Trở lại vùng rốn lũ ngày cận Tết

Anh Tạ Hồng Thanh bên ngôi nhà chỉ còn lại là đống đổ nát. Ảnh: Nguyễn Thành
Anh Tạ Hồng Thanh bên ngôi nhà chỉ còn lại là đống đổ nát. Ảnh: Nguyễn Thành
TP - Sau hơn 2 tháng kể từ cơn lũ lịch sử hồi tháng 11/2013, chúng tôi quay lại những vùng rốn lũ Quảng Ngãi. Còn đó những bộn bề khó khăn, nhưng sắc xuân đã về, dẫu còn e ấp.

Ngổn ngang

Xã Sơn Nham thuộc huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) có tới 50% hộ nghèo. Đợt lũ vừa qua đã nhấn chìm 357 hộ dân trong nước, trong đó có 16 nhà bị lũ cuốn trôi, nhiều nhà đổ sụp. Nhiều gia đình bỗng chốc trắng tay. Thôn Xà Nay bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trường tiểu học và trung học cơ sở đóng ở thôn đến giờ vẫn ngổn ngang, tường rào, phòng học bị lũ xô ngã vẫn chưa thể khắc phục được.

Vợ chồng anh Tạ Hồng Thanh và chị Trần Thị Kim Hậu cùng con trai hơn 2 tuổi sống tạm trong lán trại do bộ đội huyện dựng lên. Ngôi nhà của mẹ chị Hậu là bà Nguyễn Thị Bé đã đổ sập, dù đã có tiền hỗ trợ của nhà nước nhưng gia đình bà vẫn không đủ sức tạo dựng lại. Nhắc đến Tết cả hai vợ chồng đều buồn. Sau trận lũ bà Bé phải bỏ quê đi làm thuê ở Đắk Lắk. Vợ chồng anh Thanh làm thuê cuốc mướn cầm cự qua ngày. 

Xã đã cho gia đình anh nhận trước 15 triệu đồng (trong tổng số 32 triệu đồng tiền hỗ trợ của nhà nước) để khắc phục chỗ ở. Nhưng để cất nhà, xã yêu cầu phải tìm chỗ khác, không được làm lại ở nơi cũ vì sợ sẽ lại bị nước lũ cuốn trôi. Để tìm đất mới, phải bỏ thêm tiền để mua. Mua được đất nhưng rồi nay hai vợ chồng không biết lấy gì để làm nhà. “Xã yêu cầu có nhà rồi mới cho nhận số tiền còn lại. Vợ chồng em biết lấy đâu tiền mà làm”, anh Thanh băn khoăn.

“Gia đình tôi sẽ gắng dọn dẹp để đón Tết trong nhà mới. Dù thiếu thốn nhưng cũng may mắn hơn nhiều người khác vì đã dựng được nhà. Nợ nần sau này vợ chồng làm thuê gom góp trả dần”

Anh đinh văn Vê

Cạnh gia đình anh Thanh là lán bạt của vợ chồng ông Nguyễn Bính và bà Nguyễn Thị Nhàn. Căn nhà của hai vợ chồng ông bà đổ sập hoàn toàn trong lũ. Ông Bính cho biết, số tiền hỗ trợ 15 triệu đồng mà xã cho nhận trước vợ chồng ông đã dành tu sửa nhà cửa cho mẹ già để ở tạm qua dịp Tết. “Xã không cho làm ở nơi cũ, yêu cầu phải đến chỗ cao ráo, làm nhà rồi mới cho nhận 17 triệu đồng còn lại. Nhưng kiếm đâu ra đất. Đất giá thấp nhất cũng 30 triệu rồi. Giờ chỉ biết ở tạm vậy”, ông Bính nói. Ông Bính bị ngã chấn thương nặng khi chạy lũ nên từ đó đến nay chỉ quẩn quanh phụ giúp vợ. Bà Nhàn mở quán nhỏ bán hàng vặt cho học sinh. Con trai vợ chồng ông bà vừa xuất ngũ chưa kiếm được việc làm cũng đang sống nhờ bố mẹ.

Trong số 16 hộ dân có nhà cửa bị sập ở Sơn Nham, đến nay có 10 hộ dân đã cơ bản dựng được nhà. Còn lại 6 hộ phải đón Tết trong nhà tạm, đi ở nhờ nhà người thân.

Trở lại vùng rốn lũ ngày cận Tết ảnh 1

Anh Đinh Văn Vê bên căn nhà đang xây mới. Ảnh: Nguyễn Thành

Anh Đinh Văn Vê, thôn Cận Sơn có nhà sập nay đã xây cất được nhà mới. Để có căn nhà, vợ chồng anh vay mượn hơn 40 triệu đồng. “Gia đình tôi sẽ gắng dọn dẹp để đón Tết trong nhà mới. Dù thiếu thốn nhưng cũng may mắn hơn nhiều người khác vì đã dựng được nhà. Nợ nần sau này vợ chồng làm thuê gom góp trả dần”, anh Vê cho biết.

Bà Lê Thị Thanh Điểm, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Nham, cho biết: “Trận lũ lịch sử, nước cao hơn cả trận lũ lịch sử năm 1999, khiến xã nghèo lại càng nghèo hơn. Số tiền hỗ trợ 32 triệu đồng cho những hộ bị cuốn trôi nhà là thấp, rất khó để người dân làm lại nhà kiên cố được”.

