Trở về với ơn sâu nghĩa nặng

Trở về với ơn sâu nghĩa nặng
TP - Lúc mới 26 tuổi, Bùi Kiến Thành là Vị chính khách trẻ nhất Dinh Gia Long. Sau này ông là chuyên gia cao cấp với nhiều tâm huyết đóng góp giúp Việt Nam phát triển đầu tư, ngoại giao và hội nhập quốc tế.

Năm 2004, ông là một trong 19 Việt kiều đầu tiên được trao giải thưởng Vinh danh nước Việt.

Trở về với ơn sâu nghĩa nặng ảnh 1
Ông Bùi Kiến Thành

Chính khách trẻ nhất trong dinh Gia Long

Trong một tối tháng 4-2010, sát thời điểm diễn ra lễ kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ông Bùi Kiến Thành đã trút bầu tâm sự với phóng viên Tiền Phong, về một chặng đường dài gần 80 năm của mình. Trong đó, có cả những điều mà ông bảo: “Tôi chưa từng chia sẻ với ai”.

Năm 1954, khi trở thành Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, Ngô Đình Diệm mời chàng thanh niên Bùi Kiến Thành, làm Trưởng phòng Ngoại hối, Ngân hàng quốc gia. Một mặt vì cho đến thời điểm ấy ông là người Việt Nam duy nhất được đào tạo về tài chính ở Hoa Kỳ; mặt khác vì một cơ duyên.     

Năm 1956, Bùi Kiến Thành được cử làm đại diện Ngân hàng quốc gia Việt Nam (miền Nam) tại New York và là người trẻ nhất trong số hơn 60 đại diện ngân hàng nhà nước tại Hoa Kỳ.

Hai năm sau về nước, Bùi Kiến Thành trở thành chính khách trẻ nhất thường xuyên ra vào Dinh Gia Long (trụ sở của Chính quyền Sài Gòn thời gian ấy) với vai trò trợ lý đặc biệt của Tổng thống.

Năm 1959, ở tuổi 27, ông trở thành Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, công ty Bảo hiểm quốc tế Mỹ AIU và là vị chủ tịch công ty trẻ tuổi nhất trong hệ thống các công ty thành viên của Tập đoàn.

Song, thời vàng son của chàng trai trẻ nhanh chóng qua đi. Năm 1963, Ngô Đình Diệm bị đảo chính, trong danh sách “những đối tượng phải bắt ngay” có Bùi Kiến Thành.

Bị tống vào tù, tài sản bị trưng thu. Sau 15 tháng ngồi tù, ông Thành được “ân xá” với hai bàn tay trắng. “Tôi quyết định sang Pháp và lén lút một mình ra đi dưới hầm một con tàu viễn dương để làm lại cuộc đời”- giọng ông Thành ngắt quãng.

Một năm sau, ông tìm cách đưa vợ và con từ Sài Gòn xuống Mỹ Tho, qua Campuchia rồi bay sang Pháp đoàn tụ gia đình.

Gạch nối quan hệ Việt - Mỹ

Bùi Kiến Thành là người góp phần trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Sau một thời gian ở Pháp, năm 1985, ông quay trở lại Mỹ, tham gia vào Tập đoàn Tài chính Quốc tế Mỹ (AIG) và trở thành công dân của nước này.

“Khi Liên Xô tan vỡ, các anh lãnh đạo thông qua Bộ Ngoại giao hỏi tôi có thể trở về nước, ở ngay tại Hà Nội để gần gũi dễ tham gia trao đổi thảo luận cho thuận tiện? Tôi đồng ý ngay. Tháng 11 năm 1991, tôi bỏ lại gia đình và tất cả những gì đã có sau nửa đời bôn ba để về nước theo tiếng gọi của Tổ quốc”- người đàn ông gần 80 tuổi nói trong xúc động.

Rồi chính ông trở nên hào hứng: “Vấn đề quan trọng nhất trong những năm đầu về nước là tập trung hỗ trợ các vấn đề ngoại giao, đặc biệt là việc bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ.

Trở về với ơn sâu nghĩa nặng ảnh 2
Ông Bùi Kiến Thành với Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney trong dịp viếnt thăng Hà Nội năm 1995

Tôi đã làm con thoi đi lại giữa Hà Nội và Washington rất nhiều lần để hỗ trợ nhà nước giải quyết thành công các vấn đề hóc búa như chương trình tù binh và mất tích trong chiến tranh (POW – MIA), giải quyết vấn đề trao trả tài sản hai bên…”.

Một trong những lần gặp gỡ với Thủ tướng Võ Văn Kiệt mà ông nhớ nhất là ở vườn Bách Thảo, Hà Nội. Vị chuyên gia bồi hồi nhớ lại: “Thủ tướng nói, tôi muốn có một tập đoàn tài chính hàng đầu của Mỹ đầu tư tại Hải Phòng để làm động lực hợp tác phát triển khu tam giác kinh tế Hải Phòng (Việt Nam) và Vân Nam, Quảng Đông (Trung Quốc),  anh có cách nào giúp? Tôi nhận lời và sang Mỹ ngay.

