Trung tâm báo chí SEA Games 22 sắp biến thành... chốn ăn chơi

Trung tâm báo chí SEA Games 22 sắp biến thành... chốn ăn chơi
Lý do gì mà một công trình bạc tỷ ở TPHCM chưa được nghiệm thu, chưa được kiểm toán đã phải vội vã đập bỏ thiết kế?
Trung tâm báo chí SEA Games 22 sắp biến thành... chốn ăn chơi ảnh 1

Có thể nói vị trí của Toà nhà Trung tâm Điều hành báo chí (TTĐHBC) đẹp thuộc loại bậc nhất TPHCM (số 3 Phan Văn Đạt, quận 1). Theo dự án, công trình này là một cao ốc đa năng, có  diện tích sàn xây dựng 3.504 m2 (gồm 1 hầm, 1 trệt, 9 lầu) với kinh phí đầu tư ban đầu được trích từ nguồn ngân sách TP là 12,544 tỷ đồng, nhằm làm TTĐHBC phục vụ SEA Games 22 và do Sở TDTT quản lý.

Theo quyết định số 4446/QĐ-UB, ký ngày 29/10/2002 của UBND TP thì sau khi kết thúc SEA Games 22 “toà nhà sẽ được sử dụng làm nhà khách, nhà truyền thống của ngành TDTT”. Trên giấy tờ văn bản thì công năng của toà nhà này ai nghe cũng thấy bùi tai, nhưng trên thực tế, những người điều hành dự án này đã “bắt tay” với các doanh nghiệp tư nhân bày trò “ảo thuật” để phù phép hoán đổi công năng toà nhà thành một nơi ăn chơi, giải trí.

Đến trò “bịt mắt bắt dê”

Ngày 11/2/2004, Phó Giám đốc Sở TDTT TPHCM Trần Hồng Thắm lập tờ trình UBND và Sở Nội vụ TPHCM xin thành lập “Nhà khách Thể thao” (Khách sạn Thể thao – Sports Hotel), thuộc toà nhà đa năng trên.

Theo đó,  Sở cũng lập hẳn một Quy chế tổ chức hoạt động – quản lý nhà khách, trực thuộc Sở. Quy chế quy định nhà khách là để phục vụ khách của ngành TD-TT, kết hợp kinh doanh có thu để nộp ngân sách nhà nước.

Cái gọi là “nguồn thu để nộp ngân sách”, gồm một loạt dịch vụ “ăn chơi nhảy múa”: phòng ngủ, nhà hàng - ca nhạc; xông hơi - massage, karaoke... Song, đề án này còn lồng một lô chức năng khác: được hợp tác, cho thuê, liên doanh hoạt động các loại dịch vụ như: văn phòng, nhà hàng, ăn uống, du lịch, văn hóa, TDTT…

Ngày 5/8/2004, UBND TPHCM ký quyết định cho phép Sở TD-TT thành lập Sport hotel. Ngày 13/8/2004, ông Trịnh Thanh Bình – GĐ Sở TDTT  TPHCM lúc đó, cũng ra quyết định xác nhận Sport hotel là đơn vị sự nghiệp có thu. Tiếp đến ngày 14 & 16/8/2004, ông Bình ban hành 2 quyết định bổ nhiệm cán bộ, bố trí bộ máy nhân sự để điều hành Sport hotel. Nhìn chung về hình thức, mọi chuyện đều được lãnh đạo Sở TDTT thực hiện rất bài bản, phù hợp cơ chế quản lý, nhưng bên trong lại là chuyện khác.

Đập phá… 13 tỷ đồng

Trước thời gian tờ trình đang chuẩn bị chuyển sang cấp thẩm quyền thì bên ngoài  dư luận cũng râm rang về chuyện một doanh nghiệp tư nhân đang chuẩn bị xúc tiến kế hoạch xin “thầu”  toà nhà để kinh doanh nhà hàng và dịch vụ thuê văn phòng.

Quả nhiên, ngày 18/12/2003, Cty TNHH SX-TM Thiên Hà (Galaxy Co.) do bà Lê Thị Việt Khánh làm Giám đốc, đã có công văn trình bày kế hoạch thuê công trình này, với  thời hạn trong 10 năm. Đề án được Sở TDTT chấp nhận.

