Trĩu lòng người vươn khơi

Ngư dân đoàn kết ứng cứu nhau trên biển khi gặp nạn. Trong ảnh tàu QNg 95001 TS của Huỳnh Văn Khanh (xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) cứu 5 ngư dân của tàu QNg 90479 TS bị tàu Trung Quốc đâm chìm cập bờ an toàn.
Ngư dân đoàn kết ứng cứu nhau trên biển khi gặp nạn. Trong ảnh tàu QNg 95001 TS của Huỳnh Văn Khanh (xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) cứu 5 ngư dân của tàu QNg 90479 TS bị tàu Trung Quốc đâm chìm cập bờ an toàn.
TP - Tại Diễn đàn phát triển các mô hình tổ, đội tàu liên kết khai thác xa bờ khu vực miền Trung do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức sáng 19/8 tại Quảng Nam, các ngư dân bày tỏ nhiều nỗi lo từ thiên tai, tàu lạ đâm va khi khai thác đánh bắt trên biển. Do vậy, rất cần lập những tổ đội “4 cùng” để vươn khơi.

Lo từ ngoài biển đến trên bờ

Diễn đàn thu hút 250 đại biểu từ 7 tỉnh miền Trung, trong đó có 180 đại biểu là ngư dân. Ông Huỳnh Văn Tạo (xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam), chia sẻ, thời gian gần đây hoạt động vươn khơi đánh bắt của ngư dân gặp nhiều khó khăn. Ngoài những rủi ro từ thiên tai thì tàu của ngư dân cũng thường xuyên bị tàu lạ đâm va nên ngư dân vẫn chưa yên tâm bám biển. Khi gặp rủi ro, thường thì ngư dân hỗ trợ nhau trên biển ứng cứu kịp thời, nhưng nếu không phải các tàu trong cùng tổ đoàn kết thì tâm lý ngư dân cũng còn e dè lai dắt bởi tổn phí cho một chuyến đi biển rất lớn.

Theo ông Tạo, việc tồn tại các tổ đoàn kết đánh bắt là rất cần thiết, vừa hỗ trợ nhau khai thác, vừa hỗ trợ khi gặp rủi ro. Nhưng hiện vấn đề kinh phí để hoạt động thì rất khó khăn. Cách duy trì hoạt động lâu nay là mỗi chuyến biển thắng thì sẽ trích ra vài trăm ngàn đồng để làm quỹ hoạt động nhưng về lâu dài cần một chính sách hỗ trợ hợp lý để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Một khó khăn nữa của ngư dân là tiếp cận vốn. Ngư dân Nguyễn Văn Giỏi (Điện Bàn, Quảng Nam) chia sẻ, ngư dân rất muốn tiếp cận nguồn vốn từ Nghị định 67 để đóng mới tàu, có tàu lớn để bám biển. Nhưng hai năm nay chạy lên chạy xuống vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn để đóng tàu.

Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định thì cho rằng, một trong những cái khó của ngành thủy sản hiện nay là tìm kiếm nhân lực phục vụ cho đánh bắt xa bờ. Trong 209 tàu mà địa phương đã duyệt đóng (theo Nghị định 67) thì một số vẫn còn băn khoăn chuyện nhân lực. Nhân lực lâu nay chủ yếu theo kinh nghiệm nhưng để khai thác đánh bắt xa bờ với những con tàu lớn, trang bị hiện đại thì trình độ nhân lực đòi hỏi cũng phải nâng cao, đặc biệt việc sử dụng và vận hành tàu vỏ thép.

Phát triển tổ đội “4 cùng”

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác Thủy sản, Tổng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng,  phát triển tổ đội đánh bắt xa bờ là nhu cầu thực tiễn khách quan. Vì khi các đội tàu khai thác xa bờ thì rất nhiều rủi ro như thiên tai, nhân tai, tìm kiếm các ngư trường, nguồn lợi đánh bắt gặp rất nhiều khó khăn... “Một người chỉ là một con mắt trên biển, nhưng hình thành tổ đội sẽ thông tin liên kết với nhau có thể cung cấp đầy đủ các thông tin về tình hình thời tiết, ngư trường, các hiểm họa đang rình rập hay hỗ trợ nhau mang tài sản vào bờ, cứu nạn…”, ông Tuấn nói.

Hiện cả nước có khoảng 30.000 tàu đánh bắt xa bờ. Bình quân 1 năm tăng thêm 1.500 tàu. Đội tàu xa bờ trước công suất chỉ 90 CV đến dưới 200 CV, hiện đã có những con tàu lên đến 1.600 CV, hoạt động trên tất cả vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên trong quá trình phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ đã bộc lộ một số hạn chế đó là mức độ phát triển tự phát, thiếu quy hoạch ngành nghề, đặc biệt là đội tàu nghề lưới kéo phát triển tương đối lớn. Việc phát triển tàu thuyền mới tập trung nhiều vào phát triển công suất và đi ra khơi xa, chưa chú trọng đầu tư theo chiều sâu (như trang bị máy móc, trang thiết bị hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm khai thác, hiệu quả và tính cạnh tranh trong sản phẩm.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, chia sẻ: Trong quá trình đánh bắt trên biển, khi ngư dân gặp rủi ro đợi cơ quan nhà nước cứu hộ sẽ phải chờ một thời gian và có rất nhiều nguy hiểm xảy ra thời gian chờ đợi nên các ngư dân bỏ ngày công, bỏ chi phí ra để giúp nhau, bảo vệ nhau. Tuy nhiên, trong đó nảy sinh vấn đề quyền lợi và lợi ích bị ảnh hưởng. 

Nếu lực lượng cứu hộ cứu nạn của nhà nước cứu giúp thì chi phí Nhà nước lo còn nếu bà con tự cứu nhau, bảo đảm được tính mạng tài sản nhưng cũng tốn kém về  chi phí, về lâu dài thì đó là sự tốn kém mà các tổ viên cũng phải tính toán. Sắp tới đề xuất hỗ trợ chi phí cho bà con để tăng tính tương trợ, hỗ trợ nhau, bảo đảm có hiệu quả kinh tế, hiện diện trên biển Đông góp phần bảo vệ an ninh trên biển. “Hiện nay các quy chế để gia nhập tổ đội chủ yếu là tinh thần tự nguyện, khẳng định bằng tính pháp quy của Nhà nước thì chưa có”. Ông Thắng nói.

Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, xu hướng thành lập tổ, đội theo 4 cùng “cùng nghề, cùng ngư trường, cùng địa bàn cư trú, cùng dòng họ, bạn bè thân thích” là tất yếu. “Đồng thời, việc liên kết tạo nên sức mạnh cộng đồng, phòng chống thiên tai, nhân tai, hỗ trợ nhau trong sản xuất và góp phần bảo vệ biển đảo”, ông Tiêu nhấn mạnh.

Cả nước hiện nay có 3.800 tổ, đội tàu đánh bắt xa bờ, gồm 22.000 tàu với 135.809 lao động, trong đó 8 tỉnh miền trung có 1.235 tổ đội (chiếm 33%).

MỚI - NÓNG