Trung tâm dạy nghề miền Trung - Tây Nguyên: Nông dân không mặn mà

Trung tâm Dạy nghề miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh: Nam Cường
Trung tâm Dạy nghề miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh: Nam Cường
TP - Dù được đầu tư lớn, triển khai rầm rộ, nhưng Trung tâm Dạy nghề khu vực miền Trung-Tây Nguyên hoạt động không hiệu quả, trong khi hàng ngàn nông dân ở Đà Nẵng đang thất nghiệp.

Nặng lý thuyết, nhẹ thực hành

Hình thành từ năm 2012, Trung tâm Dạy nghề khu vực miền Trung- Tây Nguyên (thuộc Trường Trung cấp Nghề - Hội Nông dân Việt Nam), đóng tại quận Liên Chiểu, Đà Nẵng, đến nay mới mở được 16 lớp, với hơn 500 học viên tham dự.

Trung tâm (TT) có khuôn viên rộng lớn, bao gồm 2 dãy nhà 4 tầng nhưng hiện tại chỉ có 2 giáo viên cơ hữu. Mỗi khi mở lớp, TT phải đi thuê giáo viên thỉnh giảng. Kinh phí xây dựng khoảng 50 tỷ đồng, đến nay vẫn còn nhiều hạng mục chưa được thực hiện, như ký túc xá, khu nhà nghỉ cho giáo viên, khu thực nghiệm…

Theo ông Lê Mạnh Phát, Phó giám đốc TT, ngay từ khi thành lập, TT đầu tư thiết bị mở 6 ngành nghề dạy cho nông dân, trong đó có nhiều thiết bị hiện đại. Đến nay, đa số thiết bị vẫn “đắp chiếu”, chưa sử dụng, còn các lớp dạy học đều được dạy bằng thủ công. Hiện TT dạy 6 nghề chính là trồng nấm, nuôi cá, trồng hoa cây cảnh, chăn nuôi thú y, quản lý trang trại và may công nghiệp. Trên thực tế, mới chỉ có 2 lớp hoa cây cảnh, 2 lớp nuôi trồng thủy sản và 12 lớp trồng nấm được mở.

Nông dân Nguyễn Văn Hùng (thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên, Đà Nẵng), hiện không còn đất sản xuất, theo học nghề trồng nấm ở TT ngay từ khóa đầu. Anh cho hay, các giảng viên về cơ bản chỉ dạy theo lý thuyết, ít khi cho nông dân thực hành. Ngoài ra, nhiều giảng viên từ Hà Nội vào không hiểu được khí hậu, thổ nhưỡng ở miền Trung, nên đa số nông dân ít áp dụng bài học mà tự mày mò hoặc học hỏi ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh. “Tôi được học trồng nấm bằng phương pháp hiện đại, nhưng học xong, sản phẩm làm ra không thể nào bằng biện pháp trồng thủ công, cạnh tranh không nổi vì giá thành cao, đành bỏ”, anh Hùng nói.

Liên kết hay cho thuê cơ sở?

Có mặt tại TT, chúng tôi chứng kiến không khí ảm đạm của một ngày học bình thường. Hầu như tất cả các phòng đều đóng cửa, chỉ còn lại phòng hành chính cùng 2 lớp học may. Giữa đồng không mông quạnh, bề ngoài TT khá khang trang, hoành tráng, nhưng phía trong nhếch nhác. Nơi cầu thang, mùi phân chim bốc lên nồng nặc. Theo tìm hiểu, 2 lớp may là của một Cty may mặc đang thuê cơ sở để hoạt động.

Ông Lê Mạnh Phát nói: “Tôi không có quyền hạn gì hết, chức năng của tôi chỉ là trông coi cơ sở vật chất. Mọi phát ngôn báo chí đều phải có ý kiến của hiệu trưởng, giám đốc trung tâm”. Ông Phát phản bác những lập luận cho rằng việc dạy học thiếu hiệu quả. “Khi khai giảng, chúng tôi có thông qua Hội Nông dân thành phố, họ cũng có trách nhiệm về mặt quản lý ở đây. Sau đó, về giảng viên, giáo trình, học viên hay việc dạy học như thế nào, chúng tôi đều xin phép Sở LĐ-TB&XH. Sở thông qua, chúng tôi mới dám mở lớp dạy chứ”, ông nói. Tùy theo kinh phí trên phẩn bổ như thế nào thì dạy thế đó, ông nói. Kinh phí như thế nào thì ông bảo không nắm rõ.

Về thông tin cho thuê cơ sở, ông Nguyễn Văn Đại, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề- Hội Nông dân Việt Nam, Giám  đốc TT, nói rằng, đó là thông tin sai lệch. “Hai lớp may đó là chúng tôi liên kết với một đơn vị khác để cùng dạy. Chúng tôi có cơ sở, giảng viên, còn phía đối tác có thiết bị. Cái đó là đúng chủ trương, chứ chúng tôi không có cho thuê gì cả”, ông Đại nói.

Theo tìm hiểu, tháng 7, TT cho một đơn vị trực thuộc Cty TNHH Hải Hoàng Khang thuê lại. Sau 1 tháng hoạt động, đơn vị này trả lại vì không hiệu quả. Sau đó, phía TT chủ động liên hệ với đại diện Cty TNHH Hải Hoàng Khang để Cty này thuê lại với giá mỗi tháng 10 triệu đồng.

Trung tâm Dạy nghề Nông dân khu vực miền Trung - Tây Nguyên được hình thành theo diện triển khai Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ (1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009). Đây là đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến 2020, với tổng kinh phí thực hiện từ ngân sách nhà nước dự kiến 25.980 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG