Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên (Đại biểu Quốc hội khóa I):

Trong Quốc hội tránh chất vấn e dè và trả lời lắt léo

Trong Quốc hội tránh chất vấn e dè và trả lời lắt léo
TP - Gặp vị tư lệnh đường Trường Sơn năm xưa bên hành lang Hội trường Ba Đình, trong những ngày Quốc hội khóa XI đang tổng kết nhiệm kỳ và chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa mới, Tiền phong đã  có cuộc trò chuyện với ông. Câu chuyện được bắt đầu từ hơn 60 năm trước...

Ngày 6/1/1946, lần đầu tiên nước ta đã tiến hành Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội. Lúc bấy giờ ông là một trong những ứng cử viên vào Quốc hội, xin ông cho biết, cuộc bầu cử đầu tiên đã diễn ra thế nào?

Chỉ vài tháng sau cuộc cách mạng long trời lở đất vào mùa thu năm 1945, toàn dân nước Việt từ 18 tuổi trở lên (không phân biệt nam nữ, tôn giáo, dân tộc) có quyền bầu cử và ứng cử vào cơ quan quyền lực Nhà nước.

Nền dân chủ lúc đó mặc dù rất non trẻ, nhưng đã  đạt đến những tiêu chí của các nền dân chủ tiên tiến đương thời (như bình đẳng giới, phổ thông đầu phiếu, không những cuộc bầu cử đã chấp nhận tự ứng cử một cách rộng rãi, mà còn chấp nhận cho những tổ chức đối nghịch có 70 ghế trong Quốc hội không qua bầu cử...).

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên là Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn từ 1967 - 1975 và là vị tướng Quân đội nhân dân Việt Nam được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được bầu làm Chủ nhiệm Việt Minh, kiêm Chỉ huy trưởng bộ đội Quảng Bình, và là đại biểu Quốc hội khóa I.

Từ năm 1982, ông là Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa V, Ủy viên chính thức Bộ Chính trị khóa VI (1986 - 1991), Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Cuộc bầu cử đã được tiến hành rất sôi nổi trong cả nước. Số liệu thống kê cho biết hơn 90% tổng số cử tri đã nô nức đi bỏ phiếu.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I đã thể hiện ý chí, quyết tâm và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền của nhân dân, đồng thời phản ánh sự tin tưởng sâu sắc của Đảng đối với quần chúng cách mạng.

Chính niềm tin đó đã tạo ra sự dân chủ và sức mạnh của đại đoàn kết. Chỉ nói về không khí của những buổi gặp gỡ giữa các ứng cử viên và người dân (bây giờ chúng ta gọi là tiếp xúc cử tri) trước khi bầu cử diễn ra cũng hết sức cởi mở.

Tham gia các buổi tiếp xúc đó, người dân được quyền nhận xét về các ứng cử viên, hội phụ lão và hội phụ nữ có tiếng nói rất quan trọng. Lúc bấy giờ ở tỉnh Quảng Bình, nơi tôi ứng cử, có 20 ứng cử viên nhưng chỉ có 5 người được bầu.

Trong Quốc hội tránh chất vấn e dè và trả lời lắt léo ảnh 1 Trong Quốc hội tránh chất vấn e dè và trả lời lắt léo ảnh 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người công dân số 1, đại biểu đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 2/3/1946, Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ nhất thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch  

Sau khi nhân dân bầu ra Quốc hội khóa đầu tiên, những hoạt động nào của Quốc hội đã gây ấn tượng lớn nhất với ông cho đến hôm nay?

Do hoàn cảnh lịch sử, Quốc hội khóa I có sự tham gia của nhiều thành phần, nên sự đấu tranh trên nghị trường hết sức kịch liệt. Những đại biểu là đảng viên Cộng sản như chúng tôi mỗi khi ra hội trường thường thắt cà-vạt màu đỏ và rất hăng hái phát biểu đối với các vấn đề được đưa ra quyết định tại Quốc hội, đặc biệt là việc quyết định Quốc kỳ, Quốc ca và ban hành bản Hiến pháp đầu tiên.

Trong Quốc hội tránh chất vấn e dè và trả lời lắt léo ảnh 3Đại biểu Quốc hội phải có lý luận, có thực tiễn, nhưng điều quan trọng nữa là phải có cái nhìn toàn diện. Tôi thấy phát biểu tại hội trường của không ít đại biểu Quốc hội trong các khóa vừa qua chỉ nói chuyện của địa phương, của bộ, của ngành...

Quốc hội là để bàn chuyện lớn chứ không phải để nói những chuyện cục bộ, hơn nữa dưới Quốc hội còn có các cơ quan dân cử là Hội đồng nhân dân các cấp để bàn chuyện địa phương rồi.Trong Quốc hội tránh chất vấn e dè và trả lời lắt léo ảnh 4

Tôi còn nhớ khi đặt vấn đề Quốc kỳ, có nhiều ý kiến khác nhau tại Quốc hội. Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đứng dậy nói: “Lá cờ đỏ sao vàng đã thấm máu đồng bào ta trong Nam Kỳ khởi nghĩa 1940. Chính lá cờ này đã cùng phái đoàn Chính phủ đi từ châu Á, cờ đã có mặt trên khắp đất nước Việt Nam. Vậy thì trừ 25 triệu đồng bào, còn không ai có quyền thay đổi Quốc kỳ và Quốc ca”.

Bản Hiến pháp đầu tiên sau khi được soạn thảo dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh (vào ngày 9/11/1946, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I) đã được thảo luận dân chủ và thông qua một bản Hiến pháp không những đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà còn đầu tiên ở Đông Nam Á.

