Trở lại cây cầu treo phục vụ hai hộ dân

Lối vào cầu treo dân sinh Khe Tây um tùm cỏ mọc, vẫn không có đường lên cầu sau hơn 1 năm kể từ khi báo Tiền Phong phản ánh. Ảnh: Minh Thùy
Lối vào cầu treo dân sinh Khe Tây um tùm cỏ mọc, vẫn không có đường lên cầu sau hơn 1 năm kể từ khi báo Tiền Phong phản ánh. Ảnh: Minh Thùy
TP - Mặc dù Tổng cục Đường bộ cùng Sở GTVT Hà Tĩnh khẳng định tại cuộc họp ngày 13/8/2015 dự án đường từ cầu treo dân sinh Khe Tây vào các hộ dân đã được UBND tỉnh phê duyệt với kinh phí 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua hai mùa mưa lũ, con đường tránh lũ vẫn đang là khu rừng rậm rạp.

Lỗi hẹn hai mùa lũ

Tháng 8/2015, Tiền Phong có loạt bài phản ánh Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) xây dựng cầu treo dân sinh Khe Tây, xã Sơn Thọ, Vũ Quang (Hà Tĩnh) chỉ để phục vụ hai hộ dân, trong đó có nhà Chủ tịch UBND xã này. Sau khi báo phản ánh,  Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải (tại thời điểm đó) đã chỉ đạo Bộ GTVT khẩn trương kiểm tra, rà soát lại dự án sau bài viết “Xây cầu treo dân sinh phục vụ chủ tịch xã” đăng tải trên báo Tiền Phong. Ngày, 13/8, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, ông Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Sở GTVT, huyện Vũ Quang, xã Sơn Thọ và đông đảo cơ quan báo chí về thực tế tại hiện trường.

Sau khi kiểm tra, ông Cường thừa nhận hiện tại cầu chưa phát huy hiệu quả vì chưa có đường dẫn lên cầu. Tại cuộc họp này, Sở GTVT Hà Tĩnh cùng lãnh đạo huyện Vũ Quang cho biết, dự án đường dẫn lên cầu đã được UBND tỉnh phê duyệt 6 tỷ đồng sẽ làm trong thời gian tới.

Vậy nhưng sau hơn 1 năm, dự án đường 6 tỷ đồng đến nay vẫn dang dở, người dân thôn 6, xã Sơn Thọ muốn đến được cầu treo phải vượt khe, leo núi. Ngày 14/9, PV Tiền Phong trở lại với chiếc cầu treo “tai tiếng” này để tìm hiểu vì sao qua hai mùa lũ người dân vẫn chưa có đường lên cầu. Dừng xe ngay từ đầu cầu, quan sát kỹ con đường đất  vài mét nối từ con đường liên xã vào cầu đã nhận ra chiếc cầu có rất ít người qua lại. Chỉ có vài vết hằn bánh xe đạp trên con đường từ cầu vào nhà ông Chủ tịch UBND xã Sơn Thọ, cỏ hai bên mọc sát vào tâm đường lên cầu.

Trở lại cây cầu treo phục vụ hai hộ dân ảnh 1

Cỏ mọc um tùm quanh khu vực cầu, rất ít người qua lại trên chiếc cầu này. Ảnh: Minh Thùy

Cũng chẳng khác gì cách đây hơn 1 năm khi báo phản ánh, sau khi qua bên kia cầu, con đường  hoành tráng 6 tỷ đồng mà UBND huyện Vũ Quang báo cáo chỉ là khu rừng núi với cây cối mọc um tùm. Con đường đất được UBND huyện Vũ Quang chỉ đạo UBND xã Sơn Thọ đào vội vàng cách đây hơn 1 năm để đón đoàn công tác nay cây cối mọc trở lại cho thấy, không có sự qua lại của người dân trên con đường đất được đào vội vàng cách một năm trước.

