Phóng viên Xuân Ba truyền về từ Mỹ

Trước mê cung Harvard, Massachusetts...

Trước mê cung Harvard, Massachusetts...
Tôi đang chạm mặt với cổng trường đại học Harvard không còn của riêng Boston, của nước Mỹ mà là sản phẩm của nền văn minh nhân loại. Không có biển đồng bia đá, nhưng chất giọng người giới thiệu đượm vẻ tự hào khi ngỏ cùng khách Việt nam Giáo huấn của Harvard là chọn Platon làm bạn, Aristotle làm bạn, càng cần chọn chân lý làm bạn!
Trước mê cung Harvard, Massachusetts... ảnh 1
Thủ tướng Phan Văn Khải thăm ĐH Harvard, TP Boston. Ảnh : TTXVN

Có lẽ những vòng quay vô hình của chiếc máy ghi âm kỹ thuật số thì mới đựng mới chứa mới tương ứng được những thông tin đại loại như thế này: Sau khi tiếp nhận tài sản từ một trường của giáo hội, Harvard đã phát triển thành một trường đại học dân sự.

Năm 1870 Học viện Harvard trở thành Đại học Harvard, đến giữa cuối thế kỷ XIX dưới sự lãnh đạo tài ba của GS hiệu trưởng Charles W.Eliot, Harvard đã thành trường ĐH nổi tiếng thế giới. Harvard có 10 viện nghiên cứu: Học viện xã hội, Quản trị kinh doanh, Thiết kế, Nha khoa, Thần học, Giáo dục, Y học, Kinh tế cộng đồng, Học viện chính trị Kennedy. Những viện nổi tiếng nhất của Harvard là Viện Pháp luật, Học viện Y khoa và Quản trị kinh doanh.

Trước mê cung Harvard, Massachusetts... ảnh 2
Ngày 25/6/2005, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đến thăm Viện nghiên cứu McGovern nằm trong Viện Công nghệ Massachussetts và chứng kiến lễ ký thoả thuận giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với tập đoàn IDG. ảnh: Thế Thuần-TTXVN

Những người ưu tú đến từ khắp nước Mỹ và hơn 100 nước trên thế giới. Hầu hết  là con cái những gia đình giàu có. Hiện tại Harvard có khoảng 20.000 học sinh, đại bộ phận là nghiên cứu sinh. Đã có hơn 300.000 người từ khắp thế giới tốt nghiệp Harvard. Tốt nghiệp khoa Nhân văn có nhiều nhà thơ nhà văn nổi danh nước Mỹ như  Emeson. James Russell Lowell.

Trong đó có S. Eliot - nhà thơ, nhà phê bình danh tiếng của văn học hiện đại Tây phương... Từ khi có Giải Nobel 1914, có 30 người của Harvard được nhận Giải thưởng cao quí này. Harvard được mệnh danh là lò cung cấp các nhà quán quân của Giải Nobel. Sáu đời TT Mỹ xuất thân từ Harvard.

Những nhân tài của con dân nước Việt từ lâu đã đặt chân vô cổng trường này. Chế độ cũ có Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, sau đó là Phó Bá Long chuyên ngành về quản trị kinh doanh. Thời nay (tiếc cái nỗi là chưa nhiều lắm) có một số cán bộ, chuyên gia kinh tế đã, đang được đào tạo tại Harvard dạng nghiên cứu sinh ngắn hạn.

Như Lê Đức Thuý - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Nguyễn Thiện Nhân - Phó chủ tịch UBND thành phố HCM từng học về quản lý nhà nước dạng trung hạn ở Harvard... Có những thành viên trong đoàn tháp tùng Thủ tướng đến thăm Harvard cũng là về thăm trường cũ như Tiến sĩ Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT từng học chuyên ngành về kinh tế, hành chính).

Và như đồng nghiệp đang đi bên tôi đây, Tổng biên tập báo điện tử Vietnam Net Nguyễn Anh Tuấn sau một thời gian đào tạo ngắn hạn ở Harvard chuyên ngành về thương mại lại phá ngạch mà đi làm báo! Tôi đi theo Đỗ Tuấn Anh, con trai của nguyên Bộ trưởng Bộ KHĐT Đỗ Quốc Sam, một nghiên cứu sinh kinh tế triển vọng, chỉ một năm nữa là Tuấn Anh có bằng tiến sĩ.

Chúng tôi băng qua khuôn viên thênh thang của trường Harvard có những vuông cỏ mượt mà được cắt tỉa công phu. Dưới những tàn cây xum xuê lá bóng xanh là những khu nhà na ná như biệt thự lát gạch đỏ. Đời sống sinh viên nghiên cứu sinh Harvard nếu giành được học bổng toàn phần, thì là tươm lắm. Mấy ngàn đôla mỗi tháng.

Sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam ở Harvard không nhiều và có lẽ bữa nay lại đúng dịp nghỉ hè của trường, hầu hết sinh viên nghỉ hoặc đi làm  các nơi khác để kiếm thêm trong dịp hè ngắn ngủi nên nguyện vọng chúng tôi được gặp sinh viên nghiên cứu sinh Việt Nam lẫn quốc tế không thực hiện được.

