Trẻ em làm khai sinh không bắt buộc phải có giấy chứng sinh

Trẻ em làm khai sinh không bắt buộc phải có giấy chứng sinh
Hiện nay còn khoảng hơn 2 triệu trẻ em chưa được khai sinh do những thủ tục đăng ký quá phức tạp, ngoài ra còn nhiều trẻ em sinh ra ở nước ngoài sau khi về Việt Nam không thể đăng ký khai sinh...

Ông Trần Thất -Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết.

Dự thảo Nghị định mới về đăng ký hộ tịch đã được trình lên Chính phủ xem xét và dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 7 tới, nhằm thay thế Nghị định 83/1998/NĐ-CP, không còn phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

Theo đó một loạt quy định mới theo hướng cởi mở thông thoáng, nhằm giảm phiền hà cho người dân, thắt chặt việc quản lý hộ tịch và đặc biệt là giảm một cách cơ bản tình trạng trẻ em sinh ra nhưng không được khai sinh.

Ông Trần Thất -Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp, Bộ Tư pháp - đơn vị soạn thảo nghị định này đã trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này.

Xin ông cho biết những quy định mới trong việc đăng ký khai sinh?

Dự thảo Nghị định mới có rất nhiều điểm sửa đổi theo hướng cởi mở, thông thoáng “hết cỡ”. Chẳng hạn, theo quy định hiện hành, trẻ em sinh ra chỉ được đăng ký khai sinh tại nơi cư trú của người mẹ hoặc nơi trẻ sinh ra.

Tuy nhiên việc thực hiện đăng ký khai sinh tại nơi sinh gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp về thủ tục: Sau khi đăng ký khai sinh tại nơi sinh, UBND xã nơi đã đăng ký gửi thông báo kèm theo bản sao giấy khai sinh về cho UBND nơi người mẹ cư trú để ghi vào sổ.

Chính thủ tục rườm rà mà nhiều người đã lợi dụng để sinh con thứ ba hoặc nhiều trẻ không được khai sinh do không xác định được nơi cư trú của người mẹ.

Dự thảo Nghị định mới bên cạnh việc giữ nguyên quy định đăng ký khai sinh tại nơi cư trú của người mẹ, đã bổ sung thêm quy định đăng ký khai sinh cho trẻ tại nơi cư trú của người cha hoặc nơi trẻ đang sống trên thực tế và bỏ quy định đăng ký khai sinh tại nơi sinh.

Cho phép khi đi đăng ký khai sinh, người đăng ký không cần phải xuất giấy chứng nhận kết hôn, hộ khẩu.

Đặc biệt, trường hợp nếu không có giấy chứng sinh thì thay thế bằng việc xác nhận của người làm chứng, nếu không có ai xác nhận thì chỉ cần sự cam đoan về việc sinh con là có thật. Thời hạn đăng ký khai sinh cũng tăng lên 60 ngày so với 30 ngày như hiện nay.

Điều quan trọng nữa là bản chính của giấy khai sinh sẽ được cấp lại trong trường hợp bị mất, hư hỏng hoặc ghi chú quá nhiều nội dung thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, chứ không phải chỉ được cấp một lần như hiện nay.

Tuy nhiên, để tránh việc cấp giấy khai sinh một cách tuỳ tiện, thì việc cấp lại giấy khai sinh sẽ do Sở Tư pháp đảm nhiệm.

Việc đơn giản hoá thủ tục, giấy tờ trong đăng ký hộ tịch sẽ được quy định như thế nào, thưa ông?

Theo dự thảo của Nghị định mới thì thủ tục, giấy tờ cũng được đơn giản hoá rất nhiều, nhằm bỏ bớt một số loại giấy tờ không cần thiết mà người dân phải nộp hoặc xuất trình khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch.

Ví dụ: Khi đi đăng ký hộ tịch, nếu cán bộ tư pháp biết rõ về nhân thân, tình trạng cư trú của đương sự thì không yêu cầu xuất trình chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng sinh, giấy chứng nhận kết hôn.

Bỏ luôn quy định xuất trình giấy khai sinh trong đăng ký kết hôn và bỏ thủ tục niêm yết thông báo đăng ký kết hôn; Bỏ quy định về đơn trong đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn; Bỏ đơn xin nhận con nuôi và biên bản giao nhận con nuôi trong đăng ký việc nhận con nuôi.

Rút ngắn thời gian giải quyết các việc hộ tịch, theo đó từ 7 ngày như hiện nay xuống còn 5 ngày, trong trường hợp phức tạp cần xác minh thì tăng thêm 5 ngày nữa.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định mới sẽ cho phép người dân được uỷ quyền cho người khác thực hiện các quyền đăng ký hộ tịch (trừ việc đăng ký kết hôn và cho nhận con nuôi), cho phép cha mẹ nuôi được ký tên mình vào trong sổ đăng ký khai sinh và giấy khai sinh với tư cách là cha mẹ đẻ.

Việc đăng ký, thay đổi, cải chính hộ tịch (bao gồm thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày tháng năm sinh…), đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh, thì theo Nghị định mới việc này được phân cấp cho UBND xã, phường giải quyết.

Cho phép người có yêu cầu xin cấp các bản sao về hộ tịch được gửi yêu cầu và nhận kết quả thông qua đường bưu điện.

Xin ông cho biết việc phân cấp và trách nhiệm của cán bộ hộ tịch?

Theo quy định hiện hành thì các việc hộ tịch thuộc thẩm quyền cấp tỉnh giải quyết như: đăng ký lại các việc sinh, tử, đăng ký việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, vấn đề có yếu tố nước ngoài... thì theo dự thảo mới các việc hộ tịch trên đều giao cho Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Tư pháp trực tiếp ký thay vì Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND cấp tỉnh ký.

Điều này sẽ đơn giản hoá thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các giấy tờ liên quan đến hộ tịch.

Ngoài ra, quy định rõ trách nhiệm của cán bộ Tư pháp hộ tịch cấp xã đối với những sự kiện hộ tịch phát sinh trên địa bàn xã, phường, thị trấn mà không được đăng ký.

Trách nhiệm của cán bộ hộ tịch trong việc tuyên truyền để người dân đi đăng ký. Bộ Tư pháp đang xây dựng kế hoạch chuẩn hoá cán bộ hộ tịch cấp xã, phường, trong đó sẽ có đề cập đến trách nhiệm của người thi hành nhiệm vụ trong trường hợp để xẩy ra việc trẻ em sinh ra không được khai sinh trên địa bàn.

Trường hợp cán bộ hộ tịch sách nhiễu hoặc không làm tròn nhiệm vụ sẽ bị xử lý theo pháp lệnh cán bộ công chức.

Xin cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.