Trung tâm Điện lực Sông Hậu: Khởi công rồi bỏ hoang, tiền gửi tiết kiệm?

Bảng nội quy lao động rách tả tơi cùng cỏ dại. ẢNH: HÒA HỘI
Bảng nội quy lao động rách tả tơi cùng cỏ dại. ẢNH: HÒA HỘI
TP - Ngày 18/7/2010, tại xã Phú Hữu A, nay là thị trấn Mái Dầm (Châu Thành, Hậu Giang), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và UBND tỉnh Hậu Giang khởi công xây dựng hạ tầng Trung tâm Điện lực sông Hậu.

Trung tâm Điện lực được cho là lớn nhất cả nước này nằm trên diện tích 155 ha, dự kiến có 3 nhà máy nhiệt điện, tổng công suất 5.200 MW. Thế nhưng đến bây giờ tất cả vẫn là bãi hoang.

Một năm sau ngày khởi công, tại trụ sở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, hợp đồng nguyên tắc “Tổng thầu mua sắm thiết bị, xây lắp, chạy thử” Dự án Nhà máy Nhiệt điện sông Hậu 1 ở Trung tâm Điện lực sông Hậu được ký kết, giao cho TCty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam thực hiện. Theo hợp đồng này, sau 39 tháng triển khai sẽ vận hành thương mại tổ máy số 1. Toàn bộ nhà máy điện sẽ hoàn thành sau 45 tháng. Thực tế nhà máy này vẫn mới chỉ có ở trên giấy.

Dân kêu quá trời

Ông Phạm Hoàng Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mái Dầm (Châu Thành, Hậu Giang) nói: “Dự án bỏ hoang mấy năm nay, dân kêu quá trời”. Theo ông Nghĩa, Trung tâm Điện lực sông Hậu được triển khai từ năm 2004, đến năm 2008 bồi hoàn giải phóng mặt bằng giai đoạn 1. Giữa năm 2011, Ban quản lý dự án trả tiền đền bù cho dân hơn 219 tỷ đồng, tương ứng với diện tích trên 72 ha và bàn giao cho đơn vị thi công 65 ha. Việc san lấp mặt bằng, hệ thống điện và nước cho thi công cũng được triển khai nhưng nửa chừng thì dừng lại.

Phó Chủ tịch Nghĩa nói: “Khi mở ra Trung tâm Điện lực này, người dân phấn khởi lắm, vì hàng nghìn người được hứa hẹn giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập hơn làm vườn. Nay đất đã bồi hoàn hay chưa bồi hoàn mà nằm trong dự án đều không làm ăn gì được, lao động nữ chạy tứ tán xin làm công nhân chế biến thủy sản, còn lao động nam đa số lên Bình Dương làm thuê”.

Trung tâm Điện lực Sông Hậu: Khởi công rồi bỏ hoang, tiền gửi tiết kiệm? ảnh 1

Ông Huỳnh Văn Nhiễu trong căn nhà mục nát không được cất lại. ẢNH: HÒA HỘI

Ông Huỳnh Văn Nhiễu, 61 tuổi, ở ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm cho biết, gia đình ông có 6 ha cam sành đang cho trái thì cán bộ địa phương đến đo đạc để bồi thường. “Tôi tiếc của nhưng nghĩ tới lợi ích quốc gia nên không có ý kiến gì. Thế nhưng từ đó đến nay chẳng ai ngó ngàng gì tới, muốn cất lại nhà thì chính quyền không cho”.

Vợ ông Nhiễu là bà Huỳnh Thị Hạnh, 55 tuổi, bức xúc: “Lúc đó, cán bộ tới làm ầm ầm, nói tuần sau nhận tiền bồi thường gần 2 tỷ đồng, khỏi làm gì cũng sống khỏe. Đến giờ, vườn cam xơ xác, nhà muốn sập rồi, sống không yên”.

Ông Nhiễu chỉ ngôi nhà cột gỗ, mái lá, vách ván xiêu vẹo, nói nhà cất từ 20 năm trước nay đã bị mối mọt ăn mục nát, phải luồn thêm các cây tre mới không sập. Gia đình ông có 5 người con, học chưa hết phổ thông, không còn đất sản xuất nên tất cả lên tỉnh Bình Dương làm thuê. Bà Hạnh đề nghị: “Nhà nước không làm thì để cho dân trồng cây kiếm cái ăn chứ như thế này khổ lắm”.

