Trở về từ Hoàng Sa

Ngư dân Quảng Ngãi bảo quản tàu thuyền sau chuyến trở về từ Hoàng Sa. Ảnh: Nguyễn Huy
Ngư dân Quảng Ngãi bảo quản tàu thuyền sau chuyến trở về từ Hoàng Sa. Ảnh: Nguyễn Huy
TP - Sáng 20-5, toàn bộ 23 thuyền viên trên thuyền của anh Võ Tân, Tiêu Viết Thường thu hoạch thắng lợi từ quần đảo Hoàng Sa cập bến Sa Kỳ trong niềm vui và vòng tay của người thân.

>> Ra khơi - đoàn kết một lòng

“Có tàu, màu xám, né đi !”. Nghe anh em la to, thuyền trưởng Võ Tân cho tàu lồng lên như con kình ngư, bẻ lái, quay ngoắt mũi về phía trong. Đó là một phần câu chuyện của các ngư dân sau 21 ngày bám biển Hoàng Sa vừa trở về.

Ngư dân Quảng Ngãi bảo quản tàu thuyền sau chuyến trở về từ Hoàng Sa. Ảnh: Nguyễn Huy
Ngư dân Quảng Ngãi bảo quản tàu thuyền sau chuyến trở về từ Hoàng Sa.
Ảnh: Nguyễn Huy.


Vào vùng “nóng”

Ngày 30-4, thuyền của ngư dân Võ Tân và Tiêu Viết Thường ở xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển (xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) xuất bến đi Hoàng Sa. Trong 2 ngày liên tiếp, gần 20 chiếc thuyền của xóm biển này đồng loạt ra khơi.

Anh Tân nhớ lại: “Lúc ra đi, ở Hoàng Sa xảy ra mấy vụ bắt bớ liên tiếp. Trong số đó, ông Tiêu Viết Là người hàng xóm của tôi 4 lần liên tiếp bị bắt ở Hoàng Sa. Tuy nhiên, Trung Quốc cấm là chuyện của họ, còn việc đánh cá thì anh em xác định vẫn phải đi”.

Gần 12 năm lăn lộn ở vùng biển Hoàng Sa, hiểu rõ “tính khí” từng ngư trường, chính vì vậy, anh Tân quyết định: Vào vùng nguy hiểm nhất – Phú Lâm.

Chuyện ở Hoàng Sa được anh em trên thuyền tường thuật tỉ mỉ: Mấy ngày đầu việc đánh bắt cá diễn ra bình thường. Sau đó, anh Nam từ đài canh cộng đồng trong bờ điện ra nhờ trên tàu loan báo cho tất cả ngư dân biết: “Trung Quốc cấm biển. Làm ăn cẩn thận”. Vậy là trên thuyền anh Tân cả ngày mở máy ICOM, liên hệ với các thuyền Trương Quang, Trương Trị đang bám trụ tại đảo Bạch Quy, Đá Lồi để nắm tình hình. Mệt mỏi thì anh em ngư dân a lô tán gẫu đủ chuyện thời sự cho căng thẳng trôi qua.

Vào khoảng 15 giờ 30 phút ngày 14-5, thấy tình hình yên ổn anh Tân bẻ lái cho thuyền lao về đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trên đường tiến về phía đảo bất chợt anh em ngồi trên mũi la to: “Có tàu, màu xám, né đi !”. Một con tàu đang đi về hướng ngư dân một cách đáng ngờ. Thuyền trưởng Võ Tân cho tàu lồng lên như một con kình ngư, bẻ lái, quay ngoắt mũi về phía trong. “Chạy hết ga mới né được cái tàu kia. Chạy rồi, tôi thông báo cho anh em các tàu khác biết luôn” – Anh Tân nhớ lại.

Thuyền trưởng Võ Tân (Quảng Ngãi) (bìa phải) cùng em trai từ Hoàng Sa vừa trở về hôm 20-5. Ảnh: Hà Anh
Thuyền trưởng Võ Tân (Quảng Ngãi) (bìa phải) cùng em trai từ Hoàng Sa vừa trở về hôm 20-5.
Ảnh: Hà Anh .


Trúng đậm từ Hoàng Sa

Làm ăn ở Hoàng Sa, tàu của Võ Tân đã hai lần bị tàu phía Trung Quốc bắt giữ. Chính vì vậy, anh em trên tàu giờ vẫn thuộc nhẵn mặt biển số và hình dáng của các tàu hải quân và kiểm ngư ở Hoàng Sa như: 308, 113, 1213… Các ngư dân đều cho biết những “chiêu độc” để bám Hoàng Sa mà vẫn né được tàu chiến và tàu kiểm ngư.

Cách mưu sinh của các ngư dân trong hoàn cảnh Trung Quốc cấm đánh bắt luôn chứa đầy nỗi nhọc nhằn. Họ phải luôn lặng lẽ, mắt luôn hướng về phía trước để quan sát. Tai luôn lắng nghe âm thanh khọt khẹt từ chiếc ICOM loạn xạ những tiếng hỏi han của các thuyền viên đang trụ lại trên vùng biển này.

Trở về bến Sa Kỳ, sau 21 ngày trên biển ngay trong buổi sáng 20-5, các ngư dân thuyền Võ Tân đã bán hết veo mấy hầm cá.

