Trùng Khánh (Cao Bằng): Hàng trăm con dê chết vì bệnh lạ

Trùng Khánh (Cao Bằng): Hàng trăm con dê chết vì bệnh lạ
Thời gian gần đây, trong khi các địa phương đang lo dịch cúm gia cầm xuất hiện trở lại, thì những hộ nuôi dê ở Trùng Khánh lại rất lo lắng vì đàn dê đang chết dần.
Trùng Khánh (Cao Bằng): Hàng trăm con dê chết vì bệnh lạ ảnh 1
Đàn dê ở Trùng Khánh đang bị chết dần

Năm 1990, đàn dê đầu tiên của huyện Trùng Khánh là giống dê từ Ba Vì (Hà Tây). Qua hơn 15 năm, đàn dê đã phát triển nhanh chóng.

Nhưng gần đây dê chết hàng loạt khiến nhiều hộ gia đình nuôi dê nản lòng. Chúng tôi tìm đến gia đình anh Hoàng Văn Ước ở xóm Pác Thay, Ngọc Khê, hộ nuôi dê điển hình ở Trùng Khánh, khi được hỏi anh Ước buồn bã nói: Đàn dê nhà tôi nuôi từ tháng 6/2002, tất cả 38 con trong vòng một tuần đã chết hết, nếu còn thì bây giờ chắc phải trên trăm con rồi.

Không chỉ có gia đình anh Ước, nhiều hộ gia đình nuôi dê ở Pác Thay cũng đã trắng tay. Nhìn gian chuồng nuôi dê trống trải, mái nghiêng, anh không buồn sửa sang, mỗi lần nhìn là một lần tiếc rẻ. Giá 1kg dê hiện nay 20-22 nghìn thì gia đình anh Ước cũng đã mất toi mấy chục triệu đồng.

Dọc theo dòng sông Quây Sơn, chúng tôi tìm đến gia đình ông Nguyễn Đình Cố ở bản Diết - Đàm Thuỷ. Gần 50 con dê của ông giờ chỉ còn vài con. Ông Cố cũng không thể biết được liệu những con dê còn lại liệu có qua khỏi đợt bệnh lạ này. Trước đây đi qua bản Diết ai cũng gặp đàn dê gặm cỏ ven đường, tiếng chuông mõ kêu rộn rã, tiếng dê con gọi mẹ he he, giờ vắng tanh vắng ngắt.

“Chúng tôi đã chôn những con dê chết rất cẩn thận, không dám ăn thịt vì không biết dê chết bệnh gì. Lỡ nó lây sang người thì sao? Tiếc thì vẫn tiếc nhưng chẳng biết làm thế nào” - ông Cố nói. Dê phát bệnh, người dân chạy đi hỏi cán bộ Thú y tìm mua thuốc chữa nhưng không khỏi được.

Xã Đình Phong, nơi phát sinh bệnh đầu tiên trong huyện đã chết gần trăm con. Ông Nông Văn Mạng, Bí thư Đảng uỷ xã nuôi trên 20 con dê đều đã chết sạch. Ông Mang cho biết: Dê là loài vật dễ nuôi, nhưng cũng có nhiều bệnh lắm, năm nào cũng mắc một số bệnh khi thời tiết thay đổi. Nhưng những bệnh trước đây dùng thuốc thú y, thuốc từ các cây cỏ là chữa được, còn riêng lần bệnh này thì không ai chữa được, cứ nhìn đàn dê chết dần mà đau.

Ông Hoàng Hoàn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y huyện Trùng Khánh cũng không biết được nguyên nhân gây bệnh. Ông đã báo cáo với Chi cục Thú y tỉnh và mời cả Cục Thú y Trung ương lên lấy mẫu xét nghiệm nguyên nhân gây bệnh. Cục Thú y đã có văn bản trả lời cho Chi cục thú y, dê ở Trùng Khánh đã mắc bệnh lưỡi xanh hiện chưa có thuốc phòng và trị bệnh.

Con dê nổi mẩn ở cổ, mắt sưng, dẫn đến mù sau 3-4 ngày thì chết. Một trong những nguyên nhân để mầm bệnh lan ra nhiều xã, là do một số hộ gia đình sau khi dê chết đã quẳng xác xuống sông Quây Sơn, các hộ gia đình ở cuối nguồn lấy nước cho dê uống đã làm chết nhiều dê. Chưa tìm ra thuốc chữa trị, người nuôi dê vẫn còn nhiều nỗi lo, mà lo nhất là khi dê phát bệnh chết sạch thì họ lấy dê đâu trả lại nợ. Vì phần lớn các hộ đều phải vay vốn mua dê giống. 

MỚI - NÓNG