Truy nguyên nhân 72.000 cử nhân thất nghiệp

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng
Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng
TPO - "Việc 72.000 cử nhân thất nghiệp không phải chuyện nhỏ. Nhiều khả năng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trả lời chất vấn về vấn đề này", ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng, cho biết.

Tại phiên khai mạc Quốc hội sáng 20/5, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ nguyên nhân vì sao có tới 72.000 người tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học thất nghiệp.

Sáng nay, bên hành lang kỳ họp Quốc hội, trả lời báo chí về việc 72.000 cử nhân thất nghiệp, ông Đào Trọng Thi phân tích: "Tôi cho rằng, các cơ sở đào tạo không nên chạy theo số lượng. Phải đào tạo theo khả năng của mình, đáp ứng theo nhu cầu đào tạo khi xã hội cần. Nếu làm tốt, sẽ khắc phục được việc cử nhân thất nghiệp.

Nhìn nhận kỹ hơn, việc này không phải là việc nhỏ. Khả năng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này, có lẽ chờ đến lúc đó thì sẽ có sự phân tích đầy đủ hơn".

Các cơ sở đào tạo ồ ạt, không tính nhu cầu xã hội – đó chính là nguyên nhân sinh viên không tìm được việc khi ra trường, thưa ông?

Nhà trường không có khả năng dự báo dài hạn, nhưng chuyện đào tạo nguồn nhân lực phải tính toán dài hạn. Không phải là sang năm người ta cần gì thì mình đào tạo mà phải dự đoán được 5 – 7 năm sau. Thứ hai,  vấn đề quy hoạch nhân lực của ta làm chưa tốt, chưa phù hợp, chưa đúng với thị trường lao động.

Những người đi học cũng không tính, sau khi mình học xong sẽ làm được việc gì. Trách nhiệm của người học phải tìm hiểu chứ không phải cứ học bừa rồi xã hội phải lo cho mình. Đương nhiên có những việc phải do nhà nước quy hoạch, từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, từng ngành nghề. Nhưng người học phải lo cho mình đầu tiên, vì họ có quyền lợi đầu tiên về chuyện này.

Nói như vậy, có nghĩa, vấn đề chỉ tiêu tuyển sinh tại các cơ sở đào tạo vẫn bị thả nổi, thiếu kiểm tra?

Theo Luật Giáo dục đại học thì chỉ tiêu tuyển sinh là do các cơ sở đào tạo và năng lực đào tạo của nhà trường. Anh có bao nhiêu giảng viên, có bao nhiêu cơ sở vật chất, mặt bằng thiết bị thì mới xác định được chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với tình hình thực tế của trường. Nhưng hiện nay các cơ sở đào tạo chỉ xác định theo con số chung, chưa chi tiết vào từng ngành nghề của cơ sở đào tạo. Phải chi tiết hóa chiến lược đào tạo của từng nhà trường, gắn công tác đào tạo với nhu cầu của xã hội.

72.000 cử nhân thất nghiệp là một sự lãng phí nguồn nhân lực, đầu tư xã hội. Cần có giải pháp gì thưa ông?

Cần phát triển việc làm. Bây giờ thất nghiệp có khi cũng là vì xã hội chưa tạo ra được việc làm. Thứ hai là những người được đào tạo phải tích cực, có thể có những nơi như miền núi cần anh nhưng anh lại thích đi làm thành phố chẳng hạn, không thể bắt được người ta được.

Nhà nước phải có chế độ chính sách để thu hút nhân lực. Còn đối với các cơ sơ, địa phương sử dụng nguồn nhân lực không hấp dẫn, không thu hút được người lao động có trình độ, phải có chính sách, có cơ chế phù hợp để thu hút.

Với những người được đào tạo mà không tìm được việc làm do thị trường lao động không có nhu cầu, họ phải tự học thêm các ngành nghề mới xã hội đang có nhu cầu. Người đã được đào tạo, đang thất nghiệp chưa tìm được việc làm phải tự thân vận động.

Đào tạo cử nhân tràn lan để rồi thất nghiệp, theo ông vai trò của Bộ Giáo dục và đào tạo là gì?

Ngành Giáo dục và Đào tạo phải điều chỉnh lại hoạt động giáo dục, đào tạo của họ. Trước hết, việc quy hoạch nguồn nhân lực và hướng dẫn các trường tuyển dụng chỉ tiêu phải tốt hơn; phải cụ thể từng ngành nghề, cơ cấu đào tạo, chứ không chạy theo số lượng đào tạo.

“Nhìn nhận kỹ hơn, việc này (để 72.000 cử nhân thất nghiệp - PV) không phải là việc nhỏ, khả năng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này, có lẽ chờ đến lúc đó thì sẽ có sự phân tích đầy đủ hơn” – Chủ nhiệm Đào Trọng Thi.

MỚI - NÓNG