Trưng cầu ý dân phải trên quan điểm trọng dân, tin dân

ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) đề nghị nên quy định hai hình thức trưng cầu ý dân trong phạm vi toàn quốc và địa phương hoặc khu vực. Ảnh: Như Ý.
ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) đề nghị nên quy định hai hình thức trưng cầu ý dân trong phạm vi toàn quốc và địa phương hoặc khu vực. Ảnh: Như Ý.
TP - Chiều 23/6, thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân, đa số các đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) đều tán thành với việc xây dựng luật nhằm mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia vào công việc của Nhà nước. Tuy nhiên, để luật đi vào cuộc sống, nhiều ý kiến đề nghị cần tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về những vấn đề sẽ được quy định trong dự thảo luật, nhất là về quy định phạm vi trưng cầu và nội dung định trưng cầu…

Quy định chung chung thì luật khó đi vào cuộc sống

Theo ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội), khi nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp năm 1992, chúng ta cũng đã nghiên cứu và nhận thấy rằng, việc trưng cầu ý dân chính là phương thức gắn kết nhà nước với dân. Vì thế việc xây dựng và ban hành Luật Trưng cầu ý dân là hết sức cần thiết, phù hợp với xu thế tiến bộ, phát huy quyền dân chủ trực tiếp của người dân. Nhưng do đây là vấn đề mới, nhiều phức tạp, nhạy cảm nên đòi hỏi khi xây dựng phải thận trọng, không quá dễ dãi mà cũng không quá bảo thủ. Trên quan điểm đó, ông Thảo đồng tình với quy định trong dự thảo luật là, những vấn đề QH quyết định trưng cầu ý dân là những vấn đề thuộc thẩm quyền của QH.

Tán đồng với ý kiến trên, ĐB Trần Hoàng Thắm (Cần Thơ) cũng cho rằng, “trưng cầu ý dân là biểu hiện đỉnh cao của nền dân chủ”, nhưng nếu bây giờ quy định cụ thể, rõ ràng ngay vào trong luật về những vấn đề sẽ đưa ra trưng cầu ý dân  thì sẽ không phù hợp. Vì thực tế có rất nhiều vấn đề mà chúng ta chưa thể lường hết. Do đó, quy định khái quát như trong dự thảo là phù hợp.

Cho rằng, nếu quy định nguyên tắc thì khi luật có hiệu lực rất khó đi vào cuộc sống, nhưng quy định cụ thể quá thì cũng khó thực hiện ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) đề nghị nên lấy ý kiến nhân dân về vấn đề trên. “Đây là Luật Trưng cầu ý dân, có nghĩa là QH muốn những vấn đề gì sẽ phải hỏi ý kiến nhân dân? Nhưng còn một vế mà QH cũng phải hết sức lưu tâm là người dân muốn tham gia trực tiếp vào những vấn đề gì của đất nước?”, bà Tâm nêu câu hỏi, đồng thời cho rằng, hơn lúc nào hết QH nên tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Điều 6 để biết người dân họ muốn gì, sau đó quy định vào trong dự thảo luật cho phù hợp.

“Trưng cầu ý dân là một bước tiến phát huy dân chủ trong xã hội, quyền làm chủ trực tiếp của người dân. Việc xây dựng các quy định trong luật phải trên quan điểm xuyên suốt là trọng dân, tin dân. Tin dân, tức là khi chúng ta trưng cầu ý dân thì ý của dân là quyết định. Luật cũng phải thể hiện rõ quan điểm về vấn đề này”, bà Tâm nói.

Có trưng cầu ý dân theo khu vực?

Đề cập về phạm vi tiến hành trưng cầu ý dân, ĐB Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh) cho rằng, thực hiện trong phạm vi cả nước là phù hợp. Đối với các vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân ở một số địa phương hoặc vùng lãnh thổ nhất định thì đã có hình thức lấy ý kiến nhân dân rồi. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng tán thành với quy định trên với lập luận, những vấn đề ở địa phương nhưng thực tế lại là của cả Quốc gia. “Hạ Long đúng là của Quảng Ninh, Phú Quốc của Kiên Giang, hang Sơn Đoòng của Quảng Bình… nhưng đây cũng là của cả nước. Các tỉnh không thể muốn quyết như thế nào cũng được. Vì thế, quy định lấy ý kiến của người dân cả nước là đúng và phù hợp”, ông Nghĩa nói.

“Trưng cầu ý dân là một bước tiến phát huy dân chủ trong xã hội, quyền làm chủ trực tiếp của người dân”. 

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm

Tuy nhiên, cũng có ĐB lập luận rằng, cần có quy định mở cho trường hợp trưng cầu ý dân ở địa phương. Chẳng hạn, trưng cầu ý dân về Hiến pháp thì phạm vi toàn quốc, còn những vấn đề về kinh tế vùng miền thì trưng cầu ý dân ở địa phương. Quy định trưng cầu ý dân trong phạm vi địa phương đối với một số vấn đề ở địa phương ảnh hưởng đến cả nước…

“Các đại biểu lập luận rằng, đối với những vấn đề địa phương, khu vực thì có thể thực hiện bằng cách thức lấy ý kiến nhân dân. Nhưng rõ ràng tính chất và hệ quả pháp lý của việc trưng cầu ý dân và lấy ý kiến nhân dân là rất khác nhau. Trưng cầu ý dân là theo luật định, chặt chẽ, kết quả của nó có ý nghĩa quyết định. Còn lấy ý kiến chỉ có tính chất tham khảo chứ không có giá trị quyết định. Như vậy là không công bằng, không phù hợp, trong khi những vấn đề đó lại rất quan trọng đối với địa phương như vấn đề an toàn hồ đập, an toàn điện hạt nhân”, ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) nói. Ông Niễn cũng đề nghị nên quy định hai hình thức trưng cầu ý dân trong phạm vi toàn quốc và trong phạm vi địa phương hoặc khu vực.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cũng ủng hộ đề nghị trên. “Chúng ta hoàn toàn có thể quy định tiến hành trưng cầu ý dân  cả ở địa phương, cơ sở, chứ không bắt buộc cứ phải là trong phạm vi toàn quốc. Vì ý dân không chỉ là trong cả nước mà còn là ở khu vực, cơ sở. Các nước thực hiện chủ yếu là ở cơ sở chứ đâu có thực hiện ở phạm vi toàn quốc. Do đó, theo tôi nên đưa vấn đề này ra để lấy ý kiến nhân dân, thăm dò ý kiến nhân dân để rồi ban hành cho phù hợp”, ông Phúc nói.

MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.