Trò chuyện với Alan Greenspan

Trò chuyện với Alan Greenspan
Trưa 23/6, ông Alan Greenspan, người mà trong suốt hai thập niên từ 1987 đến 2006 có thể gây sụt giảm hoặc tăng vọt ở thị trường chứng khoán Mỹ hay Nhật chỉ bằng một câu nói - bước vào phòng khách sạn nơi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở tại Washington DC.
Trò chuyện với Alan Greenspan ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trò chuyện với ông Alan Greenspan. Ảnh: TTXVN 

Vị cựu chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) - người được mệnh danh là "Ông lạm phát" vì đã đưa nước Mỹ vượt qua những chu kỳ khủng hoảng - gây bất ngờ khi tỏ ra am hiểu tình hình kinh tế Việt Nam.

Hai người đã có cuộc chuyện trò cởi mở.

Alan Greenspan: Tôi sẽ nói về tình hình VN trước. Mỹ nhìn sự nổi lên của VN như một nền kinh tế lớn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tin tưởng VN sẽ giải quyết được những khó khăn hiện tại.

Vấn đề VN đang gặp phải là vấn đề mang tính tác động. Nó bắt nguồn phần nào từ năm 2007, khi dòng vốn đổ vào nhiều, tạo áp lực tỉ giá. Do áp lực như vậy, phải có đầu tư nước ngoài, cả gián tiếp và trực tiếp để giảm áp lực lên đồng tiền.

Tương tự như Trung Quốc, Nga và các nước khác,  VN không thể quản lý được dòng tiền chặt chẽ, biên độ tăng tín dụng quá nhanh, do đó làm nảy sinh nhu cầu nhập khẩu lớn, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất. Giá dầu và lạm phát thế giới cũng tăng nhanh.

VN đang làm đúng

Giải pháp cần có đúng hướng như VN đang làm: giảm chi tiêu ngân sách, giảm tăng trưởng tín dụng của ngân hàng trung ương. Bài học lịch sử, nếu không giải quyết nhanh bằng những biện pháp mạnh, tình hình sẽ lan rộng nhanh, giống như Thái Lan cách đây hơn một thập niên.

Thủ tướng cho biết, cố gắng của Chính phủ làm sao cuối năm 2009 hoặc sớm hơn thì càng tốt sẽ ổn định được tình hình kinh tế vĩ mô. VN cần làm mạnh hơn các biện pháp đó.

Vấn đề lạm phát không mới với VN. Trong 20 năm qua có những lúc VN gặp nhiều khó khăn. Chính phủ cần làm mạnh, co nền kinh tế lại. Khi tình hình ổn định, VN lại có thể mở ra để phát triển nhanh như trước.

VN không có được lợi thế như Nga hay một số nước khi hưởng lợi từ giá dầu tăng cao. Lời khuyến nghị của tôi là Chính phủ nên tiếp tục áp dụng những biện pháp đang làm, nhưng với các tập đoàn lớn, cần có các biện pháp hạn chế họ. Họ mở rộng đầu tư ồ ạt, gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế sức sáng tạo của họ và của cả nền kinh tế.

Về kinh tế toàn cầu, có những điều rất mới trong bối cảnh hiện nay bản thân tôi cũng chưa từng chứng kiến.

Tăng trưởng kinh tế thế giới giảm phân nửa

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Mức tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu năm nay, theo ông, sẽ là bao nhiêu?

Alan Greenspan: Không có con số cụ thể được vì còn quá sớm để đưa ra một kết luận, nhưng tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ còn ở mức 1/2 so với năm trước. Điều này chưa tính tới khả năng phục hồi của các nền kinh tế đang nổi cũng như các tác động lên các nền kinh tế này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Bản thân kinh tế Mỹ như thế nào?

Alan Greenspan: Vấn đề chính của Mỹ là thị trường nhà đất suy giảm với mức chưa bao giờ diễn ra. Giá trị nhà đất ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ.

Hiện tổng giá trị nhà cửa của Mỹ ở mức 20.000 tỉ USD. Nếu giảm 25%, ngay lập tức Mỹ sẽ mất đi khoản tiền 5.000 tỉ USD. Điều này ảnh hưởng lớn đến tiêu dùng của Mỹ, khi 15% chi tiêu của người dân là từ việc mua bán nhà sinh lời, còn 85% tiêu dùng từ nguồn thu nhập.

Khả năng chi tiêu của người dân Mỹ giảm đi, nay chưa giảm lớn, mà lý do được các nhà kinh tế đưa ra là việc lập quĩ hoàn thuế mua sắm, trong hai tháng qua đã chi gần 100 tỉ USD. Người tiêu dùng vẫn thấy lợi từ việc mua bán nên chưa giảm chi tiêu. Tuy nhiên, mọi tính toán về tăng trưởng của kinh tế Mỹ năm sau sẽ bằng 0, không còn ý nghĩa gì.

