Nông thôn mới - những bất cập và hệ lụy - Bài 4:

Trọng tâm thành thứ yếu

Đầu tư cho phát triển kinh tế hạn hẹp, nên phương thức sản xuất của người dân ở nhiều xã của Quảng Bình vẫn cũ rích, lạc hậu.
Đầu tư cho phát triển kinh tế hạn hẹp, nên phương thức sản xuất của người dân ở nhiều xã của Quảng Bình vẫn cũ rích, lạc hậu.
TP - Phát triển kinh tế có tính bền vững, nhằm nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân là mục tiêu hàng đầu của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các địa phương đang chạy theo cơ sở hạ tầng mà “quên”, hoặc bế tắc giải pháp cho nhóm tiêu chí kinh tế.

Kinh tế chạy theo không kịp hạ tầng

Có thể nói, sau 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (CTXDNTM), bộ mặt nông thôn ở Quảng Bình đổi thay rõ rệt. Những con đường bê tông trải dài tít tắp; điện sáng như phố đến tận “hang cùng ngõ hẻm”; trường, trạm, trụ sở công quyền tầng cao vòi vọi… Nhưng xem ra, “cái vỏ” hoành tráng bên ngoài ấy ở nhiều nơi vẫn chưa thực sự mang lại cuộc sống ấm no bền vững cho đa số người dân.

Hầu hết các địa phương, khi xây dựng đề án, kinh phí dành cho xây dựng hạ tầng chiếm phần lớn nguồn lực xây dựng nông thôn mới, còn đầu tư cho phát triển kinh tế thì lại rất khiêm nhường. Như ở xã Hoàn Trạch (Bố Trạch), trong tổng nguồn vốn dự toán đầu tư xây dựng nông thôn mới, chỉ có 3% dành cho phát triển sản xuất; ở xã Đại Trạch (Bố Trạch) là gần 5%, còn xã được xem là đầu tư cho sản xuất nhiều nhất như Ngư Thủy Trung (Lệ Thủy) cũng chưa đến 20% .

Những con số nói trên minh chứng cho một thực tế, nhóm tiêu chí kinh tế đang bị các địa phương xem nhẹ. Phải chăng, vì kết cấu hạ tầng là những gì dễ nhận thấy khi kiểm tra, đánh giá; vì thời gian hoàn thành ngắn; hay còn nguyên nhân nào khác?

Hiện Quảng Bình vẫn còn nhiều xã ở những vùng có điều kiện tự nhiên, khí hậu và thổ nhưỡng khắc nghiệt, tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, trong lúc tỷ lệ vốn đầu tư cho phát triển sản xuất lại hạn hẹp, thì khó có thể thay đổi cuộc sống người dân. Xuân Trạch (Bố Trạch) là một xã nằm cạnh di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 47,9%. 

Đến nay, Xuân Trạch đạt 6/19 tiêu chí, trong đó phần lớn là hạ tầng, còn nhóm tiêu chí kinh tế thì bằng không. Với gần 400 ha đất nông nghiệp, trồng những cây thuần túy như: lúa, lạc, ngô… nếu “mưa thuận gió hòa” cũng chưa thể nuôi sống gần 6.000 nhân khẩu của xã này. 

Theo ông Cao Thế Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch, để nâng cao đời sống người dân, Xuân Trạch xác định tiêu là cây chủ lực để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho địa phương. Nhưng hai năm gần đây, do ảnh hưởng bão lụt và sâu bệnh, tiêu chết hàng loạt, đã dập tắt niềm hy vọng của nhiều hộ dân.

Ngay như xã Quảng Tân được thị xã Ba Đồn chọn làm xã điểm, xác định cán đích nông thôn mới vào cuối năm 2016, nhưng đa số người dân trong độ tuổi lao động phải tha hương kiếm việc làm. Ông Phạm Quốc Lành, Chủ tịch xã Quảng Tân thừa nhận, việc đầu tư cho ngành nghề sản xuất còn quá khiêm tốn, nên khó mà giữ chân người lao động ở lại quê hương.

“Tiểu xảo” tiêu chí hộ nghèo

Đầu tư cho phát triển kinh tế hạn hẹp, phương thức sản xuất cũ rích, lạc hậu nên đa số cuộc sống người dân chậm được cải tiến so với hạ tầng. Tỷ lệ hộ nghèo trên 5%, đồng nghĩa với việc không thể cán đích nông thôn mới, nên nhiều địa phương ở Quảng Bình “đẻ” ra sáng kiến mà nhiều người ví von là “tiểu xảo” trong cách tính hộ nghèo.