Khi nghe tôi đặt vấn đề, ông Chủ tịch tập đoàn tài chính AIG rất hào hứng và không lâu sau đã cử một đoàn cấp cao sang Việt Nam đến thị sát tại Hải Phòng, sau đó ký ngay bản ghi nhớ đầu tư 500 triệu USD trên diện tích 900 hecta tại KCN Đình Vũ”.

Ông Thành cũng đứng ra tổ chức một loạt hội nghị, diễn đàn quốc tế có tiếng vang và đem lại nhiều thành công, như “Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư Phát triển cơ sở hạ tầng Việt Nam” tại Washington D.C, New York, San Francisco, Roanoke, và Atlanta (Mỹ) hồi tháng 5-1995.

Đây là hội nghị Thượng đỉnh hợp tác phát triển đầu tiên giữa các viên chức cao cấp của Chính phủ Việt Nam với các lãnh đạo kinh doanh Mỹ.

Giấc mơ và tấm lòng kẻ sĩ

Cuối năm 2002, tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức sơ kết sau 7 tháng vận hành trạm trung chuyển tại vịnh Vân Phong cho những con tàu chở dầu quốc tế có trọng tải trên 100.000 DWT. Kết quả đã thu về cho ngân sách tỉnh trên 400 tỷ đồng - con số mà các tỉnh miền Trung khác… nằm mơ cũng không thấy.

Trở về với ơn sâu nghĩa nặng ảnh 3  Ơn sâu với đồng bào, dân tộc đã thôi thúc tôi. Về Việt Nam là sự hạnh phúc vô bờ của tôi và tôi cống hiến cho nước nhà như một lẽ hết sức tự nhiên của một con dân nước Việt  Trở về với ơn sâu nghĩa nặng ảnh 4

Người đóng vai trò cầu nối đặc biệt để thúc đẩy tiến trình xây dựng dự án phát triển vịnh Vân Phong cũng chính là chuyên gia Bùi Kiến Thành.

Dự án vịnh Vân Phong - giấc mơ phát triển kinh tế biển của ông đã được Chính phủ phê duyệt với tổng vốn đầu tư ban đầu trên 100 triệu USD. Ông Thành cũng đã “thiết kế” để Cục Hàng hải và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cùng bàn bạc về dự án và đích thân ngài Đại sứ lúc bấy giờ là Raymond F. Burghardt đã đến khảo sát vịnh Vân Phong.

Sau đó, Cục Hàng hải đã tham gia Đoàn của Chính phủ Việt Nam do Bộ trưởng Bộ KH&ĐT dẫn đầu sang Mỹ để vận động đầu tư vào Việt Nam, tạo dựng cơ sở bước đầu cho những quan hệ sau này giữa các đối tác đầu tư hai bên.

Dù tuổi cao, ông Thành vẫn luôn tận tâm tận lực đóng góp cho nước nhà và không đòi hỏi quyền lợi cá nhân. “Tuy sức khỏe không còn dồi dào, ông vẫn không ngần ngại đi về giữa Hà Nội và Khánh Hòa để theo đuổi một dự án có tầm nhìn thế kỷ, bằng tất cả tấm lòng với quê hương đất nước”- ông Chu Quang Thứ, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam thán phục.

Chợt nhớ lời ông Thành tâm sự: hồi mới về nước, ông thường xuyên đi lại giữa Việt Nam - Hoa Kỳ để giải quyết công việc cho Nhà nước nhưng toàn bộ bằng tiền túi của mình.

Lý do, ngày ấy Mỹ chưa bỏ cấm vận Việt Nam, trong khi ông mang quốc tịch Mỹ nên không thể ký bất cứ hợp đồng gì với Nhà nước Việt Nam, cũng không thể nhận một đồng nào hỗ trợ của Nhà nước Việt Nam, kể cả tiền ở khách sạn.

“Tôi không tính toán thiệt hơn mà trong đầu chỉ nghĩ làm gì được cho đất nước là làm” - ông Thành nói.

Với tâm huyết ấy, ông luôn dõi theo từng diễn biến của nền kinh tế để đưa ra những ý kiến đóng góp nhằm chấn hưng phát triển, nhất là tham gia “bắt mạch, bốc thuốc” khi nền kinh tế hắt hơi sổ mũi.   

Đêm muộn, để kết thúc câu chuyện dài, người viết bài này hỏi ông câu cuối: “Điều gì đã thôi thúc ông từ bỏ gia đình và mọi phú quý ở nước ngoài để về Việt Nam?

Ông nói trong xúc động: “Ơn sâu với đồng bào, dân tộc đã thôi thúc tôi. Về Việt Nam là sự hạnh phúc vô bờ của tôi và tôi cống hiến cho nước nhà như một lẽ hết sức tự nhiên của một con dân nước Việt. Đó là  Đạo trung, hiếu, tiết, nghĩa xưa nay và là bổn phận muôn đời của kẻ sĩ”.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.