Nguyên Phó Ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Đình Hương:

Trẻ hóa cán bộ để phát triển

Trẻ hóa cán bộ để phát triển
TP - Nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Hương quanh những điểm mới trong công tác nhân sự của ĐH Đảng XI và những vấn đề về dân chủ hóa, trẻ hóa cán bộ trong Đảng.

Ban Tổ chức T.Ư đã có hướng dẫn về công tác nhân sự cấp ủy của Đại hội nhiệm kỳ tới, theo ông có những điểm gì đáng lưu ý?

2010 là năm tiến hành đại hội từ cơ sở để tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc vào đầu năm 2011. Đây là đợt sinh hoạt chính trị rất quan trọng của toàn Đảng. Nhìn lại những khóa đại hội lần trước, tôi thấy lần này chúng ta có hai điểm mới quan trọng.

Thứ nhất là thí điểm bầu bí thư trực tiếp tại đại hội. Thứ hai là khống chế tuổi của chức danh bí thư tỉnh ủy, thành ủy, lãnh đạo Đảng ủy T.Ư là tối đa phải còn 36 tháng công tác. Khống chế như vậy là thể hiện một bước trẻ hóa. Nhiều đồng chí bí thư tỉnh ủy nếu tuổi không còn đủ 36 tháng công tác thì không được xem xét.

Giới thiệu người trẻ tham gia cấp ủy đã được nói nhiều tại các kỳ đại hội, theo ông công tác này đã thực sự đạt được mục tiêu như mong muốn?

Từ đại hội V, chúng ta đã nói đến việc phải trẻ hóa cán bộ. Tôi nhớ từ khóa V đã làm gay gắt. Chúng ta phải trẻ hóa kết hợp với kế thừa. Đại hội X đã trở lại việc có Ủy viên T.Ư dự khuyết, đưa những cán bộ trẻ vào. Tôi cho rằng, đây chỉ là bước đầu.

Trước đây, có những người gần 60 tuổi rồi vẫn trúng bí thư. Thực tế, việc trẻ hóa cấp ủy chậm, khó khăn do chúng ta chưa làm chặt chẽ việc khống chế tuổi. Bởi thực tế có ai muốn thôi cấp ủy đâu, gần 60 tuổi nhưng vẫn cho mình đủ sức khỏe, đủ tín nhiệm để ở lại.

Kinh nghiệm làm tổ chức nhiều năm, theo ông điều gì khiến người trẻ khó vào cấp ủy?

Điều này cũng dễ hiểu bởi không ai muốn rút cả. Ở mình ít người xin từ chức, chỉ có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ thôi. Bầu không trúng thì chịu nhưng nói họ rút ra để nhường cho người khác là khó.

Quy định là 60 tuổi nghỉ hưu, nhưng có người vẫn xin ở lại vài năm nữa. Có chủ tịch HĐQT một tổng Cty nhà nước ngành xây dựng gần 70 tuổi. Do vậy, mình không giải quyết dứt điểm thì khó cho lớp trẻ lắm. Đã có quy định là phải thực hiện nghiêm việc khống chế độ tuổi. Có như vậy, bắt buộc phải tìm người trẻ.

Phải đánh giá nửa nhiệm kỳ

Ông đánh giá gì về năng lực tham gia cấp ủy của người trẻ?

Cán bộ trẻ phải giao việc cho họ thì mới biết họ có tài hay không. Bây giờ không giao việc thì làm sao biết họ có tài. Muốn đưa lớp trẻ lên phải có hai cơ chế: Khống chế tuổi và xác định tỷ lệ trẻ trong cấp ủy.

Trẻ hóa cán bộ để phát triển ảnh 1Thời tôi còn làm đã được Bộ Chính trị chỉ thị đi chọn cán bộ trẻ tại cơ sở. Từ bí thư huyện một số đồng chí vào T.Ư khi tuổi mới trên 30, sau đó gần 50 tuổi vào Bộ Chính trị và sau này làm lãnh đạo chủ chốt của đất nước. Trong Đại hội XI này, tôi đề nghị cần đưa người trẻ vào Bộ Chính trị. Theo tôi, bí thư huyện nên dưới 40 tuổi, bí thư tỉnh nên 45- 50 tuổi thì mới có cán bộ T.Ư trẻ, cán bộ kế cận.Trẻ hóa cán bộ để phát triển ảnh 2 - Ông Nguyễn Đình Hương.

Theo tôi nên có cơ chế đánh giá nửa nhiệm kỳ, chứ không nên để đến cuối nhiệm kỳ mới đánh giá. Hiện nay như chức vụ thứ trưởng có nhiệm kỳ đâu, ông cứ làm đến hết tuổi thì thôi, trừ trường hợp bị kỷ luật.

Do vậy, nửa nhiệm kỳ cần đánh giá lại, cần thiết thì bỏ phiếu tín nhiệm thì mới có cơ hội cho người trẻ. Anh giỏi thì anh thể hiện đi, chứ không thể cứ bình bình, không có thành tích gì, không bị kỷ luật nghiêm trọng là ngồi hết tuổi thì về. Ngoài ra, trong cán bộ phải có cạnh tranh nhau, thi thố tài năng.

Từng trực tiếp lựa chọn người trẻ vào cấp ủy, theo ông, việc lựa chọn đó có khó khăn lắm không?

Cũng cần có thời gian. Kinh nghiệm của tôi là phải dân chủ. Khi đến một tỉnh để tìm một bí thư huyện vào T.Ư anh phải nghe nhiều nơi, nhiều phía. Kể cả nghe những người phản bác ứng cử viên đó. Bởi vì, làm khoa học, nghệ thuật thì dễ đánh giá để tôn vinh, nhưng đánh giá một con người khó vô cùng.

Có thực tế, chúng ta đề ra số cán bộ trẻ trong cấp ủy phải chiếm 15% nhưng nếu đại hội xong không đạt thì cũng không ai bị kỷ luật vì việc này cả, thưa ông?

Quan trọng là chỉ đạo ban đầu. Phải đưa vào danh sách những người trẻ, còn ra đại hội bầu không đạt là một lẽ. Ví như Hà Nội, trong quy hoạch anh phải chuẩn bị, người trẻ đó sẽ nắm cương vị gì, bí thư huyện, tổng giám đốc… sau đó đưa ra đại hội. Kinh nghiệm ở đại hội cho thấy một đơn vị mà đưa hai người vào để bầu là khó trúng vì phân tán phiếu. Do vậy, nếu muốn đưa người trẻ vào cấp ủy thì chỉ giới thiệu một người thôi.

Đây là nghệ thuật trong công tác tổ chức. Cán bộ trẻ sẽ tạo động lực rất tốt. Nó sẽ tạo tiền đề khẳng định lớp trẻ làm được. Lớp trẻ tiếp thu được cái mới, dám đổi mới.

------------------

 (Còn nữa)

 Hà Nhân (thực hiện)

MỚI - NÓNG