Hội nghị trao đổi kinh nghiệm quản lý đô thị 6 thành phố:

Trên 300 ngàn tỷ đồng cho giao thông, lấy ở đâu ?

Trên 300 ngàn tỷ đồng cho giao thông, lấy ở đâu ?
Các ý kiến của 6 thành phố lớn : Hà Nội, thành phố HCM, Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và một số Bộ ngành tại Hội nghị chủ yếu xoáy đến  “sức ép” trong phát triển đô thị...

Phát triển đô thị, tăng dân số quá nhanh, trong khi hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội lại tiến triển ì ạch...Nhiều đô thị phát triển “méo mó”, “dị dạng”... Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đến dự và chỉ đạo hội nghị.

Trên 300 ngàn tỷ đồng cho giao thông, lấy ở đâu ? ảnh 1
Ở các đô thị lớn, xây dựng các chung cư cao tầng ở vùng ven là biện pháp hữu hiệu giảm mật độ dân cư trong nội thành.                               Ảnh: Phạm Yên

“Đói” tiền hay “neo” cơ chế !

Trong lúc các khu đô thị đua nhau mọc lên như nấm, thì các dự  án hạ tầng lại tiến chậm như rùa tại các thành phố đặc biệt là tại Hà Nội và TP HCM. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Việt Tiến cho biết, nhu cầu về vốn để phát triển hạ tầng của 2 thành phố này trong 10 năm (2001 đến 2010) là 314.000 tỷ đồng (Hà Nội 80.000 tỷ đồng và TP HCM 234.000 tỷ đồng).

“Đường vành đai 3 chỉ vì thiếu 1.200 tỷ đồng GPMB mà chậm hàng năm nay” - ông Tiến nói. Hàng loạt dự án: Đường vành đai 1,2,3,4; Cầu Long Biên, Nhật Tân, đường xe điện Yên Viên- Ngọc Hồi; Hà Nội- Hà Đông đang khát vốn.

Và Hà Nội chưa hoàn thành được bất cứ đường vành đai nào. Tương tự TP HCM cũng có nhiều dự án cần được xây dựng: Vành đai 1,2,3,4 và đường đô thị vệ tinh...

Đô thị phát triển, phương tiện giao thông tăng chóng mặt:  Hà Nội có 1,2 triệu xe máy; 112.000 ô tô; TP HCM con số này gấp đôi. Trong khi đó, đường thiếu và hẹp, xe buýt mới đảm nhận được 15% nhu cầu đi lại (tại Hà Nội) và 5-6% (tại TPHCM).

“Với tình trạng này, trong vài năm tới tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP HCM sẽ vô phương cứu chữa”-ông Tiến cảnh báo!

Vậy nhưng số tiền này lấy đâu ra? Dùng vốn từ quỹ đất! Nhưng đến lúc đất cũng hết! Trong khi vốn thì vẫn cần. Giải pháp tạo vốn chính là “cơ chế”: Huy động vốn từ doanh nghiệp, và đặc biệt là khoản đóng góp từ dân. “TP HCM đã thành công trong việc để doanh nghiệp xây dựng đường theo hình thức BOT”-Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết.

Tại Đà Nẵng, trong vài năm qua, dân đã đóng góp gần 800 tỷ làm hạ tầng. Hơn thế, cơ chế “ Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã giúp Đà Nẵng thực hiện GPMB 61.000 hộ dân trên tổng 180.000 hộ dân của toàn thành phố,  thực hiện thành công nhiều dự án hạ tầng cơ sở...

Ông Tiến khuyến nghị: Người dân thành phố có thu nhập cao, được hưởng phúc lợi xã hội nhiều thì phải đóng góp cao. Ví như việc tăng phí đỗ xe trong thành phố, thu phí 300 USD/xe khi đăng ký xe máy và 3000 USD với ô tô khi đăng ký... Chỉ thực hiện được việc này, các thành phố có thể thu hàng chục triệu USD/năm để đầu tư vào hạ tầng giao thông...

Quy hoạch: “đi sau một bước”!

