Trụ sở chính quyền thành phố Thủ Đức đặt ở đâu?

TPO - Trụ sở UBND quận 2, 9, Thủ Đức dự kiến sẽ được trưng dụng để bố trí làm trụ sở làm việc của Thành ủy, UBND, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của TP Thủ Đức trong tương lai, trong đó trụ sở Thành ủy TP Thủ Đức đặt tại UBND Quận 2; trụ sở HĐND và UBND TP Thủ Đức đặt tại UBND Quận Thủ Đức…

Ngày 1/10, Sở Nội vụ TPHCM đã có tờ trình về lộ trình, phương án sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khi thực hiện đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn TPHCM trong giai đoạn 2019-2021.

Tờ trình của Sở Nội vụ TPHCM cũng đề xuất phương án bố trí trụ sở làm việc của TP Thủ Đức trong tương lai. Cụ thể, trụ sở UBND 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức hiện tại sẽ được trưng dụng để bố trí làm nơi đặt trụ sở Thành ủy, UBND, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể của thành phố Thủ Đức.

Trụ sở chính quyền thành phố Thủ Đức đặt ở đâu? ảnh 1 Trụ sở HĐND và UBND Quận 2 dự kiến sẽ là trụ sở làm việc của Thành ủy Thành phố Thủ Đức sau khi thành lập

Theo đó, trụ sở UBND quận 2 (số 168 Trương Văn Bang, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2) được đề xuất làm nơi đặt trụ sở Thành ủy TP Thủ Đức. Trụ sở UBND quận Thủ Đức (số 43 Nguyễn Văn Bá, quận Thủ Đức) được bố trí làm trụ sở HĐND và UBND TP Thủ Đức.

Riêng trụ sở UBND quận 9 (số 2/304 Xa lộ Hà Nội, phường Hiệp Phú, quận 9) sẽ là trụ sở cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể TP Thủ Đức.

Theo Sở Nội vụ, số cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau khi sáp nhập 19 phường trên địa bàn TPHCM là 235 người, trong đó có 102 cán bộ, công chức dôi dư. Đối với số cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách nói trên, trong năm 2021, căn cứ vào lộ trình sắp xếp, rà soát tiêu chuẩn của cán bộ, công chức và người động không chuyên trách, TPHCM sẽ lập danh sách cụ thể số lượng, danh sách những người tiếp tục tham gia công tác tại đơn vị hành chính mới và số lượng, danh sách những người dôi dư trong giai đoạn 2021-2025 và giải quyết theo từng trường hợp cụ thể.

Trụ sở chính quyền thành phố Thủ Đức đặt ở đâu? ảnh 2 Trụ sở HĐND và UBND Quận Thủ Đức, nơi dự kiến đặt trụ sở làm việc của HĐND và UBND Thành phố Thủ Đức

Trường hợp 1: Nếu không đủ điều kiện hoặc đến tuổi nghỉ hưu, hết tuổi lao động thì giải quyết chế độ, chính sách theo quy định.

Trường hợp 2: Trường hợp đủ điều kiện để tiếp tục bố trí công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quận thì điều động sang đơn vị mới hoặc xét chuyển công chức cấp xã thành công chức cấp huyện trở lên.

Trường hợp 3: Trường hợp đủ điều kiện nhưng không thể bố trí công tác tại chỗ thì Sở Nội vụ tổng hợp danh sách, đồng thời rà soát nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, tổ chức khác. Từ đó hướng dẫn thủ tục điều động công chức hoặc xét chuyển công chức, bố trí vào vị trí công tác mới hoặc đăng ký thi tuyển công chức theo quy định.

Từ năm 2022 trở đi, TPHCM sẽ thực hiện tương tự như năm 2021 cho đến khi đảm bảo số lượng theo quy định.
Trụ sở chính quyền thành phố Thủ Đức đặt ở đâu? ảnh 3 Trụ sở HĐND và UBND Quận 9 dự kiến đặt trụ sở làm việc của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể Thành phố Thủ Đức trong tương lai

Đối với TP Thủ Đức, sau khi thành lập, trên cơ sở sắp xếp lại, số lượng công chức, viên chức dôi dư sẽ là 399 người, trong đó có 309 cán bộ, công chức. Việc sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức dôi dư tại TP Thủ Đức cũng tương tự như sắp xếp cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau khi sáp nhập 19 phường trên địa bàn TPHCM.

Ban Tổ chức Thành ủy, Sở Nội vụ sẽ tổng hợp số lượng, danh sách những trường hợp cần giải quyết dôi dư của ba quận: 2, 9 và Thủ Đức, rà soát nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị để tham mưu thực hiện thủ tục điều động cán bộ, công chức, viên chức hoặc xét chuyển viên chức thành công chức và bố trí vị trí công tác. Từ năm 2022 trở đi sẽ thực hiện tương tự như năm 2021 cho đến khi đảm bảo số lượng theo quy định.

MỚI - NÓNG