Trên chuyến tàu Tiền Phong

Phạm Xuân Nguyên. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Phạm Xuân Nguyên. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
TP - Công việc dịch thuật gần bốn chục năm qua của tôi đã được đánh dấu qua bản dịch được đăng đầu tiên trên trang báo Tiền Phong như vậy.

1. Trưa ngày mồng một tết Bính Thìn (1976) có một chàng trai bước xuống sân ga Hải Phòng. Chàng đi từ Hà Nội, nơi chàng đang là sinh viên năm thứ nhất khoa Ngữ văn, Đại học Tổng Hợp. Cái tết đầu tiên của đời sinh viên chàng đã không về quê Hà Tĩnh mà chọn xuống đất cảng. Điều gì đã khiến chàng làm vậy? Đứng trên sân ga vắng vẻ ngày đầu năm chàng đưa mắt nhìn quanh như tìm kiếm ai. Vẻ mặt chàng trông vừa hồi hộp vừa lo lắng. Rồi chàng dợm bước định bước ra phía cổng ga. Vừa lúc đó một cô gái bước tới chàng với một tấm ảnh cầm trong tay nói: - Anh có phải là...? Em là Minh, em gái chị Tuyết. Chị em nhờ em cầm tấm ảnh này ra ga đón anh. Chàng trai cười vui vẻ cầm lái chiếc xe đạp đi theo sự chỉ đường của cô em gái trong cái thành phố được gọi là hoa phượng đỏ mà chàng lần đầu đặt chân đến. Theo từng vòng bánh xe lăn chàng nhớ lại...

Chuyện là thế này.

Đầu năm 1975, giữa những ngày bận rộn cho năm học cuối cấp ba, chàng bỗng đọc được trên báo Tiền Phong một cái bài ngồ ngộ... Tiền Phong là một trong vài tờ báo chàng được cha đặt đều kỳ cho đọc. Bài báo đó ở trong mục "Alô, Tiền Phong đây" chuyên giải đáp những băn khoăn, thắc mắc cho các bạn đọc trẻ. Chàng đọc và thấy đó là một bức thư của một nữ sinh hỏi Tiền Phong liệu có tình bạn giữa nam và nữ không vì nam nữ dễ có tình yêu. Mà khi tình yêu không thành thì khó thành tình bạn.

Dưới bức thư đề tên người gửi: Hương Giang, 20B Từ Vũ, Chợ Con, Lê Chân, Hải Phòng. Đọc xong, chàng thấy hay hay, liền theo địa chỉ ấy gửi một lá thư đi cho cô gái có tên Hương Giang. Trong thư chàng vận hết khả năng của một học sinh giỏi văn cấp tỉnh để biện luận cho việc có tình bạn đẹp giữa nam nữ mà không phải là tình yêu và ngay cả khi tình yêu có nhưng không thành. Thư viết bằng bút mực trên giấy pơ-luya cho vào phong bì dán tem bỏ thùng thư bưu điện thị xã Hà Tĩnh. Gửi thư rồi chàng hồi hộp đợi từng ngày mong thư lại. Nỗi đợi chờ khiến chàng nhiều khi tự diễu cợt mình ngây thơ, khờ dại. Nhưng rồi một ngày bỗng có một lá thư đến chàng với tên người gửi và địa chỉ đúng từ đất Cảng. Cô gái có tên Hương Giang trong thư đã vui vẻ đáp lại những lời trao đổi của chàng. Từ đó thư đi thư lại đều đặn, hai bên cho nhau biết hoàn cảnh cuộc sống của nhau, gửi ảnh cho nhau. Hương Giang (tên thật là Tuyết) có một cô bạn thân là Phương Hoài (tên thật là Lan) qua thư từ đã kết cùng chàng thành một tổ tam tam. Khi biết chàng đã đậu đại học và sẽ ra Hà Nội nhập học tháng 11/1975, cả hai cô bạn đã quyết định đến tết chàng sẽ phải xuống Hải Phòng trình diện.

…Chàng trai mải mê theo đuổi ý nghĩ của mình cho đến khi chiếc xe đạp dừng lại trước cổng nhà và hai cô bạn bước ra đón chào. Họ ngỡ ngàng nhìn nhau trong niềm vui của những người trẻ tuổi mơ mộng, lãng mạn. 