Đây là văn bản luật đầu tiên đã khẳng định: “Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể chia cắt”.

Sau này, vào năm 1959, tôi được tham gia vào việc sửa đổi Hiến pháp, thì có thể thấy rằng, Hiến pháp 1946 không những là bản hiến văn rất ngắn gọn, mà những tư tưởng của nó có thể soi đường cho nhiều bản Hiến pháp về sau, nói như một nhà nghiên cứu là mỗi câu chữ trong đó đều “vang vọng tiếng dân”.

Một điều nữa tôi muốn nói về Quốc hội đầu tiên là việc họp hành rất ngắn và giải quyết công việc rất gọn.

Có đại biểu còn e sợ...

Nhà sử học Dương Trung Quốc khi bàn về Quốc hội đầu tiên, đã nói rằng, xét trên nhiều nội dung hoạt động cụ thể thì đúng là có nhiều điều Quốc hội hiện nay đang phấn đấu theo kịp ... ngày xưa. Ông nghĩ sao?

Tôi không nghĩ Quốc hội bây giờ chưa bằng Quốc hội ngày xưa. Trong hơn 60 năm qua, mỗi khóa Quốc hội đều có đóng góp cho sự phát triển của đất nước và có vai trò lịch sử nhất định, nhất là trong những năm gần đây theo chủ quan của tôi thì các hoạt động của Quốc hội đã thực sự khởi sắc, mở rộng dân chủ và ban hành được nhiều bộ luật quan trọng.

Trong Quốc hội tránh chất vấn e dè và trả lời lắt léo ảnh 5
Nhân dân Hà Nội bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa I. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, để đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân thì Quốc hội cần phải đổi mới nhiều hơn. Đặc biệt tôi muốn nhấn mạnh đến tinh thần đấu tranh trên nghị trường. Trong Quốc hội phải có đấu tranh thực sự, đấu tranh vì quyền lợi chính đáng của cử tri, đấu tranh để xây dựng Quốc hội mạnh hơn, cũng là để Đảng và Chính phủ mạnh hơn.

Nếu như tiếng nói trên nghị trường là tiếng nói vì đất nước, tiếng nói theo đúng Hiến pháp và pháp luật, thì không ngại gì đó là tiếng nói ngoài đảng hay trong đảng, bởi vì càng tranh luận nhiều thì các vấn đề càng được làm sáng tỏ hơn, nhất là tranh luận phải công khai cho toàn dân biết vì ở đây là tranh luận của những người đại biểu của dân.

Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong mỗi kỳ họp Quốc hội thường thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri. Với tư cách là cử tri, ông có nhận xét gì về hoạt động này của Quốc hội trong thời gian qua?

Sự quan tâm của cử tri phần nào cho thấy chất lượng của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội. Tuy nhiên, trực tiếp quan sát (ông Đồng Si Nguyên là đại biểu dự thính tại các kỳ họp Quốc hội-PV) hoạt động này tại Hội trường Ba Đình, tôi thấy có những đại biểu không chất vấn hoặc có đứng lên chất vấn đã biểu hiện sự dè dặt, nể nang, thậm chí là e sợ...

Ngay tại nhiệm kỳ QH khóa XI này, những đại biểu được đánh giá là chất vấn thẳng thắn chưa nhiều, thậm chí có những đại biểu khi phát biểu lại lắt léo để lồng vấn đề cá nhân vào. Về trả lời chất vấn, tôi rất không đồng tình với những Bộ trưởng cứ sau khi nghe ý kiến của các đại biểu thì lại đứng lên nhận lỗi, nhận hết tất cả kiểu như cho xong việc, mà không hề bày tỏ chính kiến của mình. Nhận lỗi như vậy thì chẳng giải quyết được việc gì!

Đừng phân biệt giới thiệu ứng cử hay tự ứng cử

Quốc hội khóa I (1946 - 1960)

Bầu cử ngày 6/1/1946.

Tổng số đại biểu: 403 (333 đại biểu được dân bầu, 70 đại biểu không qua bầu cử).

Thành phần xã hội trong Quốc hội: Trí thức 61%; công kỹ nghệ gia 0,6%; buôn bán 0,5%; thợ thuyền 0,6%; nông dân 22%.

Nguồn: Website Quốc hội (www.quochoi.vn)

Chỉ còn hơn 50 ngày nữa là đến thời gian bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII, theo ông cần làm gì để có một QH mới chất lượng?

Tới đây Mặt trận Tổ quốc sẽ lựa chọn để đưa ra danh sách cuối cùng các ứng cử viên.

Tôi nghĩ điều quan trọng nhất trong việc lên danh sách ứng viên chính thức của Mặt trận Tổ quốc, cũng như sau đó là việc lựa chọn của cử tri, là chọn được những người thực sự vì dân, vì nước, không phân biệt đó là người được giới thiệu ứng cử hay ứng cử tự do, không phân biệt họ ở cương vị nào...

Nhưng trong thời gian ngắn, sự tiếp xúc giữa các cử tri và các ứng cử viên không nhiều, thì làm sao để biết được ai thực sự vì dân, vì nước, thưa ông?

Quả thực đây là điều rất khó. Nhưng tôi nghĩ rằng, hãy tin vào tai, mắt của người dân. Vấn đề là các quy trình trước đó phải thật khách quan.

Xin cảm ơn ông.

Võ Văn Thành
Thực hiện

MỚI - NÓNG