Hồi sinh nhọc nhằn

Rời Sơn Hà, xuôi về huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), nơi chịu nhiều thiệt hại trong đợt lũ lịch sử vừa qua. Con đường tỉnh lộ 624 nối các xã Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, Hành Thiện..., vẫn còn nhiều ngôi nhà của người dân trơ móng, ngổn ngang gạch đá.

Bà Nguyễn Thị Thê (60 tuổi, ở xã Hành Thiện) cho biết, sau lũ, hai vợ chồng già cố gượng dậy ra đồng trồng rau cải bán kiếm tiền mua gạo mấy ngày Tết. Nào ngờ, sào rau cải trồng được nhưng giá rẻ như cho, bán cũng không ai mua. “Cũng may, được nhà nước hỗ trợ gạo từ hôm lũ đến nay, còn quà Tết cùng hơn chục triệu đồng, cũng có cái để cầm cự”, bà Thê nói.

Trở lại vùng rốn lũ ngày cận Tết ảnh 2

Bà con đồng bào H’re thôn Trũng Kè 1 dọn dẹp đường liên thôn để đón Tết. ảnh: Như Ý

 Đợt lũ giữa tháng 11/2013 tràn về nhấn chìm toàn bộ các xã trong huyện.Với hơn 13.500 hộ dân (chiếm phần lớn dân số toàn huyện) bị ngập sâu. Hơn 1.000 trâu bò, gần 5.000 lợn và gần 1 triệu gà vịt chết cùng hàng loạt thiệt hại khác về lúa, hoa màu và nhà cửa. Ông Lữ Đình Phô, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành cho biết, huyện đang cố gắng hết sức, hỗ trợ mọi mặt cho bà con có được cái Tết ấm cúng, không để người dân nào phải chịu đói, rét hay phải chịu cảnh màn trời, chiếu đất.

Còn theo Chủ tịch huyện, ông Phan Bình: Hiện, 18/19 ngôi nhà bị sập đang được xây dựng lại, cố gắng hoàn thành trước Tết để bà con được đón Tết trong nhà mới. Mới đây, mỗi hộ gia đình trong huyện được hỗ trợ 15kg gạo. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ trao quà cho những hộ đặc biệt khó khăn để bà con đón Tết.

Đến thời điểm này lúa, ngô và các loại hoa màu khác đã phủ xanh khắp ruộng vườn trong huyện. Trên thửa ruộng cấy dở dang, bà Lê Thị Học (thôn Phú Bình Đông, xã Hành Thuận), chia sẻ: Lúa, gạo với mấy con bò, con trâu đã bị lũ cuốn trôi hết. Nhờ sự giúp đỡ của nhà nước, bà con được hỗ trợ giống để gieo trồng vụ Đông - Xuân. Cái khó đã lùi lại phía sau rồi.

Trong xóm, thôn, nhiều ngôi nhà mới đang ở công đoạn hoàn thiện để kịp đón Tết. Vừa tất tả xách hồ giúp thợ, ông Nguyễn Thiên ở thôn Vạn Xuân 1, xã Hành Thiện kể: Lũ qua, ngôi nhà chỉ còn là đống gạch vụn, lúa gạo trôi, trâu bò chết. Gia đình 3 người phải tá túc chung trong nhà 20m2 của mẹ vợ. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời cả nhà nước thì người dân khó vượt qua được cơn bĩ cực này.

Tại thôn Trũng Kè 1 (xã Hành Tín Đông), bà con đồng bào H’re đang tập trung vệ sinh môi trường, hỗ trợ, đỡ đần giúp các hộ neo đơn, khốn khó. Ông Phạm Văn Đại, trưởng thôn, thông tin thêm: Trận lũ vừa rồi làm lở núi khiến cho cánh đồng chính của thôn hơn 6 ha bị bỏ hoang. Dẫu thế, với sự sẻ chia của cộng đồng nên đồng bào ở đây không hộ nào đứt bữa. Thôn còn chuẩn bị tổ chức đêm văn nghệ mừng Tết đến, Xuân về.

Trận lũ hồi tháng 11/2013, toàn tỉnh có 169 căn nhà bị sập, hư hỏng trên 70% được nhà nước hỗ trợ một phần để xây dựng lại. Bên cạnh đó còn hàng ngàn hộ gia đình khác bị ảnh hưởng.

Trong hoạn nạn, người dân cả nước hỗ trợ cho Quảng Ngãi tiền mặt 20 tỷ đồng cùng hàng hóa trị giá trên 20 tỷ đồng. Đến nay, việc hỗ trợ xây dựng 164 căn nhà mới theo mức 30 triệu đồng/nhà (ở miền núi) và 25 triệu đồng/nhà (ở đồng bằng) cơ bản được hoàn thành.

Ủy ban MTTQ tỉnh đã chuẩn bị 17.200 suất quà, cùng tiền hỗ trợ heo, gà, trâu, bò… cho người dân vùng lũ đón Tết với tinh thần không để người dân vùng lũ nào bị đói ăn, thiếu mặc.

MỚI - NÓNG