Trung thu xa - gần

Cảnh làm đèn trung thu ở gia đình nhà văn Nguyễn Quang Thiều
Cảnh làm đèn trung thu ở gia đình nhà văn Nguyễn Quang Thiều
TP - Một trong những văn nhân “câu like” giỏi nhất trong làng văn chương ta hiện nay, phải kể đến Nguyễn Quang Thiều. Ông bình luận bóng đá, người ta cũng thích. Ông viết về làng của ông, “tim” bay rào rào. Cứ gần đến tết Trung thu, Nguyễn Quang Thiều lại viết dòng trạng thái dài chia sẻ công cuộc làm đèn trung thu cùng nỗi nhớ tuổi thơ xa khuất. 

Ông gọi công cuộc làm đèn trung thu là “một công cuộc của tình yêu vô tận”.  Tôi yêu những bài viết mang tính hoài niệm của Nguyễn Quang Thiều, bởi chúng giúp tôi được vỗ về, an ủi, được tìm thấy chính mình ở một thời khắc nào đó trong đời. Song lâu nay khi ngắm những chiếc đèn trung thu “made by Nguyễn Quang Thiều” tôi băn khoăn: Là một nhà văn, nhà thơ, một họa sỹ, nhưng tại sao những chiếc đèn  được làm ra bởi bàn tay của con người tài hoa này không khác chi những chiếc đèn mẹ tôi, cha tôi hay bao người dân bình thường quê tôi vẫn làm vào những mùa trung thu trước? Nguyễn Quang Thiều thích làm những chiếc đèn ngôi sao bình dị hay ông không có khả năng biến chúng trở nên lộng lẫy hơn? Ngẫm nghĩ rồi tôi tự trả lời: Vế đầu mới là đáp án đúng.

Trung thu xa - gần ảnh 1 Nhà văn Nguyễn Quang Thiều và cháu ngoại trong một ngày rằm trung thu
(Ảnh do nhà văn Nguyễn Quang Thiều cung cấp)
Tôi nhớ hồi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, đèn ngôi sao của tôi, do cha mẹ làm, chưa bao giờ đạt điểm cao, chưa từng được lựa chọn để trang trí cho những mâm cỗ thi đua giữa lớp nọ với lớp kia. Nhưng đèn ngôi sao của lớp tôi thì khác, lúc nào cũng đoạt giải, thường xuyên được xếp đi đầu trong những cuộc rước đèn từ trường qua khắp các con phố  trung tâm thị xã Cao Bằng (nay là thành phố Cao Bằng). Bởi lớp tôi học  là “lớp điểm”, trường tôi học là ngôi trường “điểm” bấy giờ. Công cuộc làm đèn ngôi sao của lớp tôi không đong đầy tình yêu như thi sĩ Nguyễn Quang Thiều mà đầy tính cạnh tranh.

Dưới chỉ huy của “nhạc trưởng”-  cô giáo chủ nhiệm, chúng tôi cố gắng làm một chiếc đèn ngôi sao “siêu to khổng lồ”, chiều cao hơn một mét, có khi  tới gần hai mét. Sau khi đã hoàn thành bộ khung và dán giấy pơ - luya, chúng tôi cùng nhau mang đèn đến nhà một họa sỹ, thuê ông trang trí, vẽ vời. Một chiếc đèn được đầu tư cỡ ấy, thường “rinh” giải. Hình như cũng có một năm lớp tôi bị lớp đàn anh “vượt mặt” giành giải đặc biệt, bởi đèn của “tiền bối” to hơn. Đúng là “Trong nhà nhất mẹ, nhì con/Ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta”. 

Gần đây nghĩ đến căn bệnh thành tích ở trường học, tôi bất giác giật mình. Hóa ra căn bệnh ấy đã cắm rễ từ lâu, thế hệ 7x chúng tôi cũng đã thấm nhuần sâu sắc. Mà cũng có thể tôi nhầm. Người dân quê tôi ngay cả không thi thố gì, cũng vẫn chuộng “to”, “đầy”, ngay trong ẩm thực: “Mời rượu cả chum/Mời quả cả cây”. Và chẳng nên lấy đó làm hổ thẹn, Tổ chức kỷ lục Việt Nam (VietKings) chẳng vừa ghi nhận cặp bánh nướng, bánh dẻo lớn nhất Việt Nam đó sao? Mấy ngày trước, có người bạn rủ tôi lên Tuyên Quang đón trung thu để ngắm những chiếc đèn khổng lồ. Vài năm gần đây, “Miền gái đẹp”  nổi lên với lễ rước đèn trung thu hoành tráng, có một không hai ở nước ta. Nghe nói, du khách đổ về Tuyên Quang dịp này rất đông, các khách sạn có vị trí, phòng ốc đẹp “vào cầu”.

Từ lâu, tôi thích thú với câu thơ Xuân Diệu: “Cái bay không đợi cái trôi/ Từ tôi phút ấy sang tôi phút này”. Xa núi rừng xuống thủ đô đã 20 năm, ký ức của tôi về rằm trung thu lại không phải những mâm cỗ được tỉa tót cầu kỳ ở trường, ở lớp, cũng không phải cuộc cạnh tranh giữa những chiếc đèn trung thu “siêu to khổng lồ” mà chỉ rưng rưng nhớ những chiếc đèn ngôi sao nhỏ bé, có khi hơi vẹo vọ được trang trí bởi những cánh hoa cắt vụng về, mà cha mẹ tôi thức thâu đêm làm cho con cái.

Ở thủ đô, cái gì cũng có, nhưng tre thì hiếm, lại càng hiếm người hào phóng thời gian để ngồi làm đèn cho con, cho cháu. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều tiết lộ trên trang cá nhân: “Sau 3 tiếng đồng hồ chiếc đèn ông sao cho cháu đã ra hình hài. Cần 10 giờ đồng hồ nữa là hoàn thiện”. Thời gian để chơi với con/cháu mỗi ngày còn chưa có, không ít đứa trẻ ở thành phố lớn lên trong vòng tay của người giúp việc. Dành 13 tiếng làm đèn cho bạn nhỏ, xa xỉ quá đi! Chẳng thà ra phố mua  cho chúng vài chiếc. Thế là cũng “tùng rinh rinh” như ai. Nhưng bù lại, thời nay nhiều cha mẹ cực kỳ hào phóng khi mua bánh trung thu cho con. Mà thị trường bánh trung thu bây giờ đa dạng hơn bao giờ. Nhưng có không ít người, như nhà văn Bảo Ninh, chỉ thích bánh trung thu truyền thống. Mấy tuần trước qua nhà ông chơi, tôi đã được mời ăn bánh trung thu với lời “quảng cáo” kích thích: Loại bánh này phải xếp hàng mua như thời bao cấp đấy!

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.