Tôi sững sờ ngước lên những bậc tam cấp tít tắp dẫn lên khu thư viện khổng lồ của Harvard. Những hàng chữ cũng khổng lồ khắc trên đá nêu tên một nhà cự phú nước Mỹ  là Elkins Swidener người đã hằng tâm hằng sản bỏ tiền ra mà dựng khu thư viện đồ sộ này! Đối diện với thư viện là  nhà thờ Thánh Tâm của Harvard.

Thư viện đã rõ? Thế còn nhà thờ? Liệu những kiến thức, những phát minh tầm cỡ hành tinh cũng không đủ sức cứu rỗi những con chiên của Harvard? Trường lại có cả hệ thống cảnh sát riêng nữa chứ? Harvard như là cấm địa của Boston. Thời gian không nhiều. Lại hỏi được ít nên với tôi, Harvard vẫn là muôn phần bí hiểm!

Chúng tôi rời Harvard sang thăm Học viện công nghệ Massachusetts gọi tắt là MIT nằm ở đông nam đại học Harvard. Bạn muốn thành triệu phú trước tuổi 30 là châm ngôn của MIT. Hai trường cách nhau không xa. Nhiều sinh viên một lúc theo học cả hai trường! Là trường đại học về công nghệ khoa học nổi tiếng toàn thế giới.

 Có nhiều người coi đây là trường xuất sắc nhất thế giới. Người sáng lập ra MIT là William Barton Rogers. Năm 1861, ông đã đăng ký xin một ngôi trường chỉ để huấn luyện về kỹ thuật cho 15 thanh niên. Năm 1916, trường rời từ Boston tới Cambrit chính là khuôn viên trường  như bây giờ!

Tổng diện tích của trường là 600.000m2. MIT có 5 học viện thành viên Học viện thiết kế và kiến trúc, Học viện Công trình, Học viện nhân văn và khoa học xã hội, Học viện quản lý, Học viện khoa học sức khoẻ. MIT khuyến khích sinh viên nghiên cứu sinh học thêm các ngành khác.

Giả dụ sinh viên Học viện công trình có thể học thêm môn triết của Học viện nhân văn vv... Chủ nhân Viện MIT là một phụ nữ. Có lẽ trên hành tinh này những người như nữ tiến sĩ Suan Hockfield chả phải là nhiều lắm? Tốt nghiệp đại học tại trường Đại học Rochester, bang New York; làm bằng tiến sĩ tại trường Y, Đại học George Town, bằng sau tiến sĩ tại Đại học California ở San Francisco.

Được bầu làm Chủ tịch thứ 16 của MIT vào 26/8/2004 và nhậm chức ngày 6/12/2004. Trước khi về MIT, là hiệu trưởng trường Đại học Yale, bang Connecticut. Là nhà khoa học nổi tiếng về thần kinh; chuyên nghiên cứu về sự phát triển của não; là nhà khoa học đầu tiên làm lãnh đạo MIT. Được trao tặng huy chương vì sự nghiệp và các danh hiệu khác của một số trường đại học và viện nghiên cứu.

MIT hiện có 7500 học viên học nghề. Sinh viên hơn 10. 000 người.  Nghiên cứu sinh nhiều hơn sinh viên. Khắp các bang của nước Mỹ và gần 200 nước trên thế giới.Thành công của MIT là phương pháp giáo dục độc đáo. Nó khuyến khích trí sáng tạo mà theo MIT là nó vốn tiềm ẩn trong con người ta! Một thùng linh kiện điện tử được đưa ra, lắp ráp thế nào tuỳ ý nhưng phải tạo ra một dụng cụ chuyên dụng nào đó!

Tính cách hay phong cách sinh viên Harvard và Massachusetts khá độc đáo. Sinh viên Harvard không biết tính. Sinh viên Massachusetts không biết đọc. Có một câu nói vui như vậy để chỉ sự khác biệt về phong cách giữa sinh viên hai trường.

Sinh viên Harvard ăn mặc nghiêm cẩn bước thẳng môi mím kiêu kỳ chứ không bình dân xuề xoà như MIT. Có thể sinh viên MIT không có thời gian chăng? 360 học phần trong chương trình học là một thứ khổ ải đối với họ?

Ngồi bên tôi nghe thuyết trình là Đoàn Quốc Vinh. Vinh sinh năm 1979, quê ở Huế. Qua đại học Bách khoa thành phố HCM, Vinh đã từng tu nghiệp ở úc, ở Singapore và bây giờ là nghiên cứu sinh năm thứ nhất ngành vận trù học (Operations Research).

Chàng trai tiến sĩ tương lai có đời sống ở quê nhà khá chật vật. Vinh đã phải gắng gỏi lắm để vượt lên nhiều thứ... Nhưng mừng bây chừ, lương bố mẹ Vinh là giáo viên có lẽ khó bì với học bổng toàn phần đâu như ngàn tám đôla mỗi tháng của cậu con trai chịu thương chịu khó này. Trừ thuế cũng tròm trèm được ngàn rưỡi USD.

Mừng cho con hơn cha nhà có phúc. Mừng hơn Vinh nói rất nhiệt thành ủng hộ ý tưởng của Thủ tướng và đoàn ta tới thăm Harvard tới thăm Massachusetts là để tầm sư học đạo xây dựng cho bằng được trong tương lai gần một mô hình đại học tiên tiến ngay tại Việt Nam!

Đang ngồi bên chúng tôi là một tiến sĩ tương lai. Nhưng một thế hệ không song hành bên mà đang vượt tiến lên phía trước!

MỚI - NÓNG