Phóng viên Tiền Phong trở ra để đi qua Cầu Gãy vào 26 hộ dân. Xin nhắc lại, Cầu Gãy cách cầu treo dân sinh Khe Tây khoảng 200 m là cây cầu kiên cố, xe tải hàng chục tấn chạy vào tận các hộ dân của thôn 6 bằng đường bê tông rộng rãi và chắc chắn. Tại con đường bê tông dẫn vào nhà bà Nguyễn Thị Tâm, cách cầu treo dân sinh Khe Tây vào trăm mét và một con sông, có một chiếc cầu vừa làm xong. “Khi báo chí phản ánh, các đoàn công tác về khảo sát đường trên núi để vào tận 26 hộ dân. Ấy thế mà giờ thấy họ làm đường ở đây để ra cầu treo đó. Hơn một năm mới làm được cái cầu đó. Người dân ở đây thấy vô lý quá”, bà Tâm cho biết.

26 hộ dân mãi bị cô lập

Như Tiền Phong đã nêu trong loạt bài cách đây hơn một năm. Dự án cầu treo dân sinh Khe Tây của Tổng cục Đường bộ để phục vụ 26 hộ dân thôn 6, xã Sơn Thọ. Tuy nhiên, để 26 hộ dân nơi đây ra được cầu treo phải có một con đường trong đó phải làm hai cái cầu. Theo những hộ dân ở đây, điều họ mong mỏi nhất không phải là chiếc cầu treo Khe Tây mà là chiếc cầu kiên cố bằng xi măng với kinh phí nhỏ để thay thế chiếc cầu tạm bằng ống cống để đi ra Cầu Gãy. Khi Tiền Phong lên tìm hiểu viết bài về chiếc cầu đầy “tai tiếng” này, các hộ dân ở đây đều khẳng định chiếc cầu treo xây dựng để phục vụ nhà ông Chủ tịch UBND xã Sơn Thọ. Và điều này đã trở thành sự thật dù con đường dẫn lên cầu đang làm ở đây.

Trở lại cây cầu treo phục vụ hai hộ dân ảnh 2

Tối 13/9, 26 hộ dân bị cô lập vì nước cuốn trôi chiếc cầu tạm. Ảnh: Minh Thùy 

Do ảnh hưởng của cơn bão số 4 vừa qua, ở xã Sơn Thọ mưa lớn xối xả đã phá vỡ chiếc cầu tạm làm cho 26 hộ dân ở đây bị cô lập. Chiếc cầu tạm bị nước xé vỡ bung, không bóng người qua lại. “Cầu bị sập tối 13/9, người dân sống trong kia đang bị cô lập. Trước đây, khi làm cầu treo Khe Tây xong cứ tưởng mở đường ven núi vào đi qua chiếc cầu này. Nào ngờ giờ họ lại làm ở phía ngoài. Cuộc sống của 26 hộ dân ở đây vẫn mãi mãi bị cô lập nếu chiếc cầu tạm này không được thay thế”, một người dân bức xúc.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch UBND xã Sơn Thọ Nguyễn Khắc Hội cho biết, dự án được UBND tỉnh phê duyệt với kinh phí 6 tỷ đồng như báo cáo tại cuộc làm việc với Tổng cục Đường bộ ngày 13/8 nhưng do không có vốn nên phải cắt xuống còn 4 tỷ đồng. “Dự án 4 tỷ đồng nên chỉ có một chiếc cầu ở bên ngoài. Hiện 26 hộ dân vẫn phải đi qua cầu cũ bị sập tối 13/9. Cầu cũ này không nằm trong dự án. Hiện vẫn chưa có nguồn để làm”, Chủ tịch UBND xã Sơn Thọ nói.

Cách đây một năm, trong loạt bài về chiếc cầu treo “tai tiếng” này đã nói rõ sự vô trách nhiệm của lãnh đạo Sở GTVT Hà Tĩnh cũng như lãnh đạo UBND huyện Vũ Quang và xã Sơn Thọ. Tại cuộc họp ngày 13/8/2015, Tổng cục Đường bộ đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở GTVT và UBND huyện Vũ Quang sớm làm đường cho 26 hộ dân để đi lên cầu.      

Gần 10 tỷ đồng bỏ ra để xây cầu treo dân sinh Khe Tây và con đường lên cầu, với mục tiêu phục vụ 26 hộ dân tránh lũ. Oái oăm thay, 26 hộ dân ở đây vẫn mãi mãi bị cô lập vì chiếc cầu tạm bằng ống cống dù đã nhiều lần đề xuất lên chính quyền xin kinh phí ít ỏi hỗ trợ để làm chiếc cầu kiên cố giúp người dân tránh bị cô lập mỗi khi lũ về.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.