Trọng dụng nhân tài: Bài học lớn của Bác Hồ để lại

Trọng dụng nhân tài: Bài học lớn của Bác Hồ để lại
Giáo sư Hoàng Tụy là một trong số ít các nhà khoa học đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (năm 1996). Ngoài những cống hiến khoa học, ông đã có nhiều ý kiến tâm huyết với nền giáo dục, khoa học nước nhà.
Trọng dụng nhân tài: Bài học lớn của Bác Hồ để lại ảnh 1
Chính sách của Hồ Chủ Tịch là đại đoàn kết toàn dân, trọng dụng người tài để xây dựng đất nước.

Nhân kỷ niệm 116 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2006), Giáo sư đã có cuộc trao đổi cởi mở, thẳng thắn xung quanh chuyện sử dụng nhân tài. 

Bàn về chính sách trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông có ấn tượng nào đặc biệt, thưa Giáo sư?

Chính sách của Hồ Chủ Tịch là đại đoàn kết toàn dân, trọng dụng người tài để xây dựng đất nước. Điều này đã thể hiện rõ ngay từ những ngày đầu cách mạng, trong việc tổ chức Chính phủ ở Trung ương, cũng như việc thành lập Ủy ban Kiến thiết quốc gia, với sự tham gia của số đông nhân sĩ, trí thức tiêu biểu cả nước lúc bấy giờ.

Không lạ gì khi quân Pháp trở lại xâm chiếm nước ta, hầu hết trí thức lớn đều tự nguyện đi theo cách mạng, từ bỏ cuộc sống êm ấm, tiện nghi ở thành phố để theo kháng chiến, chấp nhận cuộc sống gian khổ, thiếu thốn ở nông thôn, rừng núi. Rõ ràng, phải có một niềm tin vững chắc ở chính nghĩa cách mạng thì mới có một tinh thần hy sinh cao cả như vậy.

Giáo sư còn nhớ những kỷ niệm gì về sự quan tâm, sử dụng người tài, coi trọng ứng dụng khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh?

Tôi có ấn tượng mạnh mẽ trong hai lần được tiếp xúc với Hồ Chủ Tịch. Lần đầu vào năm 1956. Khi đó tôi còn rất trẻ, đang giảng dạy ở Trường đại học Tổng hợp thì bất ngờ Hồ Chủ Tịch đến thăm trường, đi ngay vào lớp tôi đang dạy.

Lần thứ hai là năm 1969. Khoảng tháng 8 năm ấy, tôi được báo lên gặp Hồ Chủ Tịch để báo cáo về khả năng áp dụng vận trù học nhằm cải tiến một số tổ chức dịch vụ ở Hà Nội, khi ấy đang rất lộn xộn. Tôi đặc biệt nhớ mãi hai điều trong buổi làm việc ấy.

Một là, khi nói đến chuyện thủ tục giấy tờ rườm rà, phiền hà và thái độ cửa quyền của cán bộ các ngành dịch vụ, người dân muốn mua thứ gì cũng phải xếp hàng chờ đợi rất lâu, Hồ Chủ Tịch quay sang các vị trong Thành ủy Hà Nội và nghiêm nét mặt hỏi: “Hà Nội mà còn lắm quan thế à?”.

Việc thứ hai tôi không bao giờ quên là khi ra về, Hồ Chủ Tịch căn dặn tôi cố gắng kiên trì áp dụng vận trù học vào cuộc sống. Tôi không ngờ ở cương vị Chủ tịch nước, bận trăm công nghìn việc, trong lúc chiến tranh ác liệt, sức khỏe của Người lại đang sút kém mà Hồ Chủ Tịch vẫn nghĩ tới khoa học và tìm mọi cách động viên chúng tôi áp dụng khoa học vào đời sống, vào sản xuất.

Tình hình áp dụng bộ môn khoa học này sau đó như thế nào, thưa Giáo sư?

