Trở về từ cõi chết

Trở về từ cõi chết
TP - Thoát chết trong vụ nổ bình gas giữa Đại Tây Dương làm nhiều thủy thủ thương vong, họ trở về quê nhà Nghệ An và kể lại cơn ác mộng.

Vụ nổ bình gas giữa Đại Tây Dương:

Trở về từ cõi chết

Máu mũi, máu miệng ộc ra

Nhận được thông tin những người thoát chết trở về sau vụ tai nạn trên tàu Lai Ching của Đài Loan ngày 29-4 khi đang hoạt động trên Đại Tây Dương, chúng tôi tìm gặp họ và gia đình, trong đó có anh Nguyễn Văn Linh (1990) ở xóm 1, xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Từ lúc tin anh vừa trở về từ con tàu xấu số, người làng trên xóm dưới đến động viên, hỏi thăm. Trong số những người này có một vị khách đặc biệt. Đó là anh Lê Thanh Đại (sinh 1989) ở xóm 4, xã Văn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, cũng là thủy thủ trên con tàu định mệnh đó. Vừa trở về nhưng Đại vẫn cố gắng đi xe xuống để thắp hương cho người cùng đồng hành là nạn nhân Lưu Đình Tuấn (sinh 1991) ở xóm 10, xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc - một trong hai thuyền viên Việt Nam mất tích sau khi sự việc xảy ra.

Cả hai nạn nhân may mắn trở về, Linh và Đại, đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải nghỉ học từ sớm. Quyết tâm đi xuất khẩu lao động nhưng do kinh tế eo hẹp không có điều kiện đi sang các ngành nghề khác nên cả hai đã chọn đi đánh bắt xa bờ để giảm bớt chi phí. Năm 2009, cả hai sang làm việc cho chủ tàu Lai Ching với mức lương thỏa thuận 300USD/tháng.

Anh Linh nhớ lại giây phút định mệnh đó. Sau nhiều ngày lênh đênh đánh bắt trên biển, ngày 29-4, tàu trên đường quay trở về đất liền. Khoảng 20 giờ (giờ Đài Loan) là ca trực của anh nên anh phải lên trên boong. Khoảng 21 giờ, anh bỗng nghe thấy một tiếng nổ lớn ở khoang lạnh của tàu. Sau tiếng nổ, điện tắt phụt, tàu ngừng chạy.

Tiếp đó, con tàu ngập trong mùi khí gas. Lúc đó, hầu hết mọi người trên tàu đang ngủ, chỉ có thuyền trưởng, người quản lý đang thức và một vài người đang xem phim.

Do không khí đậm đặc khí gas không thể thở được, anh và thuyền trưởng chỉ kịp hô hoán những người còn lại chạy lên boong, nhưng do tàu đã ngừng chạy nên ở đây cũng đậm đặc một mùi khí độc. Mọi người lại kéo nhau lên tận mui tàu. Nhưng ngay cả lên đến mui tàu cũng không thể thở được, một số người do đã hít phải nhiều khí gas nên máu miệng, máu mũi đã ộc ra, ngất lịm không đi được nữa mà phải dìu.

“Lúc đó, người nào cũng chảy máu mũi, máu miệng, không còn ai đứng vững được nữa, tôi đang định nhảy xuống biển tìm đường sống chứ ở đó không thở được nhưng cũng chẳng còn sức mà đứng dậy nữa”, Linh nói.

May mắn cho họ là nhờ có gió biển thổi khí gas đi nên sau đó có thể thở được. Mọi người dần tỉnh lại và nhận thấy còn thiếu nhiều thuyền viên khác nên những người còn đủ tỉnh táo lại quay vào tìm bạn đồng hành đang bị mắc kẹt do ngủ quên hoặc đang làm việc trong phòng máy. Nhưng do không khí phía trong còn ngột ngạt khí gas nên họ chỉ kịp kéo ra một số người ở phía ngoài, còn những người mắc kẹt phía trong chưa thể tiếp cận. Phải chờ một lúc mới đưa được những người còn lại ở khoang máy ra ngoài, nhưng lúc đó hầu hết họ đều đã chết ngạt.

Lúc xảy ra tai nạn, trên tàu có 37 thuyền viên, nhưng sau khi đưa mọi người lên trên, thuyền trưởng phát hiện thiếu 4 người (trong đó có 2 người Việt Nam là Lưu Đình Tuấn và Nguyễn Châu Bảy) nên điều động những người còn đủ sức khỏe xuống bên dưới tàu kiểm tra lại. Đến lúc này, mọi người thấy tàu bị thủng một lỗ lớn, nước đã ngập khoang máy, tàu có thể chìm bất cứ lúc nào nên báo lại với thuyền trưởng. Đến 1 giờ ngày 30-4, thuyền trưởng lệnh ngừng tìm kiếm và cho anh em mặc áo phao nhảy xuống xuồng cứu sinh, neo vào mạn tàu; trường hợp tàu chìm, cắt dây để đảm bảo tính mạng thuyền viên.

Thuyền trưởng và một số anh em thay nhau chăm sóc những người bị thương nặng và canh chừng có tàu nào chạy qua thì bắn pháo hiệu cầu cứu. Mãi đến tờ mờ sáng mới có tàu đánh cá khác của Đài Loan đi qua.

Mẹ của Tuấn kiệt sức sau khi mất con Ảnh: Xuân Hòa
Mẹ của Tuấn kiệt sức sau khi mất con Ảnh: Xuân Hòa.

