặt tâm lý, khi bị mắng chửi làm mất sĩ diện, giá trị trước bạn bè, trẻ em sinh ra tự ti. Không có chỗ dựa, trẻ em sẽ tự tìm cách giải quyết vấn đề.

Trong trường hợp này, các nạn nhân lại là các bé gái. Các bà mẹ phải nhìn nhận thấy trách nhiệm của mình rất nhiều.

Chị có nghĩ rằng nhà trường cũng cần chia sẻ trách nhiệm trong việc giáo dục trẻ em không?

Nếu giáo viên ở trường làm hết trách nhiệm theo đúng nghĩa thì sẽ không xảy ra trường hợp đáng tiếc này. Lập thành nhóm bạn để chơi cùng nhau là hợp tâm lý lứa tuổi. Kết bạn để giúp nhau học tập, chia sẻ là tốt nhưng kết thành băng nhóm đi ngược lại với chuẩn mực xã hội thì không đúng. Đáng lẽ  trường hợp này nhà trường phải phát hiện ra.

Một cô giáo chủ nhiệm có trách nhiệm phải biết trong lớp học sinh nào chơi thân với ai, có ảnh hưởng gì đến kết quả học tập không... Rất tiếc, hiện nay giáo đức (đạo đức nghề nghiệp) của một bộ phận giáo viên) còn kém, chỉ quan tâm đến dạy chữ. Trong vụ việc này, tôi thấy để giáo viên bên ngoài trách nhiệm là không đúng.

Trước tình trạng báo động như thế này, cha mẹ và nhà trường phải làm gì để giúp trẻ em định hướng, thưa chị?

Lứa tuổi thiếu niên (12-15) là một lứa tuổi đặc biệt do các em có biến đổi về nội tiết sinh ra nhiều đặc điểm tâm lý đa dạng, phong phú, rất khó lường vì không có quy luật, mỗi cá thể phát triển rất khác nhau.

Các bậc cha mẹ cần quan tâm đến con cái đặc biệt hơn nhiều so với các giai đoạn phát triển, lứa tuổi khác. Các bậc cha mẹ không nên quan niệm cho con ăn no, đưa con đến trường là xong.

Hãy lắng nghe tâm tư tình cảm, nguyện vọng của trẻ và hướng dẫn kịp thời. Tránh áp đặt và đặc biệt, không đặt kỳ vọng quá cao so với khả năng của trẻ.

Nhà trường không chỉ dạy chữ mà còn phải quan tâm nhiều hơn đến việc dạy người. Điều cần thiết làm hiện nay là nâng cao đạo đức nghề nghiệp của giáo viên trong các trường học để người ta không còn coi việc dạy xong chữ là hết trách nhiệm mà phải hiểu được sự hiểu, chia sẻ, hướng đạo cho học sinh là điều quan trọng. Thầy cô giáo phải là người chuẩn mực về đạo đức.

Có người đổ lỗi cho môi trường xã hội, chị nghĩ gì về điều này?

Cũng đúng một phần vì trẻ em ngày nay bị nhồi nhét nhiều phim ảnh, truyện, internet... Tuy nhiên, cha mẹ, nhà trường, thầy cô giáo sẽ là người chăm nom, săn sóc dạy dỗ và hướng dẫn trẻ em thoát ra khỏi cái bẫy này để  tránh được những cảnh đau lòng như đã từng xảy ra với trẻ em.

Xin chân thành cám ơn chị.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.