Trung tâm vào Đời

Trung tâm vào Đời
TP - Nằm một góc trong Khu công nghiệp (KCN) Hố Nai, khu nhà ở công nhân này có tên Trung tâm Vào Đời. Trung tâm có hàng chục phòng ở, phòng ăn, khu giải trí có bàn bi-a, ti vi, phòng hát karaoke, sân bóng đá, tất cả đều miễn phí đối với những người có quá khứ lỗi lầm trú ngụ tại đây.

> Mái ấm cho những người hoàn lương
> Hội trại chung tay đẩy lùi ma túy

Ông Phạm Đức Bình trong buổi tiếp nhận phạm nhân mãn án tù tại trại giam Xuân Lộc
Ông Phạm Đức Bình trong buổi tiếp nhận phạm nhân mãn án tù tại trại giam Xuân Lộc.

Sự ra đời của trung tâm, dành cho những người có quá khứ lầm lỗi này bắt nguồn từ một doanh nhân. Ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Đồng Nai đã dành hẳn một khu đất thuê của KCN Hố Nai (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) để xây khu nhà 3 tầng dành cho công nhân ở miễn phí. Những công nhân trú ngụ ở đây đều từng cải tạo tại các trung tâm giáo dưỡng, trại giam.

Đang giờ làm việc, trung tâm vắng vẻ. Anh bảo vệ cho biết, có hơn 30 công nhân ở đây, sáng đi làm ở các công ty, chiều mới trở về.

Tại xưởng gỗ Công ty Thanh Bình (phường Long Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai), Phan Thanh Phương (19 tuổi) một cư dân của trung tâm đang làm việc thuần thục ở khu vực sơn PU sản phẩm gỗ xuất khẩu.

Tiếp chuyện với chúng tôi, Phương cho biết, chỉ biết quê mình ở tỉnh Quảng Nam còn cha mẹ ở đâu thì không rõ. Năm 14 tuổi, Phương lang bạt vào Đồng Nai và được một người đàn ông nhận nuôi. Ơn người cưu mang mình, Phương gọi ông ta là bố. Nhưng để có cơm ăn, Phương phải đi bán ma túy theo chỉ dẫn của “bố”.

Trong một lần bán ma túy cho con nghiện, Phương bị công an bắt và đưa vào trường giáo dưỡng. Năm 18 tuổi, Phương ra trại và được ông Phạm Đức Bình đón về trung tâm Vào Đời cho ở miễn phí và giới thiệu việc làm.

Phương vào làm công nhân tại công ty Thanh Bình do ông Bình làm tổng giám đốc. Phương kể: “Mới đầu, em cũng mặc cảm, nhưng bác Bình động viên, mọi người ở công ty cũng tận tình chỉ bảo nên em yên tâm làm việc”. Sau hơn một năm, Phương nhanh chóng thạo việc và chuyên cần trong công việc với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng.

Công nhân Hoàng Thanh Tuấn (19 tuổi, quê Lâm Đồng) làm việc tại xưởng sản xuất thức ăn gia súc Công ty Thanh Bình cũng là một cư dân trung tâm Vào Đời. Tuấn bị rủ rê đi trộm cướp tài sản. Sau khi bị bắt, Tuấn cũng được đưa vào trường giáo dưỡng. Hai năm sau Tuấn được trường cho tái hòa nhập cộng đồng, được giới thiệu vào Trung tâm Vào Đời, được bố trí việc làm, chỗ ăn ở.

Với mức thu nhập ổn định 4 triệu đồng/tháng, Tuấn đã mua được xe gắn máy, tiết kiệm tiền và gửi về phụ giúp gia đình. Tuấn nói: “Tuổi trẻ bồng bột, thiếu suy nghĩ, em đã vi phạm pháp luật. Những ngày tháng ở trung tâm giáo dưỡng, em nghĩ coi như là hết, sau này xã hội chắc gì chấp nhận mình. Em chưa biết mình sẽ về đâu, làm gì sau khi rời trung tâm giáo dưỡng. Nhưng bất ngờ em được đón nhận về trung tâm Vào Đời và có được việc làm ổn định”.

Đối với Tuấn, Phương và những người bạn, trung tâm Vào Đời là căn nhà mới của họ, ở đó có những anh em một thời lầm lỡ, có những người chú, người bác rộng lòng, khuyên nhủ, giúp đỡ, xóa đi mặc cảm.

Ông Phạm Đức Bình chia sẻ: “Việc tiếp nhận và giáo dục các em cũng hết sức khó khăn. Chúng tôi cử hẳn một cán bộ chuyên trách theo sát giúp đỡ các em. Trung tâm luôn coi các em như những người bạn, những đồng nghiệp và luôn lắng nghe, chia sẻ...”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG