Truy tố hình sự nếu phát tán tin nhắn rác

Ảnh: Bộ TT&TT
Ảnh: Bộ TT&TT
TP - Các trường hợp phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, có thể sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự. Đây là một trong những biện pháp mạnh tay nhằm ngăn chặn tin nhắc rác, tin nhắn lừa đảo nhức nhối xã hội bấy lâu nay, Bộ Thông tin & Truyền thông cho hay.

> Nhà mạng bất lực với tin nhắn rác

Lãnh đạo cấp cao cũng than phiền

Tại hội nghị triển khai các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, hôm qua, ông Vũ Quốc Khánh - Giám đốc Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp Máy tính (VNCERT) cho hay, mỗi năm VNCERT tiếp nhận khoảng 160.000 phản ánh về tin nhắn rác, các doanh nghiệp di động xử lý khoảng 100.000 phản ánh do các thuê bao gửi về. 300 vi phạm đã được xử lý, 50 doanh nghiệp có phát tán tin nhắn rác bị xử phạt 2,4 tỷ đồng, ba doanh nghiệp bị đình chỉ. Tuy nhiên trên thực tế tình trạng tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo diễn ra nhức nhối hơn nhiều.

“Mỗi năm có tới hàng chục tỷ tin nhắn quảng cáo song chỉ có 3% trong số đó là tin nhắn quảng cáo hợp pháp” - ông Khánh nói.

Một đại diện Cục Kỹ thuật Nghiệp vụ II (Tổng cục An ninh - Bộ Công an) nói: “Người dùng bực mình một thì chúng tôi bực mình 10, lãnh đạo cấp cao của Nhà nước cũng than phiền với Bộ Công an về việc bị làm phiền bởi tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo”.

Ông Nghiêm Phú Hoàn, Phó Tổng Giám đốc VNPT cho hay các đối tượng phát tán tin nhắn rác luôn tìm cách lách quy định của nhà mạng. “Khi chúng tôi giảm bớt được tin nhắn rác qua các đầu số 6xxx, 7xxx thì hàng triệu tin nhắn rác qua đầu đố 1900xxx xuất hiện. Hạn chế được tin nhắn rác từ đầu số 1900xxx thì lại có hơn hai triệu tin nhắn rác gửi qua đường links wapush đến các thuê bao”.

Sẽ mạnh tay

Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, theo Chánh thanh tra Bộ TT&TT Nguyễn Văn Hùng chính là bởi tỷ lệ ăn chia lợi nhuận không hợp lý giữa các doanh nghiệp di động và các CSP (Cty cung cấp dịch vụ tin nhắn giải trí).

Ở VN với các đầu dịch vụ 1900, doanh nghiệp viễn thông thường được hưởng 66 hoặc 58%, các CSP được hưởng 34 hoặc 42% lợi nhuận. Trái hẳn với thế giới, các CSP thường được hưởng từ 70-90% lợi nhuận.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết sẽ quy định giá cước tin nhắn dùng cho các CSP khi cung cấp dịch vụ thông tin qua mạng viễn thông nhằm đảm bảo sự công bằng lợi ích kinh tế giữa doanh nghiệp di động và các CSP. Bộ TT&TT sẽ trực tiếp quản lý và cung cấp các đầu số di động phân bổ cho các CSP.

Bộ cũng sẽ sớm xin ý kiến Chính phủ để ban hành nghị định quản lý cung cấp và sử dụng dịch vụ internet nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý. “Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Công an để truy tố những trường hợp phát tán tin nhắn rác điển hình” - ông Thắng nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG