Tròng trành đò ngang tới trường

Con đò luôn đầy ắp học sinh nhưng không hề có phao cứu sinh và không được đăng kiểm
Con đò luôn đầy ắp học sinh nhưng không hề có phao cứu sinh và không được đăng kiểm
TP - Cứ lên một cấp học lại phải qua thêm một lần đò ngang. Hiểm họa đang rình rập trên con đường đến trường của học sinh thôn Trằm Mé (Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình).
Con đò luôn đầy ắp học sinh nhưng không hề có phao cứu sinh và không được đăng kiểm
Con đò luôn đầy ắp học sinh nhưng không hề có phao cứu sinh và không được đăng kiểm.

Cách trở đò giang

Thôn Trằm Mé ở phía tây cửa động Phong Nha, có hai xóm Trằm và Mé cách nhau một con sông Son. Không có đường bộ, bốn phía bị bao vây bởi trùng điệp núi đá vôi của Phong Nha - Kẻ Bàng. Từ khi lập làng đến nay, cửa ngõ duy nhất ra với bên ngoài của Trằm Mé là qua dòng sông Son.

Trằm Mé hiện có 210 hộ, gần 1.000 nhân khẩu. Đời sống khó khăn, cách trở đò giang nên việc học của trẻ em không được quan tâm.

Ông Trần Xuân Tiễn – Bí thư chi bộ thôn Trằm Mé cho biết: Sau khi Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới, ngành du lịch ở đây phát triển, nhu cầu sử dụng lao động có bằng cấp. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp cam kết sử dụng lao động địa phương nhưng với điều kiện phải có bằng cấp 3 trở lên. Một số con em trong vùng được nhận vào làm với công việc nhẹ nhàng, thu nhập ổn định. Do vậy, nhiều gia đình cố gắng cho con đi học với hy vọng đổi đời.

Trằm Mé hiện có gần 100 học sinh tiểu học, 60 học sinh học THCS và toàn thôn chỉ có 20 em học đến bậc PTTH. Do địa hình bị chia cắt bởi sông, núi, học sinh ở Trằm Mé phải qua nhiều chuyến đò ngang mới tới được trường.

Ngay từ bậc tiểu học, trường ở xóm Mé, các em ở bên xóm Trằm muốn đến trường thì phải vượt sông trên chiếc đò ngang. Lên đến THCS, các em ở xóm Mé lại phải qua sông để sang Trằm, rồi thêm một chuyến đò để vượt qua con sông dẫn vào cửa động Phong Nha mới đến được trường đóng ở trung tâm xã.

Lên đến THPT, đi lại càng gian nan hơn, cũng trên dòng sông Son này, các em phải vượt qua 3 lần đò, lòng vòng qua nhiều thôn xóm với hơn chục cây số mới đến được trường ở xã Phúc Trạch.

Hiểm họa rình rập

Cùng trên chuyến đò ngang chở đầy học sinh về thôn Trằm Mé, chúng tôi không khỏi rùng mình khi thi thoảng con đò tròng trành, nước liếm lên cả mạn thuyền. Đò không có phao cứu sinh, không được đăng kiểm cứ tiến về phía trước bằng sức đẩy của mái chèo.

Thậm chí học sinh còn phải qua lại trên những chuyến đò đêm
Thậm chí học sinh còn phải qua lại trên những chuyến đò đêm.

Em Nguyễn Thị Cẩm Tú - học sinh lớp 7H, Trường THCS Sơn Trạch nói: “Cháu biết bơi nhưng mỗi lần qua sông vẫn sợ lắm. Cháu nghe mọi người nói khi chìm đò là mọi người thường hoảng loạn và níu lấy nhau, người biết bơi cũng khó mà thoát ra. Ba cháu thường dặn, khi nào đò chìm thì lặn xuống thật sâu để thoát ra ngoài, nếu không sẽ bị người không biết bơi níu lấy là chết đuối...”.

Còn cô giáo Lê Thị Kim Nhung - giáo viên Trường Tiểu học Trằm Mé ngồi sụp dưới lòng thuyền, co rúm vì sợ hãi: “Em mới chuyển về trường này chưa quen và không biết bơi nên mỗi lần qua đò là sợ lắm. Biết không bảo đảm an toàn nhưng vẫn phải lên đò để đến lớp...”.

Ông Nguyễn Văn Hòa - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trạch cho biết: Không ít lần UBND xã kiểm tra, phạt tiền, thậm chí đình chỉ không cho đò hoạt động. Nhưng như vậy, số học sinh bỏ học lại tăng lên, xã lại phải nương tay, thậm chí phải vận động người dân đóng góp kinh phí để chủ đò chèo trở lại, đảm bảo sĩ số lớp học. Điều đó lý giải vì sao rất ít học sinh Trằm Mé học lên cấp 3 và đây từng là địa phương có tỉ lệ học sinh bỏ học nhiều của tỉnh.

Đò do dân lập ra, họ không có bằng cấp và chuyên môn. Do bà con còn nghèo, để các em đến trường, xã đã động viên lái đò chỉ nhận 30 kg lúa của mỗi hộ gia đình có học sinh. Mặc dù biết những chuyến đò nguy hiểm nhưng trước mắt chính quyền địa phương vẫn không có giải pháp nào hơn.

Ông Hòa cho biết thêm, vừa rồi Công ty may Sông Hồng có thông qua Đoàn Thanh niên tặng học sinh ở đây “cặp sách thông minh” làm phao cứu sinh. Chính quyền và phụ huynh học sinh cũng phần nào yên tâm hơn. Tuy nhiên, giáo viên và người dân qua đò ngang vẫn phải đối mặt với hiểm họa rình rập. Nói về những cây cầu bắc qua sông, ông Hòa lắc đầu: “Đó là ước mơ ngàn đời của người dân nơi đây nhưng không biết khi nào thành hiện thực”.

Khó có thể tính toán để hết một cấp học, không biết học sinh thôn Trằm Mé phải qua lại biết bao nhiêu lần trên những chuyến đò ngang ẩn họa, đặc biệt trong mùa mưa lũ, nước sông Son cuồn cuộn, chảy xiết. Con đường đến trường của các em ngày một dài thêm, trắc trở qua từng cấp học vì những chuyến đò ngang.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.