Trường Sa lớn lên cùng đất nước

Ngôi chùa đang được trùng tu ở đảo Nam Yết
Ngôi chùa đang được trùng tu ở đảo Nam Yết
TP - Sau 39 năm kể từ 29/4/1975, ngày quần đảo Trường Sa được giải phóng hoàn toàn, huyện đảo Trường Sa đổi mới từng ngày, lớn lên cùng với sự phát triển của đất nước. Chuẩn Đô đốc Nguyễn Ngọc Tương, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân, nói:

Thế trận quốc phòng - an ninh trên quần đảo Trường Sa đã được củng cố vững chắc, hệ thống chính trị của huyện, thị trấn Trường Sa, các xã Sinh Tồn và Song Tử Tây đã được kiện toàn. Đội ngũ cán bộ, công chức của huyện ngày càng được đào tạo cơ bản, có năng lực, kinh nghiệm, gắn bó với nhân dân. Về kinh tế, tại Trường Sa ngày càng có nhiều âu tàu, cơ sở đảm bảo hậu cần, kỹ thuật, thông tin.

Những cơ sở này đã tạo điều kiện cho ngư dân Trường Sa và các tỉnh ở đất liền thực sự vươn khơi bám biển. Hơn mười năm trước, tàu cá nước ngoài chiếm số đông ở khu vực Trường Sa, nhưng hiện nay hoạt động của ngư dân ta trên vùng biển Trường Sa sôi động hơn rất nhiều, tàu cá của ngư dân Việt Nam đã chiếm tỷ lệ áp đảo.

Tại các đảo, chúng ta đã trùng tu chùa, xây dựng nhà văn hóa, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ và nhiều công trình văn hóa, tâm linh… Các trường học, bệnh xá trên các đảo cũng được củng cố và nâng cấp, với đội ngũ bác sỹ, giáo viên có trình độ, giàu nhiệt huyết.

Trường Sa lớn lên cùng đất nước ảnh 1

Chuẩn Đô đốc Nguyễn Ngọc Tương, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân

Thưa ông, sự phát triển mọi mặt của Trường Sa có ý nghĩa thế nào trong việc thực hiện chiến lược biển của nước ta?

Vùng biển Trường Sa có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội, kể cả du lịch. Khi chúng ta biết khai thác lợi thế đó, huyện đảo sẽ ngày càng phát triển bền vững, vững chắc hơn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Chiến lược biển Việt Nam có nhiều nội dung, trong đó quan trọng nhất là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa đất nước ta trở thành quốc gia mạnh từ biển, làm giàu từ biển.

Trong gần 10 năm thực hiện chiến lược biển, hiệu quả hoạt động kinh tế ở vùng biển Trường Sa đã được nâng cao hơn nhiều so với trước kia. Trường Sa có ngư trường hết sức thuận lợi, bên cạnh đó, Nhà nước ta có nhiều chủ trương, chính sách để động viên các nguồn lực, để hỗ trợ ngư dân.

Lực lượng kiểm ngư vừa ra mắt có đủ năng lực hoạt động trên vùng biển xa bờ, vùng biển giáp ranh với các nước khác, sẽ đóng vai trò quan trọng để giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển. Lực lượng kiểm ngư cũng có chức năng giám sát, định hướng cho ngư dân hoạt động đúng luật pháp, quy định của Nhà nước ta.

Theo ông, Hải quân có vai trò như thế nào trong việc củng cố hệ thống chính trị ở Trường Sa?

Trường Sa là một huyện đảo của tỉnh Khánh Hòa. Có được hệ thống chính trị trên huyện đảo Trường Sa vững mạnh như ngày hôm nay, trước hết là từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta, trực tiếp là Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Khánh Hòa. Sau đó là phong trào “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”, từ phong trào đó, chúng ta đã huy động được nguồn lực rất lớn để huyện đảo Trường Sa phát triển về mọi mặt, củng cố thế đứng của chúng ta trên quần đảo Trường Sa.

Việc giúp đỡ của Hải quân đối với chính quyền và nhân dân huyện Trường Sa là một phần nhỏ bé, nhưng sự phối hợp, kết hợp giữa các đơn vị của quân chủng đóng quân trên các đảo của quần đảo Trường Sa với chính quyền và nhân dân huyện đảo sẽ càng đi vào thực chất và gắn bó mật thiết hơn.

Điều đó là một trong những yếu tố tạo ra động lực, để xây dựng huyện đảo mạnh về phòng thủ, tốt về đời sống, đẹp về cảnh quan môi trường và mẫu mực trong quan hệ quân dân.

MỚI - NÓNG