Xã Quảng Tiên (thị xã Ba Đồn) là địa phương thứ 2 vừa cán đích nông thôn mới. Có thể nói, hạ tầng của Quảng Tiên đứng vào hàng nhất nhì tỉnh Quảng Bình. Trụ sở xã là hai tòa nhà riêng biệt dành cho hai khối Đảng và chính quyền, trường tiểu học được xây dựng trên 30 tỷ đồng, hệ thống đường làng, ngõ xóm, kênh mương, giao thông nội đồng đều được bê tông hóa…

 Về được đích nông thôn mới, Quảng Tiên nợ đọng xây dựng cơ bản hơn 17 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Lê Văn Hoàn, Chủ tịch MTTQ Việt Nam xã Quảng Tiên cho rằng: “Nói Quảng Tiên nợ hơn 17 tỷ là oan cho xã. Thực chất nợ của xã chỉ hơn 3 tỷ, số còn lại hơn 14 tỷ là nợ của tỉnh và huyện”.

Ông Hoàn tự hào từ xã có điểm xuất phát thấp khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo trên 25%, nhưng chỉ sau 5 năm, Quảng Tiên hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,5%. Ông Hoàn cho biết, xã cũng có nhiều chính sách phát triển kinh tế, nhưng không hiệu quả lắm. Như mô hình trồng nấm, có tập huấn, có hỗ trợ giống, nhưng khi dự án rút đi thì mô hình cũng “chết”.

Ông Hoàn tiết lộ, xã có cách tính mới nên tỷ lệ hộ nghèo xuống thấp. Lãnh đạo Quảng Tiên đã ra chủ trương, những hộ thực sự nghèo nhưng có nguồn hỗ trợ, hoặc con cái có thu nhập cao thì không được bình bầu hộ nghèo. “Cha mẹ, ông bà nghèo nhưng con cháu thu nhập cao thì phải có trách nhiệm nuôi dưỡng chứ. Chẳng lẽ con cái ăn sung mặc sướng lại để cha mẹ đói khổ. Đảng viên, cán bộ thực hiện trước làm gương, rồi đến dân. Cũng có hộ phản đối nhưng đa số là đồng thuận” - ông Hoàn nói.

Trọng tâm thành thứ yếu ảnh 1

Trụ sở công quyền của xã Quảng Tiên (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) là hai tòa nhà hoành tráng.

Cứ tưởng đây là “cách tính mới” của xã Quảng Tiên, nhưng hóa ra ở 2 xã chuẩn bị cán đích nông thôn mới vào cuối năm 2016 là Quảng Tân và Quảng Hải (thị xã Ba Đồn) cũng vậy. Thậm chí ở hai xã này còn không cho tách hộ, để con cái phải có trách nhiệm với cha mẹ.

Quảng Hải là xã cồn bãi, khi bắt tay xây dựng nông thôn mới tỷ lệ hộ nghèo trên 40%, nhưng nay chỉ còn 8,07% và phấn đấu đến cuối năm sẽ về dưới 4%. Có năm Quảng Hải giảm trên 10% hộ nghèo. “Họ muốn tách hộ để cha mẹ thuộc diện hộ nghèo để được chế độ này, chế độ nọ, nhưng không được, con cái phải có trách nhiệm với cha mẹ” - ông Cao Xuân Ngọc, Chủ tịch UBND xã Quảng Hải nói.

Ông Cao Xuân Ngọc cũng tự hào cho biết: Để Quảng Hải có được sự phát triển kinh tế ngoạn mục như hiện nay là nhờ cầu Quảng Hải bắc qua sông Gianh hoàn thành vào năm 2010. Giao thông thuận lợi, người dân mở mang ngành nghề nên kinh tế phát triển nhanh chóng. Mặc dù không phải xã điểm, nhưng Quảng Hải đã phấn đấu và cán đích một cách ngoạn mục.

Theo ông Nguyễn Quốc Út, Phụ trách Văn phòng điều phối CTXDNTM Quảng Bình, các xã được coi là có điều kiện kinh tế xã hội tốt thì đều đã “về đích”, những xã còn lại, phần lớn đều rất khó khăn. Xây dựng nông thôn mới của Quảng Bình chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới bởi tư duy sản xuất hàng hóa của người nông dân chậm đổi mới; các hình thức tổ chức, dịch vụ nông thôn cũng chậm đổi mới, chủ yếu là kinh tế hộ gia đình.

Vì vậy, thiếu sự liên kết, manh mún, nhỏ lẻ nên rất khó tiếp cận với các chính sách hiện nay.  Chương trình xây dựng nông thôn mới không phải là một dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mà là chương trình phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, toàn diện, lâu dài trong nông thôn. Xây dựng nông thôn mới phải do cộng đồng dân cư làm chủ; huy động nội lực là chính với sự hỗ trợ một phần của nhà nước thì công cuộc xây dựng nông thôn mới thành công và bền vững.

MỚI - NÓNG