Triệt phá băng nhóm phá rừng “Năm Cam”

Triệt phá băng nhóm phá rừng “Năm Cam”
Gần 60 cán bộ, chiến sĩ công an chia làm 3 mũi giáp công đã đánh vào tận sào huyệt của băng nhóm phá rừng lớn nhất Quảng Ngãi. Vụ án hé mở những khuất tất về tình trạng khai thác gỗ trái phép ở Sơn Hà ngang nhiên tồn tại từ nhiều năm qua…

Sau khi báo Tiền Phong phản ánh tình trạng phá rừng đang diễn ra phức tạp ở huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, trong 2 ngày 26, 27/7, gần 60 cán bộ, chiến sỹ Công an Quảng Ngãi, chủ công là Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, đã triệt phá nhóm lâm tặc chuyên khai thác, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép lớn nhất tỉnh từ trước đến nay.

Ba mũi giáp công

Đêm 26/7, mọi hoạt động của Huỳnh Ngọc Tú (SN 1969), thường trú ở phường Trần Phú, thị xã Quảng Ngãi và chiếc ô tô tải mang biển kiểm soát 76K – 2629 do y điều khiển được đưa vào tầm ngắm của lực lượng Công an.

Cơ quan Công an đã bắt 4 đối tượng Chiên, ấn, Lực và Tú để tiếp tục điều tra làm rõ. Thượng tá Đỗ Thành Lê cho biết: Về cơ bản việc triệt phá chuyên án 705C đã thu được nhiều thắng lợi, các yêu cầu đặt ra đều đạt được. Những khuất tất đằng sau vụ án này sẽ được gấp rút làm rõ trong thời gian tới. Những cá nhân có liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình…

Đúng như phương án đã định, 22 giờ chiếc xe bắt đầu nhằm hướng Sơn Hà thẳng tiến. 23 giờ đến “bãi”. Quá 0 giờ ngày 27/7, chiếc xe đã “ăn” đủ hàng và xuôi về thị xã Quảng Ngãi.

Tiếng máy ầm ầm xua tan sự tĩnh mịch của đêm miền núi. Qua Trạm kiểm lâm Sơn Hạ, chiếc ô tô chở đầy gỗ nhẹ nhàng đi qua, tuyệt nhiên không gặp trở ngại nào. Mọi chuyện như đã quá quen thuộc.

Đến ngã 3 Tịnh Bắc (Sơn Tịnh), ô tô rẽ hướng Tịnh Trà rồi bon nhanh ra hướng giáp ranh Quảng Ngãi-Quảng Nam. Đúng lúc đó, lực lượng công an ập đến, Huỳnh Ngọc Tú buộc phải ký vào biên bản bắt quả tang về hành vi “vận chuyển gỗ trái phép”. Tang vật thu giữ là 9,53 khối gỗ chò nâu.

Mặt trời vừa ló, mũi trinh sát thứ 2 do Thượng tá Đỗ Thành Lê, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, chỉ huy đã tiến hành kiểm tra hành chính, thực hiện lệnh bắt khẩn cấp Đinh Du Chiên (SN 1959), người dân tộc H’rê, thường trú ở thôn Cà Đáo, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà.

Khám người Chiên, trinh sát thu giữ 1 tép heroin và 29 triệu đồng. Tại xưởng cưa của Chiên, lực lượng Công an lập biên bản tạm giữ trên 10 khối gỗ lim, dổi và chò đã được xẻ thành phẩm, kê biên 2 ô tô tải và nhiều tài sản khác.

Cùng thời gian này, một mũi trinh sát khác, do Trung tá Phạm Vinh, Phó phòng Cảnh sát điều tra chỉ huy, với sự yểm trợ của 40 chiến sỹ cảnh sát cơ động và công an huyện Sơn Hà đã bất ngờ tập kích hang ổ của bọn lâm tặc.

Hàng trăm người chạy tán loạn. Lực lượng công an chỉ kịp bắt giữ tên Triệu Huy Lực (SN 1969), quê ở Nam Định cùng một nhóm thanh niên người dân tộc. Lực là một trong 4 tên đàn em của Chiên được “đặc cách” vào chỉ huy các “thợ xẻ”  để khai thác gỗ.