Tại ngôi nhà của anh Tân, vợ của các ngư dân đã có mặt để nhận thành quả lao động từ ngoài khơi mang về. Những đồng tiền trên bàn tay của các chị hằn chứa nỗi nhọc nhằn của người chồng, nó phảng phất cái nóng của những ngày căng thẳng nghe ngóng tin tức từ đất liền. “Không chỉ riêng tàu này, qua máy ICOM, tất cả mọi tàu cá khác đều nói là phiên này đánh ở Hoàng Sa trúng đậm, nhất là mấy tàu đánh cá ở Gò Ba Tiến thuộc quần đảo Hoàng Sa” – ngư dân Võ Tân phấn khởi cho biết.

Gò Ba Tiến chính là những đảo đá ngầm không có tên trong hải đồ, nhưng các ngư dân hầu như “nhẵn mặt”, nên đặt cho cái tên của người thuyền trưởng đầu tiên phát hiện ra và định vị nó trên bản đồ. Và theo các anh, những ngày cuối tháng 5 này, khoảng 17 chiếc thuyền sẽ đồng loạt trở về từ Hoàng Sa, vùng quê này sẽ vui như hội. Tôi hỏi những ngư dân: “Nếu tình hình căng thế này, anh em ngư dân đi Hoàng Sa hay neo tàu lại để chơi hoặc làm ăn gần nhà ?”. Không chờ tôi hỏi hết câu, tất cả các ngư dân đều khẳng định: Nghỉ ngơi xong, cả làng lại rủ nhau cùng xuất bến đi Hoàng Sa. Đây là vùng biển của mình, không thể bỏ được”.

Phần lớn thời gian trôi qua cuộc đời các ngư dân này là sóng gió giữa trùng khơi , song với họ, Hoàng Sa càng trở nên gần gũi, máu thịt.

Trong bữa liên hoan đoàn tụ với người thân, ông Võ Thanh Nam – phụ trách đài canh cộng đồng, người làm cầu nối giữa các ngư dân và đất liền nhắn nhủ: “Các anh nói thế nào đó để ngành hàng hải cấp cho chúng tôi cái hải đồ chống thấm, loại có biên rộng tới 140. Bởi thời điểm này, từng ngày, từng giờ chúng tôi đều phải đánh dấu coi bà con mình đang nằm đâu đó ở Hoàng Sa để mà theo dõi. Nếu bão tố bất ngờ, mình còn hướng bà con chạy”.

Trăn trở từ biển khơi

Không giống như những chuyến tàu đạp sóng ra vùng biển Hoàng Sa trước, lần trở về này với anh Phạm Lệ (trú Đức Phổ, Quảng Ngãi), thuyền trưởng tàu QNg – 94734TS mang một ý nghĩa khác: “Tuy sản lượng khai thác có giảm, có thể bị lỗ nhưng cứ giong buồm ra khơi là một lần anh em chúng tôi tự nhủ về trách nhiệm gìn giữ chủ quyền, lãnh hải Tổ quốc”. Gần 30 năm đi biển, anh Lệ có đến hơn 10 năm trực tiếp đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa.

Điều anh Lệ ái ngại là: Các tàu chiến Trung Quốc ngày càng cố tình xâm nhập và đẩy đuổi ngư dân Việt Nam ra xa vùng biển truyền thống. “Tôi đánh cá cách Hoàng Sa khoảng 300 hải lý, ở tọa độ 17 độ 30 Bắc và 110 độ 50 Đông vẫn “đụng” phải tàu chiến Trung Quốc.

Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi còn 48 thuyền và gần 480 ngư dân đang trụ bám để khai thác hải sản tại quần đảo Hoàng Sa.

Trước đây, chừng 20 – 30 hải lý là có thể đánh bắt được rồi, giờ ngư trường càng ngày càng hẹp” – Anh Lệ cho biết. Nhiều ngư dân hay đánh bắt ở khu vực Hoàng Sa trở về cũng cho hay: Không ít lần, họ bị tàu chiến Trung Quốc chèn ép ngay trên vùng biển chủ quyền Việt Nam sau đó họ áp tải và lập biên bản vi phạm vào lãnh hải của họ. Trong đó, tàu cá của anh Phạm Lệ bị phạt là một điển hình.

Theo ông Võ Xuân Huyện - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn: Mấy năm trở lại đây, tình trạng ngư dân huyện đảo bị trấn cướp, đánh đập, thậm chí bị đâm chìm trên vùng biển Việt Nam đang ngày một gia tăng, phức tạp. Mới đây, tàu cá của một ngư dân xã An Hải (Lý Sơn) bị tàu lạ nước ngoài đâm chìm khiến đời sống ngư dân càng thêm khó khăn.

Còn ông Phạm Văn Được (An Hải Tây, Sơn Trà, Đà Nẵng), thuyền trưởng tàu ĐNa 1898, trăn trở: Trung Quốc cấm ta đánh bắt ở một số vùng biển Hoàng Sa nhưng tàu thuyền của ngư dân Trung Quốc vẫn xâm nhập trái phép vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Thuyền trưởng Nguyễn Đình Châu (Sơn Trà), tàu ĐNa 90255 TS bộc bạch: So với tàu cá của Trung Quốc, phương tiện của ngư dân Việt Nam, miền Trung vẫn còn nhỏ hơn nhiều. Vì thế, chúng tôi kiến nghị ngành chức năng tạo điều kiện hỗ trợ cho vay để ngư dân đầu tư phương tiện, máy móc hiện đại để đánh bắt hiệu quả trong các vùng biển truyền thống đặc biệt là ở Hoàng Sa, Trường Sa để tránh bất trắc có thể xảy ra.

MỚI - NÓNG