Làng Ngọc Hà, vài năm trước là làng Hoa. Bây giờ đất trồng hoa đã thành phố! Cho dù chỉ cách Hội trường Ba Đình vài trăm mét, song cư dân ở đây vẫn chưa thể tiếp cận được với các hạ tầng kỹ thuật  mà đáng lẽ một đô thị hiện đại phải có.

Những ngôi nhà kiến trúc lai căng của châu Âu,  Mỹ mọc  sát bên những mái ngói cổ, những trụ đình rêu phong. Đường: xe máy tránh nhau còn khó, mưa là ngập... rồi vấn đề nước sạch, y tế, trường học... đang là sức ép của đô thị này.

Hàng trăm ngôi làng như làng Ngọc Hà đang cùng số phận. Thế nhưng các “ đô thị” này lại đang bị “bỏ quên”! từ khâu quy hoạch, quản lý quy hoạch! Nếu như được quy hoạch tốt, các làng cổ Hà Nội sẽ tạo được bản sắc riêng cho đô thị Thủ đô.

Hà Nội đã xác lập được 180 khu đô thị với quy mô đất khoảng 2.500 ha. Riêng năm 2004 Hà Nội xây dựng được 1,4 triệu m2 nhà ở. Nhiều khu đô thị mới làm thay đổi bộ mặt Thủ đô.

Tuy nhiên, ông Tô Anh Tuấn, Phó GĐ Sở QHKT Hà Nội thừa nhận, các đô thị của Hà Nội mới phát huy tác dụng trong không gian đơn lẻ. Tính liên kết, tính đồng bộ còn rất hạn chế. Chất lượng công trình nhiều dự án còn thấp. Cao hơn, bản sắc không gian kiến trúc của đô thị Hà Nội chưa có...

Ông Tuấn cho hay, đến nay Hà Nội đã có quy hoạch chi tiết của tất cả quận,  huyện. Vậy nhưng quy hoạch chủ yếu vẫn mang tính định hướng. Có quy hoạch hoặc phải điều chỉnh khi thực hiện, hoặc có để có, không thể thực hiện được.

Việc quản lý quy hoạch xem ra quá khó. Hàng ngàn hộ dân sống trong vùng “quy hoạch treo”. Đặc biệt, trong quy hoạch đô thị các các thành phố hiện diện tích đất dành cho giao thông còn quá ít: 4-6% đất đô thị, trong khi yêu cầu là 20-25%. Quy hoạch nơi thừa, nơi thiếu.

Thành phố HCM hiện có gần 2 triệu/6 triệu công dân chưa có hộ khẩu. Nhiều khu đô thị, thực ra là khu nhà ở được người dân tự ý xây dựng, mua bán,  trên đất nông nghiệp, đất công. Quy hoạch đôi khi phải đi sau.

Ông Chủ tịch UBND thành phố  Huế đưa ra con số khá bi quan: 700 nhà vườn ở các phường Vỹ Dạ, Kim Long, Thuỷ Biều..., các đô thị cổ như: Gia Hội, Chợ Dinh, Bao Vinh đang bị biến dạng, suy giảm giá trị kiến trúc và không gian văn hoá.

Hay như kinh thành Huế hiện đã phải chứa 62.000 công dân trong khi định hướng quy hoạch của khu này đến năm 2005 chỉ 45.000 người. Nếu không có quy hoạch tốt không biết đô thị Huế sẽ về đâu?...Kinh nghiệm về quản lý đô thị tại các thành phố xem ra còn quá...ít!

Ông Lê Quý Đôn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội:

160.000 người không có hộ khẩu Hà Nội sẽ được xem xét cấp sổ đỏ

Hai đối tượng không có hộ khẩu Hà Nội sẽ được thành phố Hà Nội xem xét cấp sổ đỏ là: Những người được thừa kế, cho tặng, thực hiện bản án. Dạng tiếp theo là đối tượng mua nhà đất đã có sổ đỏ.

Số này sẽ được cấp sổ đỏ nhưng phải có điều kiện: Có đăng ký tạm trú ít nhất là 5 năm; làm việc ổn định và được đơn vị chủ quản xác nhận và có nộp bảo hiểm liên tục trong 3 năm.  Số trường hợp này của Hà Nội hiện có khoảng trên 160.000.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.