Tại đây, 32 xe Honda cũng bị tạm giữ. Hiện trường để lại là cả vạt rừng nguyên sinh đã bị san phẳng. Những cây gỗ chò lớn đến 2 người ôm ngã la liệt. 10 lán trại còn nghi ngút khói nấu ăn sáng.

Gỗ được xẻ thành những tấm lớn vung vãi khắp nơi. Tại bãi tập kết, gần 10 khối gỗ lim, chò đang chờ được chuyển ra khỏi rừng. Lúc đó là 8 giờ ngày 27/7/2005, tại rừng Nước Nia, huyện Sơn Hà.

Bọn lâm tặc có dấu hiệu được “bảo kê”

Kẻ cầm đầu tổ chức khai thác, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép quy mô ở Sơn Hà được xác định là Đinh Du Chiên, một con nghiện ma túy, một “đại ca”, một ông trùm ở huyện miền núi này.

Trong lý lịch trích ngang của mình, Chiên ngông nghênh ghi biệt danh là “Năm Cam”, nghề nghiệp là “lâm tặc”. Chiên có 3 người vợ. Người vợ thứ 3 là Nguyễn Thị ấn, hơn Chiên 6 tuổi, là một trong những cánh tay đắc lực của Chiên.

Uy lực của Chiên ở Sơn Hà làm lực lượng công an cũng phải giật mình: Mọi người dân ở đây, kể cả cán bộ thị trấn, cán bộ huyện đều biết hành vi phạm pháp của Chiên nhưng không ai dám tố cáo.

Xe gỗ nào Chiên đã “hỏi” thì không ai được mua hay trả giá khác. Thậm chí ngay khi Chiên đã bị bắt, lực lượng công an thuê nhân công và phương tiện để chuyển gỗ ra khỏi rừng thì cũng không một ai dám làm.

Bước đầu Chiên khai chỉ “làm gỗ” từ đầu năm đến nay, nhưng một số cuốn sổ ghi chép được thu ở rừng Nước Nia (trong lán của Lực) thể hiện là Chiên “làm gỗ” từ khi mở xưởng cưa, tức hơn 10 năm về trước.

Thế nhưng những hành vi vi phạm của Chiên vẫn được thực hiện một cách dễ dàng, trót lọt, “uy tín” của Chiên ngày một tăng.

Khi tình trạng khai thác rừng ở Sơn Hà bị các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin thì hầu hết câu trả lời của các cơ quan chức năng ở đây “là do người dân đốt rừng làm rẫy trồng mì, có phá thì chỉ chặt rừng tràm chứ không có lâm tặc nào đâu”.

Thống kê chưa đầy đủ, mỗi ngày có không dưới 10 khối gỗ quý của rừng Nước Nia bị Chiên và đồng bọn khai thác, đưa ra khỏi rừng. Chiên chỉ đạo 4 đàn em là Lực và Bình, Hiền, Rong (3 tên này đã bỏ trốn), mỗi tên chỉ huy thường xuyên 10 – 15 thợ xẻ làm lán trại ở hẳn trong rừng để khai thác gỗ.

Hằng ngày Chiên cung cấp lương thực, thực phẩm vào, đồng thời chỉ đạo luôn việc khai thác gỗ vào hôm sau, tùy thuộc vào đơn đặt hàng. Những cây gỗ lớn sau khi được hạ thì xẻ thành những súc gỗ dài 2 mét, bề ngang càng lớn càng tốt rồi tựa vào địa thế vách núi đứng mà thả xuống.

Hầu hết gỗ đều được thả dọc theo suối Nước Nia. Chiên, Lực tiếp tục thuê nhân công dắt theo dòng nước về bãi tập kết. Đến đây Chiên sẽ mang xe vào chở về. Chiên sở hữu 2 xe gồm xe cẩu mang BKS 92K – 0709 và ô tô tải 76K – 0429 để chuyên làm việc này.

Gỗ được chuyển về xưởng và chế biến tại đây rồi mới đưa đi tiêu thụ, chủ yếu ở Đà Nẵng, một phần nhỏ đưa về thị xã Quảng Ngãi. Chính việc khai thác tận gốc, tiêu thụ tận ngọn như thế đã mang lại cho Chiên khoản lợi khổng lồ. Có thể nói đến giờ này Chiên là người giàu có nhất huyện Sơn Hà.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.