Chạy vào Nam Phi chữa trị

Do hít quá nhiều khí độc nên sau khi được thuyền bạn cứu, một người Philippines và Lê Xuân Sang (Quỳnh Lưu, Nghệ An) thiệt mạng. Những người còn lại đều có triệu chứng ho ra máu, tức ngực khó thở. Tình hình nguy cấp nên tàu bạn cho tàu chạy hướng vào Nam Phi để chữa trị cho những người còn lại. Đến đêm 30-4, một thuyền viên tử vong.

Sáng 1-5, thêm hai người tử vong. Ngày 2-5, thêm một người tử nạn. “Lúc đó, những người còn sống ai cũng lo sợ mình không trụ nổi vào đến bờ. Giờ nghĩ lại mà vẫn sởn cả gai ốc”, Đại kể.

Trước tình thế nguy cấp, thuyền trưởng tàu Lai Ching và tàu bạn liên lạc với một hòn đảo gần đó đưa người lên kiểm tra. Sau khi kiểm tra sức khỏe, 11 thuyền viên bị nặng phải ở lại điều trị tại đảo, còn lại tiếp tục lên tàu đi về cảng Nam Phi. Ngày 9-5, họ cập cảng, còn số điều trị tại đảo đến ngày 13-5 mới được một tàu của chính phủ Nam Phi đón về. Những người may mắn thoát nạn được hải quan Nam Phi cho đi cứu chữa, thuyền viên xấu số được đem đi hỏa thiêu để đưa hài cốt về nước. Chính phủ Nam Phi cũng điều động tàu ra tìm kiếm người mất tích nhưng vẫn chưa tìm thấy.

Những người Việt Nam sống sót sau tai nạn được Đại sứ quán Việt Nam làm thủ tục nhanh chóng đưa về nước. Ngày 16-5, họ về đến sân bay Nội Bài. Ngày 17-5, toàn bộ 8 thành viên may mắn về đến quê nhà.

Nước mắt người thân

Chia tay gia đình Linh, chúng tôi tìm về nhà nạn nhân mất tích Lưu Đình Tuấn (sinh 1991, xóm 10, xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc). Trong căn nhà cấp 4 ọp ẹp, bàn thờ của Tuấn đã được gia đình lập dù xác của Tuấn chưa được tìm. Trên giường, mẹ của Tuấn, chị Lưu Thị Kiệm, vật vã, ngất liên tục.

Chị Kiệm do quá lứa lỡ thì nên không lấy chồng mà chỉ kiếm đứa con để sau về già có người đỡ đần, chăm sóc. Tuấn học khá và ngoan nhưng do gia đình khó khăn nên phải nghỉ học từ năm lớp 9, vào Nam làm công nhân. Sau mấy năm, gom góp được ít vốn, Tuấn muốn đi xuất khẩu lao động để đổi đời, nhưng hai mẹ con Tuấn đang phải ở đợ đất người khác, không có sổ đỏ thế chấp để vay vốn. Mãi đến năm 2010, nhờ người anh họ đứng ra vay gần 15 triệu đồng, ước mơ xuất cảnh của Tuấn mới thành sự thật.

Do phải đánh bắt xa bờ mệt nhọc mà lương chỉ có 250 USD/tháng, từ lúc xuất ngoại đến khi bị nạn Tuấn chỉ mới gọi về nhà hai lần. Hàng quý, gia đình đi nhận lương Tuấn đều đặn. Đi được gần năm, nhờ chăm chỉ gom góp, nên Tuấn đã trả hết nợ cho mẹ và gom góp được ít vốn.

Ngày 5-5, khi công ty tuyển dụng báo tin, gia đình mới biết Tuấn gặp nạn và mất tích. Chờ đợi trong vô vọng, anh em họ hàng đã lập bàn thờ cho Tuấn, chị Kiệm khóc ngất lên ngất xuống. “Cứ kiểu này chắc o nhà tui chẳng sống nổi mô các anh ạ. Nhà chỉ có một mẹ một con mà giờ Tuấn ra đi đột ngột thế này ai mà chịu cho thấu”, Lưu Đình Đông anh họ của Tuấn buồn bã nói.

Ngày 29-4, khi đang hoạt động trên Đại Tây Dương, tàu Lai Ching của Đài Loan (Trung Quốc) bị nổ bình gas. Khi đó, trên tàu có 37 người, trong đó có 12 thuyền viên Việt Nam. Vụ nổ làm 2 thuyền viên Việt Nam thiệt mạng và hai người khác mất tích.

Hai người tử nạn:

1. Hoàng Văn Trị, Quỳnh Lưu, Nghệ An

2. Lê Xuân Sang, Quảng Bình

Hai người mất tích:

1.Lưu Đình Tuấn, Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An

2.Nguyễn Châu Bảy, Tân Kỳ, Nghệ An

8 người thoát nạn đã về nước

1. Nguyễn Văn Linh, Nghi Yên, Nghi Lộc, Nghệ An

2. Trương Vắn Mẫu, Tân Kỳ, Nghệ An

3. Lê Thành Đại, Văn Thành, Yên Thành, Nghệ An

4. Phan Văn Quyết, Đô Thành, Yên Thành, Nghệ An

5. Hồ Xuân Thất, Đô Thành, Yên Thành, Nghệ An

6. Ngô Văn Bình, Nghi Xuân, Hà Tĩnh

7. Trương Minh Hùng, Kỳ Phú, Kỳ Anh, Hà Tĩnh

8. Phan Công Hợi, Kỳ Phú, Kỳ Anh, Hà Tĩnh

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.