Kinh tế Mỹ chỉ tăng 1%

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Theo ông, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ năm nay là bao nhiêu?

Alan Greenspan: Năm nay có thể là 1%. Năm sau mức tăng có thể từ 0 đến 1%, thậm chí có thể là tăng trưởng âm. So với năm nay, tình hình cũng có thể khá hơn nhưng mức tăng nếu có cũng không mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Khi nào thì nền kinh tế Mỹ phục hồi?

Alan Greenspan: Kinh tế Mỹ chỉ phục hồi khi chiều hướng suy giảm giá trị nhà đất của Mỹ bị chặn lại. Nếu có, cũng phải cuối năm 2008 đầu 2009 xu hướng đi xuống sẽ chững lại, dần đi vào ổn định.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Giải pháp khắc phục thị trường nhà đất của Chính phủ Mỹ như thế nào?

Alan Greenspan: Chính phủ gần như không làm được gì. Khủng hoảng này thuộc về chu kỳ của thị trường nhà đất. Nhà rao bán quá nhiều, ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường. Giải pháp đặt ra là phải kích thích người mua.

Hiện nay số nhà kê biên của các ngân hàng, chính phủ kê bán quá lớn, chương trình kích thích người mua phải đợi mùa xuân năm sau mới có hiệu quả. Tất nhiên, chính phủ có hỗ trợ cho người dân cần có nhà, trả khoản vay ngân hàng nhưng với số lượng quá lớn, cần thời gian mới có thể giảm số lượng nhà rao bán.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong tương lai ra sao?

Alan Greenspan: Đầu tiên phải giải quyết vấn đề nhà đất, sau đó mới có thể tính đến tăng trưởng. Theo tôi, kinh tế Mỹ phải đến năm 2010 mới phục hồi và tăng trưởng trở lại. Kinh tế thế giới cũng theo chiều hướng như vậy: thị trường bất động sản bùng phát sau đó chững lại, nổ bong bóng. Chờ đợi dấu hiệu tốt từ thị trường bất động sản mới mong kinh tế thế giới phục hồi.

Theo tôi biết, ngay thị trường bất động sản TPHCM cũng đang giảm nhiều.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đúng là giá bất động sản TP.HCM giảm nhiều.

Alan Greenspan: Đó là tình hình toàn cầu.

Nhật tung ngoại tệ cũng không hiệu quả

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Mỹ hiện đang áp dụng chính sách đồng đôla yếu. Theo ông, bao giờ Chính phủ Mỹ sẽ điều chỉnh để đồng USD cân bằng với các đồng tiền khác, trở về giá trị thực?

Alan Greenspan: Hiện nay, gần như các nước đang phát triển đều khó xử lý vấn đề tỉ giá. Số lượng giao dịch các đồng tiền rất lớn. Cách đây 10 năm, chính phủ có thể dùng các biện pháp can thiệp hiệu quả nhưng bây giờ không thể làm thế, với số giao dịch khổng lồ hiện nay.

Ví dụ, Nhật Bản ngay từ năm 2004 đã có lượng dự trữ ngoại tệ lớn. Vừa rồi, Chính phủ Nhật Bản để đối phó với tình hình khó khăn đã tung ra một lượng lớn ngoại tệ nhưng không hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Câu hỏi cuối cùng của tôi, tương lai giá dầu thế giới sẽ như thế nào?

Alan Greenspan: Hiện nay có nhiều yếu tố tác động lên giá dầu, trong đó chủ yếu liên quan đến việc dự trữ và đầu tư. Tiêu thụ tăng nhanh, các nước lại tăng mức dự trữ lớn, đầu cơ về giá. Lượng tăng, sản xuất không đáp ứng được. Như vậy, tiêu dùng, nhu cầu dự trữ tăng, trong khi sản xuất vẫn giữ nguyên, gây áp lực tăng giá. Dòng tiền liên quan đến sản xuất chưa được đầu tư thích đáng cho phát triển hạ tầng, cơ sở sản xuất chế biến dầu.

Khi giá dầu tăng từ 20 USD/thùng lên 30 rồi 40 USD, nhà đầu tư linh cảm ngay, biết câu chuyện tăng giá dầu là câu chuyện dài hơi. Năm 2004, giá dầu đội lên. Các quĩ tài chính, ngân hàng nhảy vào đầu tư dự trữ dầu. Đến nay, tổng lượng dự trữ thế giới khoảng 5 tỉ thùng.

Khi giá dầu thế giới tăng, mức dự trữ đã cao như vậy, người ta tìm cách giảm cầu. Giá dầu sẽ không tiếp tục tăng cao như nhà đầu cơ mong muốn. Xu thế chung giá dầu vẫn tăng, dù có thời điểm khi các nhà đầu cơ xả hàng cắt lãi, giá dầu sẽ đi xuống.

Theo Trần Lệ Thùy
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.