Những năm 60 của thế kỷ trước, miền Bắc Việt Nam là một trong những nơi áp dụng vận trù học sớm nhất ở châu Á. Đã có lúc phong trào thu hút hàng ngàn người tham gia, đến mức một số khái niệm như vận trù, tối ưu trở nên quen thuộc ngay cả với những người dân bình thường.

Đến thập kỷ 70, sau khi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc thì việc áp dụng vận trù học ở nhiều xí nghiệp gặp khó khăn, vì vấp phải tập quán, thói quen làm ăn không tính đến hiệu quả - hình thành từ trong chiến tranh và vẫn còn để lại. Vì vậy, chúng tôi chuyển sang nghiên cứu áp dụng khoa học vào công tác kế hoạch, quản lý ở tầm kinh tế quốc dân.

Song đáng tiếc, mặc dù được sự ủng hộ nhiệt thành của các vị lãnh đạo cao nhất như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, nhưng khó khăn ngày càng tăng, phong trào áp dụng khoa học sút kém dần và tan rã.

Thưa Giáo sư, vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng đó?

Nguyên nhân quan trọng là chính sách dùng người của chúng ta chưa đúng. Nói là chọn người có tài, có đức để giao việc, nhưng thực tế không phải luôn luôn như vậy. Đã có mấy viện nghiên cứu để áp dụng khoa học vào quản lý kinh tế, nhưng cuối cùng đều không tồn tại được, do không chọn đúng người để giao việc.

Người làm được việc thì không được làm, người được giao việc thì không biết việc, như thế làm sao thành công được? Năm 1994, chúng tôi có một cố gắng cuối cùng để gây dựng lại việc áp dụng toán học, được nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt ủng hộ, nhưng cũng lại đành bỏ cuộc vì nhiều lý do khác nhau.

Tầm quan trọng và ý nghĩa của vấn đề dùng người tài trong cuộc sống hiện nay là gì, thưa Giáo sư?

Trong thời đại kinh tế tri thức ngày nay, chúng ta càng phải trọng người có chất xám. Những ngày mới lập nước, đất nước còn nhiều khó khăn mà Hồ Chủ Tịch đã thu hút được nhiều người tài, phải lấy đó làm bài học lớn. Nay đất nước đã có nhiều thay đổi, người tài nhiều, chất xám nhiều, vì sao ta không thu hút được, phát triển được?

Người lãnh đạo cần có bản lĩnh, biết quy tụ nhân tài, trọng dụng cả những người tài hơn mình. Nhiều người thường có tâm lý sợ người tài hơn mình. Làm lãnh đạo mà “dị ứng” người tài như vậy thì không thể đưa đất nước đi lên được. Người biết sử dụng nhân tài sẽ đào tạo, phát triển được nhiều người tài hơn…

Cách sử dụng người tài xem ra chưa theo kịp yêu cầu phát triển mạnh mẽ của đất nước, thưa Giáo sư?

Đúng là chưa theo kịp. Nhưng tôi vẫn hy vọng. Đại hội Đảng lần thứ X đã khẳng định quyết tâm đổi mới toàn diện, trong đó có việc quan trọng là đổi mới cơ chế sử dụng, đề bạt, cất nhắc cán bộ. Chúng ta lại sắp gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - đòi hỏi phải hội nhập quốc tế mạnh mẽ hơn nữa. Đó là cơ hội để nhìn lại chính sách sử dụng, phát triển tài năng. Nếu không biết trọng dụng người tài sẽ thất bại.

Cán bộ phụ trách ngành nào, bộ nào, doanh nghiệp nào không có tài, không trọng dụng đúng người tài sẽ bị đào thải ngay. Chúng ta có thể hy vọng nhiều điều mới mẻ về chính sách đối với nhân tài, thu hút được nhiều nhân tài hơn trong công cuộc phát triển đất nước.

Theo Huy Hào
Đầu tư

MỚI - NÓNG