Trồng rau trong nhà kính ở Trường Sa: Cần nhân rộng

Những khoảnh rau kiểu vườn treo babylon ở đảo chìm. Ảnh: Nam Cường
Những khoảnh rau kiểu vườn treo babylon ở đảo chìm. Ảnh: Nam Cường
TP - Đại tá Hoàng Ánh Tuyết (Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga) - chủ nhiệm Đề tài Trồng rau trong nhà kính ở Trường Sa cho hay, từ tháng 10-2009, UBND TPHCM thống nhất với Bộ Tư lệnh Hải quân về chủ trương nhân rộng mô hình trồng rau trong nhà kính tại các đảo ở Trường Sa. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa triển khai được vì chưa có vốn.
Những khoảnh rau kiểu vườn treo babylon ở đảo chìm. Ảnh: Nam Cường
Những khoảnh rau kiểu vườn treo babylon ở đảo chìm. Ảnh: Nam Cường .

Năm 2008, báo Tiền Phong từng đề cập đến mô hình trồng rau trong nhà kính ở đảo Trường Sa Lớn của nhóm tác giả gồm Đại tá Hoàng Ánh Tuyết, TS Ngô Quang Vinh và các cộng sự. Theo TS Vinh, ông cùng các cộng sự đã nghiên cứu vấn đề này từ tháng 4-2006 và thực nghiệm ở Cam Ranh cũng như các đảo Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông và nhà giàn Tư Chính. Sau đó, với thành công của một số loại rau trong nhà kính trên đảo Trường Sa Lớn, cán bộ chiến sĩ đã thường xuyên có rau tươi ăn hằng ngày.

Theo Đại tá Hoàng Ánh Tuyết, đến tháng 10-2009, nhóm tác giả đã báo cáo đề án nhân rộng mô hình này nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện các đảo chìm, đảo nổi và nhà giàn vì chưa có vốn. “Theo tính toán của chúng tôi, sau khi đề tài áp dụng thành công ở Trường Sa Lớn, số kinh phí cần để nhân rộng mô hình trên 10 đảo (nổi, chìm và nhà giàn) là khoảng 17 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền này vẫn đang chờ HĐND TPHCM phê duyệt” - Đại tá Tuyết nói.

Các đảo chìm ở Trường Sa đều không có đất trồng. Trong số 9 đảo nổi chỉ 3 đảo có nước ngọt, các đảo khác đều phải hứng trữ nước mưa để dùng. Vì thế, tại đảo chìm và nhà giàn, chỉ có thể áp dụng khay kính có nắp và các loại tủ trồng rau ăn non. Còn những đảo nổi có thể lắp đặt nhà kính. “Chỉ có áp dụng biện pháp trên thì chiến sĩ ở đảo chìm mới có rau tươi ăn thường xuyên” - Đại tá Hoàng Ánh Tuyết khẳng định.

Theo TS Ngô Quang Vinh, nước ngọt là một trong những vấn đề nan giải ở Trường Sa, vì thế trồng rau như hiện nay tốn nhiều nước tưới. “Hiện nước giếng tại Trường Sa có độ khoáng 0,32-0,7g/lít, giàu Ca, Na, Cl, SO4 nên sử dụng tốt cho ăn uống, tưới cây. Lượng nước hiện nay đủ dùng cho sinh hoạt và tưới rau.

Đảo Trường Sa Đông nhỏ, không có nước giếng nên nước dùng hạn chế, mùa khô năm nào khó khăn phải định mức 20 lít/người/ngày. Nguồn nước tại Trường Sa đông và đặc biệt tại các chốt của đảo chìm là yếu tố quyết định đến diện tích trồng rau nhiều hay ít. Hiện tại, lượng nước dự trữ không thể có đủ để tăng diện tích trồng trong mùa khô. Cần tính đến giải pháp tăng diện tích, làm sao trồng được dưới mưa” - TS Vinh nói.

Đến nay đề tài đã áp dụng rất thành công ở Trường Sa Lớn và được nhiều cán bộ lãnh đạo đánh giá cao “Những cán bộ từng ra Trường Sa như Trung tướng Trần Quang Khuê, Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hòa, Chuẩn đô đốc Lê Văn Đạo, Thiếu tướng Nguyễn Châu Thanh, ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, bà Phạm Phương Thảo - Phó Chủ tịch UBND TPHCM (nay là Chủ tịch HĐND - PV) đã nhận xét: Mô hình trồng rau trong nhà kính là rất phù hợp với các đảo trong quần đảo Trường Sa và cần nhân rộng” - Đại tá Tuyết bày tỏ.

MỚI - NÓNG