Trung Bộ và Tây Nguyên vẫn mưa to đến rất to

Trung Bộ và Tây Nguyên vẫn mưa to đến rất to
TP - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương (DBKTTV), trong vài ngày tới, các tỉnh thuộc khu vực Bắc và Trung Trung Bộ, Tây Nguyên vẫn tiếp tục có mưa to đến rất to.
Trung Bộ và Tây Nguyên vẫn mưa to đến rất to ảnh 1
Bão số 6 với sức tàn phá khủng khiếp, gió giật cấp 13 đã hất văng cả những chiếc xe tải lớn  Ảnh: Mỹ Hằng

Lũ trên các sông cũng sẽ lên nhanh. Nhiều sông vượt mức báo động II và báo động III. Riêng sông Hương lên mức 4,4 m (trên báo động III 1,4 m, sông Bồ lên mức 5,1 m (trên báo động III là 0,6 m). Nguy cơ lũ quét, ngập lụt diện rộng và sạt lở đất rất cao.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của bão số 6 chưa tan hết, khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ cũng có mưa tuy không to. Bắc bộ cũng sẽ có mưa trong vài ba ngày đầu tuần do ảnh hưởng của đới gió đông nam. Vài nơi ở vùng nam đồng bằng Bắc Bộ có mưa vừa.

Các tỉnh Trung Trung bộ và Bắc Tây Nguyên, bước đầu xác định có mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến từ 150-350 mm. Một số nơi trên 350 mm như đảo Lý Sơn, Nam Đông và A Lưới.

Do mưa lớn, lũ các sông ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam lên rất nhanh. Đến chiều 1/10, lũ trên sông Hương lên mức 4,09 m (trên báo động III là 1,09 m) , sông Bồ lên mức 4,98 m (trên báo động III 0,48 m). 

Chiều 1/10, bão số 6 tiếp tục di chuyển theo hướng tây, đi sâu vào đất liền. Dự báo, đến trưa và chiều nay 2/10, bão số 6 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới với sức gió cấp 6 trên lãnh thổ Thái Lan. Trung tâm DBKTTV nhận định đây là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào nước ta kể từ năm 1995 trở lại đây.

Thêm một cơn bão xa

Ngoài khơi Tây Thái Bình Dương lại đang có một cơn bão hình thành và phát triển. Tuy nhiên, Trung tâm DBKTTV cho rằng còn quá sớm để khẳng định nó có tác động gì đến nước ta hay không.

Chiều 1/10, nó ở vị trí 13,5-14,5 độ vĩ bắc, 135-136 độ kinh đông, cách quần đảo Philippines khoảng 1.500 km. Như vậy, nó còn cách nước ta khoảng gần 3.500 km về phía đông.

Trước diễn biến phức tạp, Trung tâm DBKTTV thừa nhận chưa thể tiên lượng được gì từ cơn bão còn yếu này.

Cơn bão bất thường

Bão Xangsane với diễn biến ban đầu gây cho các nhà khí tượng nhiều bất ngờ. Khi chỉ là áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Samar (hôm 25/9), các chuyên gia thuộc cơ quan thiên văn và khí tượng Philippines (PAGASA), phát hiện sự bất thường của nó cả về hướng di chuyển cũng như cách thức phát triển thành bão.

Về hướng đi, dựa trên mô hình số học, Milenyo (tên người Philippines gọi bão Xangsane) đáng lẽ đi về phía bắc, tới vùng Bicol trước khi tấn công thung lũng Cagayan trên đường rút khỏi Philippines. Nhưng thực tế, nó đi theo hướng khác hẳn. Về cường độ, nó lớn rất nhanh. Chỉ hai ngày sau, nó vụt thành cơn bão với sức gió mạnh cấp 15.

Gió giật rất mạnh so với tốc độ gió vùng gần tâm bão cũng bất thường. Khoảng 7-9 giờ sáng 1/10, bão số 6 đổ bộ vào miền Trung nước ta và tâm bão đi vào thành phố Đà Nẵng. Trung tâm DBKTTV lúc đầu dự đoán, bão số 6 khi đổ bộ chỉ còn mạnh cấp 11-12.

Tuy nhiên, tại Đà Nẵng, cơ quan khí tượng thủy văn địa phương đo được gió mạnh cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Tại thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam), gió bão mạnh cấp 9 nhưng giật trên cấp 13. Tại đảo Lý Sơn, gió cũng chỉ cấp 10 nhưng giật cấp 13. Còn tại Huế, gió mạnh cấp 8 và giật cấp 10.

Các nhà khoa học quốc tế đang nghiên cứu các sự kiện đáng chú ý xảy ra năm 2006 mà họ gọi là “năm có quá nhiều bất thường về thời tiết”. Bốn tháng sau khi thoát khỏi hiện tượng thời tiết La Nina, chúng ta đang đối mặt El Nino trỗi dậy ở vùng Thái Bình Dương.

Tại Philippines, người ta nhận thấy gió mùa tây nam đến chậm hơn bình thường. Gió đi về phía Visayas và Mindanao thay vì Luzon, nơi lẽ ra nó thường đến. 

MỚI - NÓNG