Cách nhà ông Nhiễu hơn cây số là nhà của ông Nguyễn Văn Hồng, 44 tuổi, hộ nghèo của ấp Phú Xuân A. Ông Hồng kể: “Nhà tôi có 6 người, tôi làm thuê kiếm ăn hằng ngày. Trước đây có công đất trồng cam, thêm thu nhập cũng đỡ, nhưng từ ngày bị kiểm kê để bồi thường thì bỏ hoang, đã nghèo càng thêm nghèo. Hai đứa con lớn chưa học hết lớp 10, phải bỏ đi làm thuê rồi”.

Vốn đầu tư gửi tiết kiệm?

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, ông Huỳnh Minh Chắc, cũng bức xúc: “Tôi nóng ruột không thua người dân”. Những năm vận động người dân nhường đất cho dự án, ông Chắc làm Chủ tịch UBND tỉnh, có khi hàng tháng trời kéo “hệ thống chính trị địa phương” về dải đất phù sa sum suê cây trái ven sông Hậu này.

“Lúc đó nói công trình trọng điểm quốc gia sẽ không để bà con thiệt, nhường đất nhanh thì đời sống sẽ lên nhanh, nghe thế bà con mới chịu. Nay mỗi lần đi qua đó hay soát xét các lĩnh vực kinh tế-xã hội của tỉnh đụng đến Trung tâm Điện lực sông Hậu, nhớ lại những đối thoại với bà con mà lòng không yên”, Bí thư Chắc nói.

“Mỗi lần đi qua đó hay soát xét các lĩnh vực kinh tế-xã hội của tỉnh đụng đến Trung tâm Điện lực sông Hậu, nhớ lại những đối thoại với bà con mà lòng không yên”.

Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Minh Chắc

Khi mở ra dự án, trước khu quy hoạch được lắp chiếc đồng hồ đếm ngược thời gian ngày Nhà máy Nhiệt điện sông Hậu 1 hoạt động, nay chiếc đồng hồ chết rồi. Tấm bảng nội quy an toàn lao động dựng giữa bãi san lấp mặt bằng đã rách tả tơi, phất phơ cùng cỏ dại. Doanh nghiệp san lấp mặt bằng là Cty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Thái Bình Dương. Tổng GĐ Cty Trần Minh Tuấn cho biết, san lấp mặt bằng cũng còn da báo, việc xây dựng nhà máy chưa biết bao giờ triển khai. Nguyên nhân chính của đình trệ là thiếu vốn.

Nhớ lại hôm 18/7/2011, ký hợp đồng “Tổng thầu mua sắm thiết bị, xây lắp, chạy thử”, doanh nghiệp tuyên bố vốn đã chuẩn bị đủ. Nhà máy Nhiệt điện sông Hậu 1 có 2 tổ máy, tổng công suất 1.200 MW, vốn đầu tư 1,5 tỷ USD. Đến nay, Trưởng ban Quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Long Phú-Sông Hậu, ông Nguyễn Doãn Toàn, cho biết: “Tập đoàn Dầu khí Quốc gia đang quyết liệt thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ”. Nhưng “quyết liệt” như thế nào thì ông Toàn không nói.

Trong lúc đó, một quan chức ở Bộ Công Thương (đề nghị chưa nêu tên) cho biết: Vốn xây dựng Nhà máy Nhiệt điệt sông Hậu 1 đã được đem gửi vào ngân hàng để lấy lời. Vị quan chức kể, trước khi khởi công hạ tầng Trung tâm Điện lực sông Hậu; Tập đoàn Dầu khí Quốc gia đã chuẩn bị đủ vốn cho thi công Nhà máy Nhiệt điện sông Hậu 1, nên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thế nhưng, sau đó có sự thay đổi nhân sự lãnh đạo tập đoàn nên việc xây dựng Nhà máy Nhiệt điện sông Hậu 1 không còn được quan tâm bố trí vốn. PV Tiền Phong hỏi, số tiền họ gửi ngân hàng để lấy lãi là bao nhiêu? Vị quan chức trả lời: “Khoảng 20.000 tỷ đồng”.

MỚI - NÓNG