Một tình bạn đẹp suốt hơn bốn mươi năm qua của tôi đã được mở đầu trên trang báo Tiền Phong như vậy.

Chàng trai đó là tôi. 

Một tình bạn đẹp suốt hơn bốn mươi năm qua của tôi đã được mở đầu trên trang báo Tiền Phong như vậy.

2. Đoàn tàu Thống Nhất từ Sài Gòn ra Hà Nội chạy lúc nhanh lúc chậm trên đường ray. Thời điểm đó đang là mùa hè năm 1980. Trên tàu một anh bộ đội trẻ ngồi im nhìn ngắm cảnh vật lướt qua bên ngoài cửa sổ. Không biết tàu đang chạy qua miền đất nào. Có lẽ sắp đến ga Đà Nẵng. Cũng có lúc anh nhìn mọi người cùng chung chuyến tàu với mình đang chen chúc chật chội trong toa. Anh đang trên đường đi phép về quê ở Hà Tĩnh sau hai năm vào lính khi đang là sinh viên. Thời gian cứ thế trôi nhanh chậm theo hành trình chuyến tàu thời bao cấp. Chợt có người bán báo dạo qua lại trong toa. Anh bộ đội gọi mua một tờ Tiền Phong. Mở báo ra anh chậm rãi đọc từ trang đầu trở đi, nhẩn nha không bỏ sót tin bài nào, cốt để quên đi thời gian lê thê ngồi tàu. Đến trang cuối anh đọc một bài dịch kể chuyện một vận động viên nhảy sào Liên Xô bị tai nạn gãy chân tưởng đã phải vĩnh viễn giã từ thể thao. Nhưng nghị lực quyết tâm đã giúp người vận động viên ấy vượt qua được chấn thương để có mặt tại ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh tổ chức chính tại nước mình - Olympic Moskva 1980. Anh đọc một cách bình thường cho đến tận cuối bài thấy đề tên mình dịch từ tiếng Pháp thì giật mình ngỡ ngàng.

Và anh nhớ lại...

Đợn vị anh đóng ở Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Những ngày nghỉ được phép ra khỏi doanh trại anh thường đến đường Đồng Khởi ghé vào các tiệm sách báo. Bên trong bộ quân phục khoác lên người giữa chừng đời sinh viên, ở anh vẫn nguyên vẹn niềm say mê sách đọc. Một sáng chủ nhật sau khi đã vào mấy tiệm sách nhìn ngắm mê mải và nâng lên đặt xuống các cuốn sách mà tiền phụ cấp hàng tháng của lính không đủ để mua, anh bỗng thấy ở một quầy báo có cuốn tạp chí "Lettres Soviétiques: Oeuvres et Opinions" ("Văn học Xô viết: Tác phẩm và Dư luận"). Cầm lên đọc lướt qua mấy đề mục bài anh đã có ý thích. Đọc tiếp đến cuối sách anh thấy có bài viết thể thao về một vận động viên nhảy sào Liên Xô vượt qua tai nạn để vươn tới chiến thắng. Lập tức anh nảy ra ý nghĩ sẽ dịch bài viết này gửi đăng báo, biết đâu được đăng và có nhuận bút. Bởi đây đang là năm 1980 và Thế vận hội sắp diễn ra ở Moskva, một bài dịch như thế chắc dễ đăng. Nghĩ thế anh hỏi người bán giá cuốn tạp chí và khi nghe nói là 1,2 đồng thì anh liền mua ngay. Mấy ngày sau dịch xong anh đem gửi cho báo Tiền Phong với lý do đơn giản đó là tờ báo cho thanh niên mà anh đã quen đọc từ nhỏ. Bài viết này gửi báo này là hợp. Trong thư anh ghi đầy đủ họ tên và hòm thư đơn vị, ngoài phong bì đề địa chỉ của báo ở 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội. 