Hiện tại, để triển khai việc “bắt tay” này, Galaxy đã đưa người vào tòa nhà tiến hành tháo dỡ vách ngăn, cửa; hệ thống kỹ thuật điện nước, báo cháy, thiết bị vệ sinh tại các lầu 5,6,7,8.

Ngày 28/2, PV Tiền Phong đã gọi điện thoại đến Galaxy hỏi về việc thuê văn phòng tại toà nhà trên thì được báo đã được khách hàng đăng ký kín chỗ, trong đó có nhiều doanh nghiệp, văn phòng đại diện của nước ngoài.

Không chỉ là lãng phí

Thời điểm “xúc tiến kinh doanh” giữa Sport hotel và Galaxy diễn ra cũng là lúc UBND TP đang giao nhiệm vụ cho Sở TDTT thuê cơ quan kiểm toán, nhằm điều chỉnh dự án phát sinh số vốn đầu tư toàn bộ dự án xây dựng TTĐHBC từ 12,5 tỷ đồng lên 13,2 tỷ đồng, làm căn cứ để quyết toán công trình xây dựng tòa nhà.

Song song với chỉ đạo này, UBND TP còn giao cho Sở TDTT kiểm điểm, làm rõ sai phạm và có biện pháp xử lý những ai đã gây ra phát sinh gần 1 tỷ đồng nói trên. Mọi vấn đề này, Sở TDTT phải báo cáo UBND TP trước ngày 5/9/2004. Thế nhưng, mọi chuyện vẫn không được ngăn chặn.

Từ đó đến nay, Galaxy ra hàng loạt văn bản yêu cầu Sport hotel cho tháo dỡ các vách ngăn để lấy không gian. Kể cả việc Cty này bất chấp kiến nghị của Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM “phải đình chỉ ngay việc tháo dỡ, sửa chữa cải tạo cho đến khi có ý kiến chính thức của cơ quan có thẩm quyền”.

Nhiều ý kiến của người trong cuộc đã phản đối hành động trên của Galaxy, vì theo họ việc thay đổi các vách ngăn đã làm thay đổi hoàn toàn kiến trúc cải tạo của ngôi nhà mà không theo một bản thiết kế nào!

Lý do gì mà một công trình chưa được nghiệm thu, chưa được kiểm toán đã phải vội vã đập bỏ thiết kế? Đó có phải là hành động phủi bỏ trách nhiệm của lãnh đạo Sở TDTT  TPHCM trong việc làm phát sinh thêm vốn đầu tư của toà nhà 1 tỷ đồng?   

         Hành động “kỳ lạ” của Cựu Giám đốc Sở                        Trịnh Thanh Bình?

Trong cùng một ngày (13/8/2004), ông Trịnh Thanh Bình cùng ký 2 văn bản mâu thuẫn. Đó là quyết định xác nhận Sport hotel là đơn vị sự nghiệp có thu,  phải “xây dựng quy chế hoạt động phù hợp với Quyết định của UBND TP, xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm...”. Kèm theo quyết định trên là 2 quyết định bổ nhiệm cán bộ, bố trí bộ máy nhân sự cho Sport hotel.

Cũng ngày này ông Bình, đại diện lãnh đạo cao nhất của Sở TDTT, ký với Galaxy về “Hợp đồng hợp tác khoán thu” Sport hotel. Theo thỏa thuận, Sport hotel cho Galaxy hợp tác khoán thu Sport hotel để kinh doanh dịch vụ: khách sạn, nhà hàng và thuê văn phòng cũng như các dịch vụ kèm theo.

Tầng trệt, 1, 2, 3, 4, 5, 7 và 8 dùng cho thuê căn hộ và văn phòng. Tầng 6 và tầng 9 dùng để kinh doanh nhà hàng ăn uống.  Tổng cộng hợp đồng thuê của Galaxy là 2,3 tỷ đồng/năm. Điều cần nói trong trường hợp này, hai bên thỏa thuận: sẽ ký kết khi cấp thẩm quyền phê duyệt.

Nhưng khi chưa được phê duyệt, cùng ngày 13/8/2004, Galaxy cũng ký luôn Hợp đồng ghi nhớ hợp tác khoán thu khai thác sân thượng Sport hotel, với giá khoán mỗi năm Galaxy trả cho Sport hotel là 200 triệu đồng (?) Vừa ra quyết định thành lập bộ máy điều hành Sport hotel , rồi lại cho Galaxyco thầu lại, vậy ai sẽ quản lý và điều hành Sport hotel?

MỚI - NÓNG