Truy trách nhiệm Bộ trưởng vụ tàu cá vỏ thép hư hỏng

ĐB Đặng Hoài Tân truy trách nhiệm Bộ trưởng vụ tàu cá vỏ thép hư hỏng. Ảnh: Như Ý.
ĐB Đặng Hoài Tân truy trách nhiệm Bộ trưởng vụ tàu cá vỏ thép hư hỏng. Ảnh: Như Ý.
TP - “Các cơ sở đóng tàu do bộ giới thiệu, đăng kiểm tàu cá thì đơn vị trực thuộc Tổng cục Thủy sản kiểm định chất lượng… Vậy trách nhiệm của Bộ trưởng ở đâu trong việc để xảy ra tình trạng tàu cá vỏ thép mới đưa vào sử dụng đã hỏng”, ĐBQH nêu câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường.

Làm sai thì phải chịu trách nhiệm

Là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã sớm nhận được những câu hỏi về trách nhiệm trong vụ hàng loạt tàu cá vỏ thép ở Bình Định bị hư hỏng. Theo ĐB Đặng Hoài Tân (Bình Định) để góp phần hiện đại tàu cá, nâng cao hiệu quả sản xuất của ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo, thời gian qua các cơ quan chức năng đã hỗ trợ cho ngư dân vay vốn đóng mới và nâng cấp hàng nghìn tàu cá, trong đó 375 tàu vỏ thép.

Tuy nhiên, nhiều tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi và một số tỉnh khác mới xuất xưởng chưa đầy một năm, ra khơi mới 1 - 2 chuyến biển đã bị hư hỏng nghiêm trọng. Thậm chí tàu mới đưa từ xưởng về đã bị hư hỏng máy móc, không ra khơi được, mặc dù tàu này được đóng ở những cơ sở đóng tàu mà Bộ NN&PTNT cho là đủ năng lực thi công và được Trung tâm đăng kiểm, Tổng cục thủy sản kiểm định chất lượng.

“Bộ có giải pháp gì chấm dứt tình trạng trên và tạo điều kiện cho các chủ tàu bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương hỗ trợ ngư dân hiện đại hóa tàu cá trong thời gian tới”, ông Tân chất vấn.

Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, gần đây xuất hiện một số tàu vỏ thép bị hư hỏng, trong đó Phú Yên có 2 chiếc và Bình Định có 19 chiếc.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Bộ NN&PTNT và tỉnh Bình Định đã yêu cầu hai đơn vị đóng tàu không được đóng mới để tập trung khắc phục ngay hậu quả. Đồng thời, tỉnh Bình Định cũng đề nghị cơ quan công an vào cuộc để làm rõ. “Trách nhiệm cụ thể như thế nào thì tổ tư vấn sẽ làm rất kỹ để phát hiện nguyên nhân và sẽ có báo cáo Thủ tướng”, Bộ trưởng Cường cho biết.

Không hài lòng với trả lời trên, ông Tân “truy” rằng: Nội dung tôi muốn hỏi là trách nhiệm của Bộ trưởng ở đâu trong việc để xảy ra tình trạng trên? Bởi các cơ sở đóng tàu thì do bộ giới thiệu, sản phẩm đóng tàu ra thì Trung tâm đăng kiểm tàu cá trực thuộc Tổng cục Thủy sản kiểm định chất lượng.

Đến lúc này, Bộ trưởng Cường khẳng định, sau làm rõ nguyên nhân dẫn đến hư hỏng thì các cơ quan chức năng sẽ làm rõ những vấn đề có liên quan. Theo đó, cơ quan nào sai, cá nhân nào sai sẽ phải chịu trách nhiệm.

“Điều này sẽ được làm kiên quyết. Không phải vì số tàu này mà ảnh hưởng cả một chủ trương, chính sách lớn của chúng ta, kể cả thuộc phần của bộ, chỗ nào sai là bộ phải chịu trách nhiệm”, ông Cường đáp.

Giải cứu nông sản cho đến bao giờ?

Đề cập đến điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” đã tồn tại quá nhiều năm trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, ĐB Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) đề nghị Bộ trưởng Cường cho biết rõ giải pháp căn cơ để giải quyết.

ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) thì “truy” căn cứ nào mà Bộ đã quy hoạch dự báo phát triển sản phẩm ngành chăn nuôi, với tổng đàn lợn đến năm 2015 là 32 triệu con và đến năm 2020 là 34 triệu con. Trong khi đó, đến nay dù tổng đàn lợn chưa đạt dự báo mà thị trường đã dư thừa rất lớn, khiến giá giảm sút thảm hại. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp và trách nhiệm của bộ về vấn đề này”, ông Sơn hỏi.

Theo Bộ trưởng Cường, sản xuất trong những năm qua, nhất là đàn lợn đã tăng trưởng quá nhanh. Trong khi nhu cầu sử dụng ngày càng thay đổi. “Trước kia trong bữa cỗ, bữa cơm 70-75% là thịt lợn thì bây giờ nhiều sản phẩm để nhân dân chúng ta lựa chọn như sữa, trứng, thịt gà, thịt bò làm cho dư thừa tạm thời và mất cân đối, sức cung lớn hơn sức cầu rất nhiều”, ông Cường nói. 

ĐB Trần Dương Tuấn - Bến Tre thẳng thắn đặt vấn đề: Từ kỳ họp này cho tới kỳ họp thứ 6 của Quốc hội vào khoảng cuối năm 2018, trong lĩnh vực của bộ trưởng có thể còn xảy ra trường hợp nào phải kêu gọi cơ quan, tổ chức, người dân tham gia giải cứu như đã từng làm đối với các sản phẩm nông nghiệp như hành tím, dưa hấu, thịt lợn như vừa rồi hay không. Nếu có thì tên gọi của mặt hàng nông sản đó là gì để người dân biết mà chuẩn bị?

ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) chất vấn tiếp: “Nếu trả lời thế này cử tri hoàn toàn không hài lòng”. Bộ trưởng Cường cho biết, thời gian tới cần tập trung tổ chức lại sản xuất, thành lập hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp, mở rộng thị trường cho nông sản Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tình trạng dư thừa thịt lợn làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Nguyên nhân do chất lượng quy hoạch chưa cao. “Vấn đề này thuộc trách nhiệm quản lý của Nhà nước”, ông Dũng nói và cho rằng, cần tổ chức lại hệ thống thương mại, sản phẩm nông sản trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.

“Nội dung tôi muốn hỏi là trách nhiệm của Bộ trưởng ở đâu trong việc để xảy ra tình trạng trên? Bởi các cơ sở đóng tàu thì do bộ giới thiệu, sản phẩm đóng tàu ra thì Trung tâm đăng kiểm tàu cá trực thuộc Tổng cục Thủy sản kiểm định chất lượng”.

ĐBQH Đặng Hoài Tân

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.