Thư gửi đi anh có chờ mong một thời gian, tuần nào cũng lên thư viện đơn vị xem báo Tiền Phong đã về chưa. Nếu đã có báo thì hồi hộp mở ra xem bài có được đăng, hoặc giả trong hộp thư toà soạn có nói đã nhận được không. Chờ mãi không thấy gì trên báo và cả hồi âm của toà soạn, anh thấy buồn, nghĩ là chắc thư không đến nơi nhận. Cũng có thể toà soạn đã nhận được bài nhưng thấy nội dung không hay hoặc lời dịch còn vụng nên không dùng. Thế rồi đời lính bận rộn khiến anh quên luôn việc mình đã lần đầu tiên gửi đi một bản dịch của mình cho một tờ báo. Cho đến lúc này trên chuyến tàu về phép anh bất ngờ thấy nó trong tờ Tiền Phong mình đang cầm trên tay. Lòng anh rung lên một niềm phấn khích vô bờ hoà cùng nhịp rung con tàu đang đưa anh về quê nhà.

Khi trở lại đơn vị một thời gian sau anh nhận được giấy báo nhận nhuận bút bài dịch. Số tiền nhuận bút là 12đ, gấp mười lần tiền mua cuốn tạp chí. Khỏi nói anh đã vui đến thế nào. 
Anh bộ đội đó là tôi. 

Công việc dịch thuật gần bốn chục năm qua của tôi đã được đánh dấu qua bản dịch được đăng đầu tiên trên trang báo Tiền Phong như vậy.

Saigon  30/10/2018

Đôi điều về gã đầu bạc Phạm Xuân Nguyên

Sở hữu mái tóc trắng cước buông xõa ngang vai nhưng cụ mới 58 tuổi (tuổi Thân, sinh năm 1956) tại  Hà Tĩnh. Nhỏ đi học luôn ở trong đội tuyển học sinh giỏi môn văn và toán, năm Lớp 6 và Lớp 10, giải nhất về môn văn ở Hà Tĩnh.

Rất có khiếu ngoại ngữ. Học chuyên toán ở Trường cấp 3 Phan Đình Phùng tại Hà Tĩnh, mới được làm quen với tiếng Nga. Năm 1975, thi đỗ khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, thời gian này mượn giáo trình tiếng Pháp của bạn tự học thêm. Năm 1978, đang học Đại học, Phạm Xuân Nguyên (PXN) đi bộ đội, thời gian này tự học thêm tiếng Nga và Anh. Đến năm 1982, ra quân. Năm 1983, tốt nghiệp Cử nhân và về Viện Văn học từ năm 1984. Từng là Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Hà Nội. Cộng tác viên thân thiết về mảng phê bình, dịch thuật của nhiều tòa soạn báo trong đó có Tiền Phong.

Dịch giả Ngân Xuyên (PXN cho hay có tên ấy là do thói quen người Khu Tư nói lái từ Xuân Nguyên) dịch thành thạo sang tiếng Việt từ tiếng Nga, Pháp, Anh. Phạm Xuân Nguyên dịch thơ, dịch truyện ngắn, tiểu thuyết, dịch lý thuyết, nghiên cứu với nhiều ấn phẩm nổi tiếng từ các tác giả, Milan Kundera (nhà văn Czech), Haruki Murakami (nhà văn Nhật Bản), Jean-François Lyotard (nhà triết học Pháp)...  Nhưng lạ cái, không nói được một câu giao tiếp thông thường nào bằng ba thứ tiếng ấy! Chiêm ngắm những ấn phẩm tày tặn chất lượng về phê bình, dịch thuật cứ tưởng PXN tầm cỡ GSTS nhưng đến nay vẫn trần sì hàm cử nhân. Người ta nói vui ở Viện Văn học chỉ có 2 người không có hàm Tiến sĩ là bà hàng nước cổng Viện và PXN. Và ngạc nhiên chưa, PXN vẫn chưa phải là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam có lẽ cho đến giờ PXN vẫn chưa chịu đứng tên riêng một cuốn sách nào cả? Uyên bác, thông minh, lịch lãm, hiệu suất làm việc cao nhưng mỗi tội ham đi không chịu ngồi lỳ chỉ ít buổi chỉ để kê biên lại cho có hệ thống vài công trình nghiên cứu. Không hay chưa có sách là rứa!

Nói nhỏ chút, ngay hai mẩu trên đây tôi cũng phải mò vào tận Saigon áp tải ra. Nghĩa là phải ốp lão chịu ngồi lỳ một chốc với chiếc Ipad.

Xuân Ba
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.